Thứ sáu, 29/03/2024 05:51 (GMT+7)

Dự án ĐH Quốc gia HN đổ chất thải xây dựng lên đất nông nghiệp?

Minh Thủy - Trần Lan -  Thứ hai, 17/05/2021 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đất, đá thải tại dự án Đại học Quốc gia Hà Nội được vận chuyển đi san lấp đất nông nghiệp tại Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, gây ô nhiễm môi trường và phá hủy kết cấu đất.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hoà Lạc là một dự án quan trọng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/10/2013. Quy mô sử dụng đất của dự án là 1.113,7 ha.

Trong đó, Dự án thi công đoạn đầu nối tuyến 3 với quốc lộ 21 là một trong những hạng mục quan trọng, khi hoàn thành sẽ tạo kết nối hạ tầng trong quá trình triển khai xây dựng các dự án thành phần giai đoạn 1 của ĐHQGHN.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án thi công đoạn đầu nối tuyến 3 với quốc lộ 21, xuất hiện tình trạng đất, đá bóc tách mặt đường cũ thải bỏ từ công trình lại không được xử lý đúng quy định, mà được vận chuyển đi san lấp mặt bằng, được người dân cho là đất nông nghiệp tại thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.

Đất, đá thải từ dự án của ĐHQGHN được múc lên xe ô tô mang đi san lấp đất nông nghiệp?

Trao đổi với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, một người dân sinh sống tại nơi đang có xe vào đổ đất, đá thải công trình cho biết: "Trên là đất thổ cư, dưới là đất ruộng của người dân, người ta mua thêm ruộng người ta đổ vào. Còn thổ cư chỉ sâu 28 – 30 mét thôi. Còn lại là đất ruộng”.

Xe ô tô vận chuyển đất, đá thải từ dự án của ĐHQGHN đổ vào mảnh đất tại Khoang Sau, xã Sơn Đông, Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.

Nếu đúng như chia sẻ của người dân thì việc chở đất, đá thải công trình từ Dự án thi công đoạn đầu nối tuyến 3 với quốc lộ 21 mang đi san lấp đất nông nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm. Bởi việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật đất đai một cách nghiêm trọng.

Cụ thể, tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Cũng theo quy định, khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, các chủ dự án, nhà thầu thi công phải tuân thủ những quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường. Cụ thể, tùy từng công trình, chủ dự án phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí nhân sự phụ trách để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong khi thi công xây dựng; bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công...

Tên Dự án thi công đoạn đầu nối tuyến 3 với quốc lộ 21 không được công khai mà bị che kín bên trên, PV phải lật ra mới nhìn thấy được.

Để làm rõ dấu “?” trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát khi để tình trạng đất, đá thải dự án của ĐHQGHN bị mang đi san lấp được cho là đất nông nghiệp và hồ sơ pháp lý đảm bảo môi trường khi thực hiện dự án? Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam theo biển tên được công khai tại dự án ghi tại công trình, đã liên hệ và đặt lịch làm việc với: Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Hòa Phát – là nhà thầu thi công; và chủ đầu tư Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, khi liên hệ lại với Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Hòa Phát, Phóng viên được một người tên Trang – nhân viên phòng kế toán trả lời: Công ty chỉ thực hiện một phần nhỏ; lãnh đạo công ty bảo không có thời gian tiếp phóng viên...

Công nhân dự án dùng ống thổi làm sạch mặt đường khiến bụi bay mù mịt

Còn tại buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư là Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 12/5/2021, ông Lê Anh Mạnh – Phó trưởng Phòng quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN cho biết: Theo quy định, tất cả các đơn vị thi công dự án trước khi thi công đều được Ban phê duyệt các bãi tập kết chất thải và bãi tập kết đất. Ban nghiêm cấm chở đất ra khỏi dự án, sẽ có hành vi xử lý với đơn vị chở đất ra khỏi dự án và sử dụng sai mục đích đất đấy. Nên Ban khẳng định không có chuyện chở đất ra khỏi dự án.

Khi Phóng viên xin tiếp cận hồ sơ pháp lý về mặt bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án, thì ông Mạnh thông tin: “đã cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước và không cung cấp cho nhiều đơn vị”.

Theo như trả lời của ông Lê Anh Mạnh - đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội và Bà Trang - kế toán Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Hòa Phát, và những tồn tại nêu trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về năng lực của nhà thầu, cũng như trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội trong quá trình kiểm tra, giám sát, thực hiện thi công dự án? Liệu Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà Hòa Phát có thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án?

Bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương xã Sơn Đông, huyện Thạch Thất khi để đất, đá thải công trình được ngang nhiên vận chuyển san lấp đất nông nghiệp và “phù phép” thành đất ở?

Kính đề nghị Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội; Công an Môi trường; UBND huyện Thạch Thất; UBND Thị xã Sơn Tây và UBND xã Sơn Đông vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và thông tin phản hồi tới báo chí.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000 kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...
Bạn đang đọc bài viết Dự án ĐH Quốc gia HN đổ chất thải xây dựng lên đất nông nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.