Thứ năm, 28/03/2024 20:45 (GMT+7)

Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có chậm tiến độ?

Doãn Kiên - Thu Thủy -  Thứ năm, 20/06/2019 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư đến nay vẫn chưa biết khi nào có thể đi vào hoạt động.

Tháng 11/2011, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang được UBND Thành phố Hà Nội giao làm nhà đầu tư dự án “Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh” (có địa chỉ tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có tổng diện tích quy hoạch là 87.453m2; loại rác thải xử lý là rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp và các loại rác thải đặc thù khác. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt Plasma PJMI được tích hợp 4 hệ thống thiết bị công nghệ mới, đặc biệt tiên tiến và đạt hiệu quả cao hiện nay.

Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh vẫn chưa đi vào hoạt động.

Tuy nhiên cho đến nay, đã 8 năm trôi qua kể từ ngày khởi công, sau nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động.

Trong giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên số 01121001044 ngày 11/11/2011quy định quy mô dự án là xử lý 300 tấn rác/ngày đêm. Tiến độ thực hiện dự án khởi công tháng 12/2011, hoàn thành tháng 4/2013. Tổng vốn đầu tư là trên 519 tỉ đồng (vốn tự có chiếm 20,44%).

Đến ngày 16/1/2013, dự án có điều chỉnh chứng nhận đầu tư trong đó nêu chi tiết hơn mục tiêu đầu tư. Tổng số vốn dự kiến đã tăng lên thành hơn 699 tỉ đồng (tăng 180 tỉ so với trước. vốn tự có chiếm 20%).

Ngày 14/4/2015, dự án tiếp tục điều chỉnh đầu tư lần 2. Trong văn bản này các nội dung của dự án không có bất cứ thay đổi gì nhưng lại điều chỉnh về tiến độ thực hiện dự án hoàn thành vào 30/6/2016.

Như vậy tính đến thời điểm tháng 4/2015 khi dự án được điều chỉnh đầu tư lần 2, nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh đã chậm tiến độ 24 tháng, còn so với kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2016 thì dự án chậm trên 36 tháng mà không có nguyên nhân thỏa đáng nào.

Đến 19/9/2016, tức là khoảng thời gian dự án bắt buộc phải đi vào hoạt động theo quyết định điều chỉnh đầu tư lần 2 thì lúc này dự án lại có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (lần thứ 3).

Trong đó có 3 thay đổi đáng kể: Thứ nhất về quy mô dự án nâng công suất xử lý chất thải từ 300 tấn lên 500 tấn/ngày đêm. Thay đổi thứ 2 về tổng mức đầu tư dự án là trên 768 tỉ đồng (tăng 67 tỉ đồng so với lần gần nhất, tăng 249 tỉ đồng so với dự kiến ban đầu). Thay đổi thứ 3 tiếp tục về tiến độ thực hiện dự án dự kiến đưa công trình vào hoạt động vào tháng 7/2017.

Dự án 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, thay đổi chủ yếu về quy mô công suất, thời gian hoàn thành và tổng vốn đầu tư.

Như vậy đến nay, dự án lại tiếp tục chậm tiến độ 2 năm so với quy định trong lần điều chỉnh gần nhất.

Để làm rõ nguyên nhân của vấn đề này, ngày 22/5/2019, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Tuyết Mai - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang - bà Nguyễn Tuyết Mai làm việc cùng phóng viên.

Đại diện phía công ty cho biết: “Sở dĩ cho đến nay nhà máy chưa thể đi vào vận hành chính thức là do chức năng của dự án chỉ được quy hoạch xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp thông thường như trong quyết định 609 của Thủ tướng năm 2014 (Quyết định 609/QĐ- Ttg ngày 25/4/2014 về việc phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050- PV). Trong khi mục tiêu của dự án ngay từ đầu là xử lý cả các loại rác đó và cả rác thải nguy hại. Chúng tôi đã có các báo cáo trình các sở ngành có thẩm quyền để xin điều chỉnh quy hoạch”.

Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang đã có văn bản số 05/BC-TQ ngày 27/4/2017 và văn bản số 70/CV-TQ ngày 28/9/2017 trình các sở ngành có thẩm quyền của TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm mà công ty vẫn chưa nhận được trả lời thích đáng.

Câu hỏi đặt ra: Trong quyết định 609 vẫn cho phép nhà máy rác Đông Anh được "xử lí chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường" tức là nó phù hợp với mục tiêu của dự án cũng như quyết định đầu tư của Thành phố. Vậy tại sao trong khi chờ được phép xử lí chất thải nguy hại thì phía công ty không tiến hành xử lí các loại rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường như mục tiêu và quy hoạch?

Lúc này bà Mai cho biết: “Công ty không thể tiến hành chỉ xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường vì giá thành của loại rác thải này thấp. Nếu vận hành xử lý 300 tấn/ngày đêm loại rác thải này thì công ty sẽ thua lỗ”.

Trong khi bà Mai khẳng định Dự án đã sẵn sàng cho vận hành sản xuất thì văn bản của Sở TNMT TP Hà Nội trả lời Môi trường và Đô thị lại ghi rõ: “Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thành lắp đặt toàn bộ dây chuyền công nghệ, dự kiến hoàn thành vào 30/8/2019”. Điều này có liên quan gì đến việc bà Mai từ chối lời đề nghị được đi ghi nhận thực tế tại nhà máy của PV với lí do: “phía đối tác không cho vào nhà máy vì chưa chuyển giao công nghệ. Vì chúng tôi còn nợ họ tiền bảo hành nên họ chưa bàn giao cho chúng tôi”.

Dự án hiện vẫn "đắp chiếu" nên nhiều khu vực trông rất hoang vu.

Như vậy, nguyên nhân chậm tiến độ của Dự án khu xử lí rác thải huyện Đông Anh có đơn thuần do chờ quy hoạch hay còn nguyên nhân chủ quan nào khác? Một loạt câu hỏi đặt ra đối với năng lực của nhà đầu tư dự án như:

Tại sao quyết định 609 có từ năm 2014 mà phải 3 năm sau đến 2017 tức là vừa đúng thời gian nhà máy phải đi vào hoạt động như quyết điều chỉnh đầu tư phía Công ty mới có các báo cáo xin điều chỉnh quy hoạch?

Tại sao khi thành lập dự án, công ty không tính toán cẩn trọng bài toán kinh tế, cân đối tỉ lệ giữa xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp, đồng thời có chiến lược về quy mô công suất ngay từ đầu để sau đó phải điều chỉnh qua lại nhiều lần?

Nguồn vốn đầu tư phụ thuộc 70% ngân hàng có phải là 1 nguyên nhân nữa khiến 8 năm qua nhà máy vẫn chưa thể vận hành?

Kỳ tới: Những thừa nhận về năng lực của nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh có chậm tiến độ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.