Thứ bảy, 20/04/2024 01:01 (GMT+7)

Dự án ngăn triều cường ở TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2022

MTĐT -  Thứ sáu, 25/03/2022 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án này có mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn Tp.HCM với diện tích khoảng 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân.

Tại buổi họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua, diễn ra vào chiều 24/3, liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (còn gọi là Dự án ngăn triều, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng).

Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) Nguyễn Huy Bình cho biết về tiến độ dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1, một dự án rất quan trọng của Tp.HCM có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.

Theo ông Bình, tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90%. Về một số vấn đề liên quan đến thủ tục, tái cấp vốn, UBND TP.HCM đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung để giải quyết và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để hoàn thành tất cả các thủ tục liên quan.

tm-img-alt
Sau khi hoàn thành, hệ thống công trình có thể điều tiết mực nước khoảng 1 - 1,2m, để vừa chống ngập khi triều lên. (Ảnh: Internet)

Đến nay, các thủ tục với Trung ương cơ bản đã hoàn thành, TP.HCM đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Quyết tâm của Thành phố này là sẽ hoàn thành cơ bản tại hiện trường trong năm 2022 và năm 2023 sẽ hoàn thành các công tác quyết toán liên quan.

Theo đó, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 được phê duyệt tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND TP.HCM

Dự án này có mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn TP.HCM với diện tích khoảng 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và khoảng 6 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn trên cơ sở nâng cao trình của những vùng trũng thấp.

Sau khi hoàn thành, hệ thống công trình có thể điều tiết mực nước khoảng 1 - 1,2m, để vừa chống ngập khi triều lên vừa góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Tp.HCM còn cho hay, Tp.HCM là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.

Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu xảy ra trên diện tích bị ngập của Thành phố này đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473km2 tương ứng với mực nước biển dâng là 65cm, 75cm và 100cm; khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được nên cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

Ngày 25/1/2021, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải Tp.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030. Đề án này được xây dựng dựa trên các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với thời gian quy hoạch đến năm 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về định hướng, quy hoạch chống ngập và xử lý nuớc thải Tp.HCM giai đoạn 2020 – 2045 đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn năm 2020 – 2025.

Đồng thời, TP.HCM sẽ nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, từng quận huyện… đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng chung, phù hợp quy hoạch thoát nước.

Lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính nhằm… đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đối khí hậu, mực nước biển dâng.

Mặt khác, thực hiện các dự án, hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước trong khu vực 581,52km2; đồng thời xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, TP.Thủ Đức và quận 7.

Ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, do yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian thực hiện dự án kéo dài hơn so với trong hợp đồng, trong đó nhiều lần phải tạm ngưng thi công. Theo đánh giá của Ban, mặc dù công trình có tạm ngưng một thời gian nhưng xét về "tuổi thọ" công trình thì không ảnh hưởng nhiều.

Về vấn đề báo chí quan tâm là việc thi công kéo dài có làm tăng tổng vốn đầu tư, ông Trần Như Quốc Bảo cho biết tổng mức đầu tư đến thời điểm này không tăng, vẫn theo nội dung hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Được biết, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của TP.HCM, với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Dự án được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên do những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên sau đó tiến độ hoàn thành lùi lại nhiều lần.

Tuệ Nhi (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Dự án ngăn triều cường ở TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...