Thứ bảy, 20/04/2024 06:10 (GMT+7)

Dự án “siêu đê” biển Vũng Tàu - Gò Công lại gây tranh cãi kịch liệt

MTĐT -  Thứ bảy, 07/04/2018 10:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công, tại hội thảo diễn ra ngày 6/4, các chuyên gia bày tỏ lo ngại dự án chưa đánh giá đầy đủ những tác động đối với điều kiện tự nhiên của vùng TP. HCM.

Giúp giải quyết triều cường ở TP. HCM

Ngày 6/4 tại TP. HCM, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long”.

Trong 4 phương án tuyến được nghiên cứu và tính toán, Bộ NN-PTNT đã chọn phương án được đánh giá là tối ưu với tuyến đê biển từ Gò Công đến gần Vũng Tàu (cách Vũng Tàu 5 km), nối tiếp với tuyến đê nhánh đi vào rừng Cần Giờ.

Tuyến đê chính dài 28 km, rộng 30 m, chiều sâu nước trung bình 5,5 m và một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 2.000 m, cao trình đáy -10,0 m và tổ hợp âu thuyền cho tàu 30.000 tấn, sau đó kết nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng 22,4 m, dưới cầu các loại tàu bè đi lại bình thường vào khu vực vịnh Gành Rái.

Tuyến đê phụ dài 13 km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào Cần Giờ chiều sâu bình quân khoảng 4 m.

Triều cường - nỗi ám ảnh với người dân Sài Gòn. Ảnh: Internet.

Phương án này sẽ tạo được hồ chứa có diện tích mặt nước khoảng 43.000 ha, tổng dung tích 2,5 tỉ m3. Ngoài ra cần xây dựng một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200 m, ngưỡng cao trình - 12,0 m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu. Tổng vốn của dự án là 74.000 tỉ, trong đó đề xuất nhà nước góp 10 - 15% tổng vốn, số còn lại kêu gọi xã hội hóa.

Với lộ trình trên, tuyến đê biển ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai, vùng Đồng Tháp Mười thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Long An và một phần tỉnh Tiền Giang.

Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo hai kết quả nghiên cứu về dự án này từ năm 2009 – 2010 và một số kết quả từ 6 đề tài do Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư hơn 30 tỷ đồng, được thực hiện bởi 6 cơ quan trong 4 Bộ.

Theo Giáo sư Đào Xuân Học, dự án này là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, chống xâm nhập mặn, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động cho hơn 1 triệu ha. Ngoài ra còn tạo quỹ đất hơn 43.000 ha, tạo động lực phát triển cho vùng.

"Tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công nếu được xây dựng, công trình có thể chống ngập do triều cường, do lũ, tạo mức nước thấp để tiêu thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực TP. HCM chống ngập lũ cùng với triều cường cho TP Tân An, Long An. Kế hoạch đầu tư nhóm nghiên cứu đề nghị chia làm ba giai đoạn với tổng vốn đầu tư 74.000 tỷ đồng", Giáo sư Đào Xuân Học cho biết thêm.

Lo ngại “siêu đê” phá hủy môi trường sinh thái

Tuy nhiên, cũng như hồi mới được đề xuất, tại hội thảo lần này dự án cũng vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên môn vì cho rằng tác động tiêu cực, phá hủy môi trường quá lớn, đặc biệt đối với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Tại hội thảo,TS Lê Xuân Tuấn, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, cho rằng công trình đê biển sẽ làm mất diện tích đất ngập nước và rừng ngập mặn tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ do chiếm dụng đất để xây các tuyến đê bao sông và cống điều tiết. Phần rừng ngập mặn ở các khu vực thuộc vùng giữa sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu có thể bị chết hàng loạt vì chịu tác động mạnh nhất. Khi xây dựng đê biển, cống, cầu và các công trình phụ trợ sẽ tác động rất lớn đến vùng biển do chất thải từ quá trình xây dựng. Quá trình này sẽ phá hủy nền đáy, phá hủy môi trường sống của hệ sinh thái ven bờ trong khu vực xây dựng và cả vùng lân cận. Có rất nhiều khu vực phải chịu tác động tiêu cực ở mức lớn và rất lớn.

Vì vậy, ông Tuấn đề xuất không nên xây dựng tuyến đê biển liên tục từ Gò Công - Vũng Tàu do tác động rất mạnh đến các hệ sinh thái ngập mặn và biển ven bờ, thậm chí dẫn đến mất những diện tích rừng ngập mặn rất lớn, kể cả vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Nên chọn chiều rộng cống trong khoảng từ 3.000 - 4.000 m để vận tốc dòng chảy qua cống được ổn định trong khoảng từ 1,7 - 2 m/giây, tốt hơn cho cây ngập mặn.

Rừng ngập mặn Gò Công ngày càng suy giảm. Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ vận hành sao cho không gây ngập cục bộ trong thời gian quá 24 tiếng; không để độ mặn giảm đột ngột gây “sốc” cho các loài thủy sinh vật và giảm trong thời gian dài để đảm bảo môi trường sống cho các loài cây theo vùng.

Ông Tuấn nhấn mạnh, cần tiếp tục có nghiên cứu, đánh giá một cách chi tiết về tác động của việc xây dựng tuyến đê đối với hệ sinh thái toàn vùng, bên cạnh phát triển kinh tế cần đảm bảo sự ổn định của các yếu tố môi trường trong khu vực cửa sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Ông Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng những biến đổi về mặt sinh thái mà dự án này gây ra: “Hệ sinh thái khu vực Cần Giờ có lẽ bị thay đổi rất nhiều, vì chúng ta định biến khu vực ấy thành khu nước ngọt, hệ thống rừng ngập mặn vốn là lá phổi của thành phố có thể không còn nữa”.

Không chỉ các chuyên gia ngoài cuộc, mà ngay chính nhóm nghiên cứu cũng thẳng thắn thừa nhận những tác động tiêu cực từ dự án “siêu đê” này.

Mới đây, trong cuộc trao đổi với báo Nông nghiệp, GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu công trình đê biển Vũng Tàu – Gò Công từ năm 2010 – 2012 cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh hiệu quả, công trình cũng có thể tạo ra những tác động bất lợi.

Ông cho rằng, dự án có thể gây khó khăn và tăng giá thành giao thông vận tải thủy; tác động bất lợi đến phát triển vận tải hàng hải của các cảng trong khu vực TP. HCM; tác động nhất định đến môi trường và hệ sinh thái, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; làm thay đổi chế độ thủy thạch động lực ở vùng biển Vũng Tàu – Gò Công và lân cận và trên các thủy đạo của hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn và Vàm Cỏ, có thể dẫn đến sự thay đổi mạnh về hình thái lòng dẫn cũng như đới bờ của vùng biển bị tác động...

“Các kết quả nghiên cứu trước đây vẫn còn giới hạn trong vấn đề kỹ thuật của riêng rẽ từng lĩnh vực nên cần có thêm một cái nhìn toàn diện và rộng hơn về tác động của dự án đến phát triển của vùng và cả nước...” – ông Hòa đánh giá. 

Thực tế, trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng tuyến đê biển. Tuy nhiên những rủi ro, thiệt hại từ các siêu đê này không chỉ khó lường mà còn rất nghiêm trọng.

Hà Lan nổi tiếng với những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, tháng 1/1953, vùng Tây Nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão từ biển Bắc.

Bão và nước biển vượt qua hệ thống đê đã cũ ở phía Tây Nam nước này khiến hơn 200.000 vật nuôi bị cuốn trôi, 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất nông nghiệp bị phá hủy.

Hay như cách đây 12 năm, dù suy yếu khi đổ bộ bang Louisiana (Mỹ), Katrina vẫn phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô thành phố, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, trở thành cơn bão nguy hiểm thứ ba trong lịch sử nước Mỹ và là cơn bão nguy hiểm nhất trong hơn 80 năm.

Dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công dài 32km với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 70.000 tỷ đồng nhằm chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP HCM trước mắt và lâu dài. Đồng thời tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười...

Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3 tạo trục giao thông kết nối thành phố Vũng Tàu với miền Tây. 

P.V (tổng hợp theo Thanh Niên, VOV)

Bạn đang đọc bài viết Dự án “siêu đê” biển Vũng Tàu - Gò Công lại gây tranh cãi kịch liệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...