Thứ năm, 28/03/2024 15:22 (GMT+7)

Du lịch quá tải, Hạ Long đau đầu vì ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 14/05/2019 18:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cũng như những điểm du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam, những năm gần đây môi trường tại Hạ Long ngày càng ô nhiễm trầm trọng từ hoạt động du lịch và kinh tế.

Vịnh Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam. Với hàng nghìn hòn đảo kỳ vĩ, thành quả kì diệu của tạo hóa, vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Du lịch Hạ Long có lợi thế phong cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, cũng như những điểm du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam, những năm gần đây môi trường tại Hạ Long ngày càng ô nhiễm trầm trọng từ hoạt động du lịch và kinh tế.

Đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề bởi nguồn rác thải do con người xả ra tại vịnh Hạ Long, nhiều tổ chức môi trường trong khu vực và trên thế giới đã tổ chức hàng loạt chương trình hỗ trợ, thu gom rác thải trên vịnh. Rác thải do các tổ chức này thu gom được đa số đều là phao xốp và các loại vật liệu nhựa không thể tái chế.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), họ đã nhiều lần mở các chiến dịch thu gom rác trên vịnh Hạ Long. Năm 2017, chiến dịch được thực hiện tại khu vực bãi Áng Dù, trong phạm vi 1,7km, nhưng chỉ trong vòng 3,5 giờ, 112 tình nguyện viên vợt được gần 2,5 tấn rác.

Tháng 6/2018, chương trình "Hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới Du lịch không rác" gom được 741 kg rác thải trên hai bãi biển Cọc Chèo và Áng Dù trong một giờ. Trong đó, tới 70% là phao xốp dạt vào bờ, còn lại là dây thừng, lưới đánh bắt cá, vỏ nhựa, túi nilon...

Hè năm ngoái, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tổ chức đoàn tư vấn do các chuyên gia quốc tế thực hiện, nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long.

Hoạt động tàu thuyền du lịch đe dọa môi trường Hạ Long. Ảnh: Internet.

IUCN nhận định Hạ Long cũng như nhiều điểm du lịch khác tại Việt Nam, số lượng khách tăng trưởng nhanh và ô nhiễm đã làm tổn hại danh tiếng của kỳ quan thiên nhiên này, đặc biệt trong mắt du khách quốc tế.

Báo cáo Cạnh tranh Du lịch và Lữ hành toàn cầu năm 2017 cho thấy, trong khi các điểm tham quan tự nhiên và văn hóa của Việt Nam xếp thứ 30 và 34 trên bảng xếp hạng, chỉ số bền vững môi trường lại xếp thứ 129 trên 136 quốc gia. Việt Nam đạt điểm số rất thấp về xử lý nước thải, bảo tồn rừng và ven biển với mức 0,1 - 0,2 trên 7.

Di sản đứng trước nguy cơ bị đe dọa

Không chỉ rác thải, nước thải từ các tàu du lịch cũng là bài toán làm đau đầu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê, do thiếu hệ thống xử lý nước thải, mỗi ngày có khoảng 500m3 nước thải từ các tàu du lịch xả thẳng ra Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, Di sản Thiên nhiên thế giới mỗi ngày phải hứng chịu 15.500 m3 nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, 80% lượng nước thải này chưa qua xử lý.

Tại Hội thảo – Triển lãm “Giải pháp công nghệ và quản lý đối với nước thải từ thuyền du lịch và các hoạt động du lịch tại Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức tại TP. Hạ Long ngày 4/5 vừa qua, IUCN cho biết, tính đến năm 2018 có khoảng 500 tàu du lịch đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long, trong đó có 160 tàu cho khách du lịch lưu trú qua đêm. Con số này tại quần đảo Cát Bà là 121 tàu, trong đó có 59 tàu được cấp phép cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm trên vịnh.

IUCN khuyến nghị, những giá trị về địa chất của di sản Vịnh Hạ Long hiện chưa bị đe dọa, nhưng với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng cùng công tác quản lý du lịch và chất thải chưa hiệu quả đã và đang tác động rất lớn đến những Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đây cũng là vấn đề đối với quần đảo Cát Bà do hai khu vực cùng chia sẻ một hệ sinh thái biển.

Tháng 2/1019, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tất cả các cảng, bến phải cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý nước thải từ các tàu thuyền du lịch. Nếu các chủ cảng, bến không thể cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, họ sẽ phải ký hợp đồng với các tổ chức cá nhân có năng lực để cung cấp.

Theo ông Ngô Mạnh Đạt – Phòng quản lý nước, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, Sở đã báo cáo Bộ TN&MT để xây dựng quy chuẩn địa phương, tiến tới xử lý nguồn thải tối thiểu là quy chuẩn thô, lộ trình đến năm 2020 sẽ áp dụng quy chuẩn này.

“Bản chất của việc xử lý nước thải xám và nước thải đen chỉ là xử lý những thông số cơ bản, nhưng vấn đề là làm sao phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo về môi trường đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế. Hơn nữa, phải đưa ra giá thành phù hợp, chứ đầu tư chỉ 5 tỷ đồng mua tàu mà phải chi thêm 1 tỷ đồng cho thiết bị xử lý nước thì không đảm bảo hài hòa”, ông Ngô Mạnh Đạt nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Du lịch quá tải, Hạ Long đau đầu vì ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.