Thứ bảy, 20/04/2024 07:56 (GMT+7)

Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới

MTĐT -  Thứ năm, 16/06/2022 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 16/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.

Tỉnh Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh tham dự.

Diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới hiểu, tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc đặc trưng riêng. Đặc biệt, sau năm 1989, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới xét về quy mô và phạm vi thương mại, với mức tăng trưởng nông nghiệp bình quân khoảng 3,5%/năm, mức cao ở khu vực châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng.

tm-img-alt
Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”. (Ảnh: Internet)

Trong đó vải thiều là loại quả nhiệt đới được người dân Việt Nam và khách quốc tế ưa thích. Sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới với đa dạng phương thức bán hàng, từ kênh bán hàng truyền thống, kênh bán hàng hiện đại đến các kênh thương mại điện tử, đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công chung của bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2021.

"Kết quả đó là nhờ sự đổi mới, quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tái cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng chương trình nông thôn mới, nâng cấp đầu tư cho hệ thống thủy lợi, đê điều..." - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Năm nay, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn.

Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch lại ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị phần sẵn có, tìm kiếm thị trường mới và đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi.

Đặc biệt, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu. Hiện, vải thiều Việt Nam - nổi tiếng với hai vùng trồng vải: Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, sự kiện “Vải thiều Việt Nam vươn tầm thế giới” có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Bắc Giang cũng như tỉnh Hải Dương. Đây là một hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương rất thiết thực, góp phần quảng bá sâu rộng vải thiều Việt Nam tới các tổ chức quốc tế và hướng đến chinh phục thị trường thế giới.

tm-img-alt
Đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh:Internet)

Đồng chí thông tin, Bắc Giang được biết đến là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, diện tích hơn 28 nghìn ha. Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Có thể thấy, vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội để vươn tầm thế giới. Để làm được việc đó, tỉnh Bắc Giang luôn cùng người dân trồng vải đồng lòng, thống nhất trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt. Với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước và có thể khẳng định: Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay.

Những ngày này, tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang hoạt động thu mua vải thiều bắt đầu sôi động. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát, liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá thành cao. Đến hôm nay, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn; trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40% (xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia...).

Tại diễn đàn hôm nay, tỉnh Bắc Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều. Đồng chí đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành với tỉnh Bắc Giang trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về chất lượng, thương hiệu vải thiều Việt Nam nói chung và vải thiều Bắc Giang nói riêng đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần giúp “vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nước ngoài” và “vươn tầm thế giới”; kết nối, mời gọi các đơn vị tìm hiểu, thu mua vải thiều Bắc Giang.

Để chinh phục thị trường nước ngoài, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng mở rộng diện tích sản xuất vải thiều chất lượng cao; lấy chất lượng quả vải làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững. Do đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo có chất lượng vượt trội, sạch và an toàn thực phẩm.

Hiện, vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia; đồng thời, là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tại thị trường Nhật Bản. "Vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội, để vươn tầm thế giới" - ông Phan Thế Tuấn khẳng định.

Hoài Thu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...