Thứ tư, 24/04/2024 05:43 (GMT+7)

“Đứng dậy” sau sự cố ô nhiễm môi trường biển và bão số 10

MTĐT -  Thứ bảy, 17/02/2018 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội sau sự cố ô nhiễm môi trường năm 2016 và cơn bão số 10 năm 2017.

Là tỉnh bị thiệt hại nặng do sự cố ô nhiễm môi trường biển (tháng 4/2016) và bão số 10, có tên quốc tế là Doksuri (tháng 9/2017), song với tinh thần vượt khó đi lên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy, sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của trên 58.197 đối tượng tại 67 xã/phường/thị trấn; trên 6.000 tàu cá khai thác thuỷ sản và trên 2.700ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ…

Đến nay, tỉnh đã chi trả bồi thường thiệt hại được hơn 1.552 tỷ đồng/1.601,7 tỷ đồng được phê duyệt cho trên 58.197 đối tượng (đạt hơn 96%). Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc chi trả, giải ngân hết số tiền đã phê duyệt.

Bão số 10 đã làm 2 người chết và 72 người bị thương, 94.811 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 2.582 nhà thiệt hại trên 70%; hàng nghìn công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế; hàng nghìn ha nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… bị thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 6.610 tỷ đồng.

Các đơn vị quân đội giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, trường lớp sau bão số 10. Ảnh: TQ

Con số thiệt hại trên cho thấy, trong 2 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, bằng việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, người dân bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển cũng như bị ảnh hưởng do cơn bão số 10 đã từng bước ổn định được cuộc sống.

Trong nhịp sống hối hả của những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi ngược đường trở lại thăm người dân vùng ven biển các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... Đây là lần đầu tiên chúng tôi trở lại thăm bà con kể từ chuyến tác nghiệp khi bão số 10 đổ bộ vào.

Tại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi thấy nhịp sống của ngư dân khá hối hả. Tàu thuyền nối đuôi nhau ra, vào tấp nập với những khoang đầy cá tươi, những nụ cười luôn hé nở trên môi của các ngư dân, mặc dù công việc rất tất bật.

Gia đình bà Đặng Thị Hợi (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là một trong hàng nghìn hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố môi trường biển và bão số 10. Cả gia đình bao đời đi theo nghề biển, cha ông gắn liền cuộc sống với biển, đến lúc lấy chồng thì chồng cũng ra khơi, bà nhờ buôn bán hải sản từ biển mà nuôi con cái ăn học, duy trì cuộc sống gia đình.

“Sự cố môi trường biển xảy ra, khi đó cả xã không có việc làm, đàn ông đàn bà rồi con cái ở nhà “bó gối” nhìn ra biển, cả làng chài buồn man mác. Sau sự cố môi trường thì cơn bão số 10 ập đến, cả vùng tan hoang đổ nát, chúng tôi tưởng như không thể đứng dậy trước những khó khăn chồng chất. Thế nhưng, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ cho bà con kịp thời nên chúng tôi đã từng bước ổn định được cuộc sống. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng để có một cái Tết vui vẻ, hạnh phúc như thế này là cả sự cố gắng của người dân và sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền”, bà Hợi chia sẻ.

Tấp nập cảng cá Cửa Sót ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: TQ

Cùng cảnh như gia đình bà Hợi, bao khó khăn còn đó, song các hộ dân thuộc xã Thạch Kim cũng đã chuẩn bị cho mình một cái Tết tuy đơn sơ nhưng rất đầm ấm. Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết, xã có trên 2.000 hộ dân, trong đó có gần 300 hộ nghèo. Các hộ dân trong xã đều bị ảnh hưởng lớn do sự cố ô nhiễm môi trường cũng như bão số 10. Đến thời điểm này, tất cả các hộ dân đã cơ bản khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 10, hiện cuộc sống của người dân đã cơ bản ổn định. Xã đang tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm cũng như vận dụng các chính sách của Nhà nước để giúp đỡ các hộ nghèo, để các hộ không bị thiếu, đói trong dịp Tết cổ truyền. “Dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, song nhìn chung gia đình nào cũng chuẩn bị cho mình một cái Tết cổ truyền ấm cúng, khá đầy đủ”, ông Tân nói.

Tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, sau cơn bão số 10 đã có 5 căn nhà bị bão “xóa sổ” hoàn toàn. Cứ nghĩ rằng sẽ còn lâu lắm Cẩm Nhượng mới ổn định được cuộc sống thì nay chúng tôi trở lại, mọi việc đã được “sắp xếp” gọn gàng.

Bà Hoàng Thị Huệ (thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: "Ngay sau khi bão tan, chúng tôi nhận được sự thăm hỏi, ủng hộ từ Trung ương, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm nên sớm ổn định được cuộc sống. Cũng may trong gian khó lại có sự giúp đỡ của mọi người chứ dân nghèo chúng tôi không biết phải làm sao".

Theo ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương bị thiệt hại lớn do sự cố ô nhiễm môi trường biển cũng như bão số 10. Sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng đến gần 4,5 vạn dân trên địa bàn huyện; Bão số 10 làm hư hỏng trên 23.000 ngôi nhà, trong đó có nhiều ngôi nhà bị bão “xóa sổ” hoàn toàn, hàng trăm công trình: Trường học, trạm y tế, công trình giao thông… bị thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại do bão số 10 gây ra ước tính trên 510,7 tỷ đồng.

“Đến nay, công tác bồi thường cho sự cố ô nhiễm môi trường biển và khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 đã cơ bản hoàn thành. Cuộc sống của người dân đang từng bước ổn định. Đối với 5 ngôi nhà bị bão số 10 “xóa sổ” hoàn toàn đã được UBND huyện bố trí đất ở tại khu tái định cư và đang tiến hành làm nhà mới, dự kiến sang đầu năm 2018 này sẽ hoàn thành”, ông Nhật nói.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, theo ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, là cả quá trình nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ông Khánh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo hết sức kịp thời và sâu sát; đã thành lập Ban Chỉ đạo (do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban) và 6 Tổ công tác để chỉ đạo khắc phục sự cố.

Ngoài việc chi trả đền bù thiệt hại, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ trên 6.400 tấn gạo cho trên 72.500 nhân khẩu; hỗ trợ 23.066,5 triệu đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền thuộc Chính sách của Trung ương.

Người dân dựng cây nêu đón Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: TQ

Về phía tỉnh hỗ trợ 100% phí mua 2.847 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ 561,28 triệu đồng (50%) chi phí tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 - 9/2016; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân từ ngày 1/6/2016 - 30/9/2016; hỗ trợ đóng mới 36 tàu cá trên 90CV, cải hoán 6 tàu cá lên trên 90CV…

Đối với việc khắc phục do bão số 10 gây ra, đến nay, những gia đình bị thiệt hại dưới 70% đã được khắc phục xong 100%; những gia đình có nhà chính bị sập đổ hoàn và bị thiệt hại trên 70% đã cơ bản khắc phục xong, số còn lại đang tiếp tục khắc phục.

Cơ sở hạ tầng giao thông, đê điều, trường học, cơ sở khám chữa bệnh; sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… đã cơ bản được khôi phục.

“Mặc dù đời sống của người dân trong tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định, song với trách nhiệm của chính quyền và tình cảm sẻ chia của người dân chúng tôi sẽ không để cho hộ dân nào thiếu, đói trong dịp Tết Nguyên đán này”, ông Khánh khẳng định.

Theo báo Thanh tra

Bạn đang đọc bài viết “Đứng dậy” sau sự cố ô nhiễm môi trường biển và bão số 10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới