Thứ sáu, 19/04/2024 02:20 (GMT+7)

Dùng nước sông Hồng “cứu” sông Tô Lịch và Hồ Tây: NÓI DỄ - LÀM KHÓ

Thảo Ngân -  Thứ ba, 25/12/2018 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PGS.TS Bùi Thị An đặt câu hỏi: “Làm sao anh ngăn được tất cả nước thải ở hai bên bờ sông, ngăn nước xả ra bằng cách nào hay anh có thu nước thải không?”

Mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững” với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội và đông đảo các nhà khoa học.

Tại buổi tọa đàm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thực trạng Hồ Tây đáng báo động bởi tình trạng cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Hiện nay, chỉ có mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là vào mùa khô, lượng nước mưa ít, trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Giải cứu sông Tô Lịch, nói dễ-làm khó.

Không chỉ mất nước, một mối đe dọa rất lớn đối với Hồ Tây, đó chính là hiện tượng ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra rất nghiêm trọng. Hồ Tây có thể biến thành hồ chết, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và mực nước hồ tiếp tục giảm.

Còn với sông Tô Lịch thì từ rất nhiều năm nay, sông Tô Lịch được coi là “cống lộ thiên” của Hà Nội. Nước sông ô nhiễm nghiêm trọng và dòng chảy hầu như biến mất.

Vì thế khi công ty Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra phương án lấy nước sông Hồng để bổ cập nước cho Hồ Tây và thau rửa sông Tô Lịch, trước ý kiến này, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình với tính khả quan của đề xuất.

Nói dễ - làm khó

Bàn về thách thức của doanh nghiệp nếu như thực hiện được đề án trên, PGS. TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đưa ra một loạt câu hỏi lớn: “Đề xuất lấy nước sông Hồng để thau rửa sông Tô Lịch và Hồ Tây là rất tốt nhưng vấn đề ở đây là kinh phí đầu tư rất lớn, các anh (chủ đầu tư – PV) sẽ phải làm thế nào? Về nguyên tắc, nếu làm được thì rất tốt nhưng làm sao anh ngăn được tất cả nước thải ở hai bên bờ sông, ngăn nước xả ra bằng cách nào hay anh có thu nước thải không? Như vậy phải có phương án đầy đủ và chính xác.

Thau rửa mỗi năm bao nhiêu lần, lượng nước bao nhiêu, phương pháp thau rửa và nguồn lấy nước như thế nào là các yếu tố phải làm rõ, cụ thể. Một vấn đề nữa, sông Tô Lịch hiện nay là nơi thoát nước thải, vậy sau khi thau rửa, đơn vị có gom nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề sang hệ thống xử lý khác không hay lại vẫn để xả thải thẳng trực tiếp xuống sông. Đó là một chuỗi các vấn đề phải giải quyết”.

PGS.TS Bùi Thị An. Đồ họa: Phan Ngân.

PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ thêm: “Tóm lại đây là đề xuất nói trên là tốt và khả quan nhưng phải giải quyết được các vấn đề bên lề, bởi nếu không xử lý được nước thải thì việc thau rửa chỉ làm loãng nước sông chứ không làm sạch được. Còn về việc đưa nước bổ cập cho Hồ Tây thì theo tôi sự thay đổi hệ sinh thái trong hồ không lớn lắm vì đây không phải là nước mặn đưa vào nước ngọt mà chỉ từ sông lớn đưa về hồ nhỏ, thì việc này hoàn toàn kiểm soát được và đề xuất là khá phù hợp”.

Đề xuất không mới

Trước đề xuất đó, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, một chuyên gia đầu ngành và cũng là chuyên gia có mặt tại buổi hội thảo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay: “Cách đây gần 40 năm, từ năm 1980 các chuyên gia của Liên Xô cũ đã tính đến việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho Hồ Tây và lấy nước ở Hồ Tây thau rửa cho sông Tô Lịch. Hoặc cuối những năm 1990, đầu năm 2000, các chuyên gia Áo thông qua một dự án cải tạo nước Hồ Tây thì các chuyên gia đã đề xuất một số ý tưởng cấp nước cho Hồ Tây từ nguồn nước sông Hồng. Hay một số ý tưởng từ các chuyên gia bộ môn Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng, vì thế đây không phải là ý tưởng mới.

Tuy nhiên, thời điểm cách đây 30 - 40 năm thì nước sông Hồng thời điểm đó khác với bây giờ, chất lượng nước sông Hồng xấu hơn bây giờ vì hiện nay chúng ta có một số hệ thống thủy điện phía thượng lưu nên hàm lượng phù sa ở sông Hồng bây giờ thấp hơn rất nhiều. Đó là một vài yếu tố nói lên sự phù hợp của ý tưởng lấy nước sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây sau đó thau rửa sông Tô Lịch”.

PGS.TS Trần Đức Hạ. Đồ họa: Phan Ngân.

Mặc dù đây là đề xuất khả quan nhưng câu chuyện từ đề xuất thành dự án và đưa vào thực hiện thì vẫn là cả một quá trình, bởi lẽ còn rất nhiều khó khan, thử thách đưa ra cho chủ đầu tư sau này nếu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, bơm, lắng nước sông Hồng vào Hồ Tây và sông Tô Lịch.

Đầu tháng 12 vừa qua, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc có trụ sở Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch. Theo công văn đề xuất cải tạo Sông Tô Lịch của Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc, nội dung cải tạo gồm: Cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho Thành Phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất hình thức đầu tư cho dự án là đối tác công tư (PPP). Trong đó, UBND TP Hà Nội sẽ thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư; Nhà đầu tư sẽ đầu tư để kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch; Ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp…

Bạn đang đọc bài viết Dùng nước sông Hồng “cứu” sông Tô Lịch và Hồ Tây: NÓI DỄ - LÀM KHÓ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.