Thứ ba, 23/04/2024 17:10 (GMT+7)

“Đường làng” giữa Sài Gòn

Cao Nguyên -  Thứ sáu, 21/08/2020 15:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tồn tại gần 30 năm, con đường đất đỏ vẫn nằm yên đó không biến đổi thay hình, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, chuyên chở hàng hóa của người dân.

Nằm trên địa bàn quận 12- TP.HCM, con đường đất đỏ không tên lầy lội, đầy ổ voi, ổ gà,.. đã trải qua gần 3 thập kỷ.

Những “ ổ voi, ổ gà”, sình lầy khi trời mưa xuất hiện trên tuyến đường đất đỏ thuộc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12

“Đường làng” bắt đầu từ quốc lộ 1A, đi qua đường Đông Bắc, thông ra Bệnh viện quận 12, thuộc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Trước đây, con đường vẫn tương đối bằng phẳng, theo thời gian dần biến dạng, xuống cấp khi những ổ gà, ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều. Thêm nữa, đoạn giữa tuyến đường xuất hiện nhiều công ty vận tải, xe ra vào thường xuyên, làm cho con đường thêm xuống cấp nhiều hơn. Mùa mưa đường trơn trợt vì sình lầy, các em học sinh té ngã, lấm áo quần phải quay về và không đến kịp giờ đến lớp, bỏ học. Mùa nắng thì bụi bặm ngất trời khi gió lớn và phương tiện giao thông có động cơ đi qua.

Thập niên 90 về trước, nơi đây là vùng quân sự do Trung Đoàn Gia Định đóng giữ và quản lí sử dụng. Sau đó, một phần diện tích được chuyển đổi để làm Khu Hội chợ Triển lãm Quang Trung được hoạt động theo mô hình hội chợ triển lãm chuyên nghiệp nước ngoài, về sau được đổi thành Công viên phần mềm Quang Trung. Năm 2001, Công viên phần mềm Quang Trung được thành lập dọc theo con đường và mặt sau là khu dân cư.

Nắng bụi, mưa bùn trên con đường dài 800m và rộng 20 m theo bản vẽ và thuộc dự án của thành phố, không biết đến bao giờ mới được phê duyệt và thi công. Trước đây, con đường này được quận quản lý, có tổ chức di tu hàng năm nên con đường tạm ổn đôi chút. Mỗi lần họp khu phố, bà con, cử tri vẫn có nhiều kiến nghị, phản ánh tình trạng xuống cấp của con đường để được chính quyền xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.

Nhiều người dân sống tại Khu phố 1, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, có người sống nơi đây trước năm 1975, bà con nơi đây nhiều lần kiến nghị, xin hiến đất cùng chính quyền làm đường, làm cho con đường sạch sẽ đẹp hơn, thuận lợi cho giao thông qua lại của người dân. Nhưng chính quyền quận 12 cho biết, con đường này do thành phố quản lý nên quận không có thẩm quyền giải quyết.

Hàng năm, nhiều người dân có xe tải, vận tải lưu thông qua lại trên tuyến đường này; vẫn tham gia đổ thêm đất đá vào những điểm xấu nhất của con đường, nhưng vẫn không cải thiện được, vì lưu lượng phương tiện giao thông nhiều và mưa nhiều nên càng hư hại, xuống cấp trầm trọng hơn. Có nhiều trận mưa lớn, xe qua lại và nhiều hố sâu nguy hiểm là cái bẫy vô hình cho người dân tham gia  giao thông qua lại tuyến đường này.

Giao thông là huyết mạch, giao thông không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế. Câu chuyện “ điện- đường - trường - trạm” là một câu chuyện dài và có thật; luôn gắn kết với đời sống xã hội từ bao nhiêu thập kỷ qua. Môi trường đô thị, cảnh quan đô thị, xanh sạch đẹp, trong lành và vệ sinh là tiêu chí, là tầm vươn tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại; không chỉ của nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trên cả nước mà trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Từ thực trạng đó, người dân xin kiến nghị chính quyền thành phố nên sớm có biện pháp, giải pháp tốt cho việc cải thiện, nâng cấp sửa chữa tuyến đường này, giúp cho người dân Khu phố 1 cũng như người dân sinh sống trên dọc tuyến đường được đi lại thông thoáng, đảm bảo việc giao thương, vận tải, kết nối thương mại, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế chung của toàn Thành phố.                                                                                       

Bạn đang đọc bài viết “Đường làng” giữa Sài Gòn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới