Thứ năm, 28/03/2024 16:45 (GMT+7)

F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội nhận thuốc có cần trả phí không?

Bảo My -  Thứ sáu, 24/12/2021 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội cần làm gì để nhận được thuốc điều trị và thuốc này có phải trả phí hay không?

1. Những việc cần làm ngay khi trở thành F0

Theo các chuyên gia, khi một người trong nhà đã có xét nghiệm xác nhận dương tính, việc đầu tiên cần làm là làm test COVID-19 cho tất cả mọi người trong gia đình.

Tiếp theo là chuẩn bị một phòng cách ly cho F0. Chỉ một người chăm sóc cho F0, tất cả những người khác trong gia đình nên được cách ly riêng rẽ với nhau, ngay cả các bữa ăn cũng nên tránh ăn cùng nhau. 

Các F1 chăm sóc người bệnh luôn cần ý thức tránh để mình bị lây bệnh, vì trong tình huống hiện nay họ chính là chỗ dựa cho những người khác (như con cái, cha mẹ già…).

Theo ThS. BS Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam: Dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Hà Nội có diễn biến phức tạp nên bất cứ ai đều có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nếu không biết tự bảo vệ chính mình. Vì lẽ đó không nên hoảng hốt mà hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội. Cụ thể, với các bệnh nhân điều trị tại nhà không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Không sử dụng chung vật dụng với người khác. Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Trường hợp cần có người hỗ trợ, chăm sóc, người đó phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc. Bên cạnh đó, ngoài việc uống thuốc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động nâng cao sức khoẻ... để giúp cơ thể nhanh chiến thắng COVID-19.

2. Các phương pháp xử trí khi trở thành F0

Nếu có những triệu chứng đơn giản, hãy xử trí như sau:

-Sốt:

Đối với người lớn: Nếu sốt > 38.5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Đối với trẻ em: Nếu sốt > 38.5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.

- Ho: Dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ. Có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ.

Khi nào cần thông báo với nhân viên y tế ?

Nếu có một trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường:

Thở rên
Rút lõm lồng ngực
Phập phồng cánh mũi
Khò khè
Thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng:

Người lớn có nhịp thở ≥ 21 lần/phút;
Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút;
Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.

- Các chỉ số sinh tồn khác bất thường:

Chỉ số bão hòa oxy máu giảm: SpO2 < 96%;
Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút;
Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn .

- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

3. F0 điều trị tại nhà cần làm gì để được nhận thuốc?

Hiện nay có 3 gói thuốc được cấp cho bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà ở Hà Nội:

- Gói thuốc A: Gồm có thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin. Các túi thuốc này, kèm theo hướng dẫn sử dụng được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do trạm y tế cấp phát.

- Gói thuốc B: Gồm có thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng).

- Gói thuốc C: Gồm các thuốc kháng virus: Molnupiravir, Favipiravir, đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát. Do đó để được sử dụng, người nhiễm Covid-19 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.

Sở Y tế đã ban hành quyết định 4245/QĐ-SYT về quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ tại Hà Nội.

Bệnh nhân được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Bước 1: Bệnh viện đa khoa Đống Đa là đầu mối phân phối thuốc Molnupiravir cho tất cả các bệnh viện, TTYT tuyến huyện.

Bước 2:

Với trạm y tế cấp xã (cả trạm y tế lưu động): Trạm y tế lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi TTYT tuyến huyện.

Với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại "Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ" do Bệnh viện Phổi Trung ương ban hành.

Bước 3:

Trạm y tế liên hệ với TTYT lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Hàng ngày liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày, báo cáo TTYT hàng ngày để nhập liệu theo quy định của chương trình.

Bước 4:

Các đơn vị (cơ sở điều trị, TTYT cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định.

Về việc thu hồi thuốc, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo "Phiếu xác nhận trả thuốc" ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu. Trạm y tế tập hợp các "Phiếu xác nhận trả thuốc" gửi TTYT để lưu hồ sơ. Các viên thuốc đã phát nhưng chưa sử dụng sẽ được trả lại cho TTYT tập hợp để gửi về Bệnh viện đa khoa Đống Đa thực hiện thủ tục hủy thuốc theo quy định. Vỏ thuốc sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân gom lại trả cho cán bộ y tế để kiểm soát việc dùng thuốc và hủy theo rác thải y tế.

Như vậy, việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc Covid-19 và được theo dõi quản lý tại nhà là do trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc có thể do tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà (do chính quyền địa phương thành lập) cấp phát, hiện nay các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định như trên và người bệnh có thể liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Bạn đang đọc bài viết F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội nhận thuốc có cần trả phí không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới