Thứ sáu, 19/04/2024 23:21 (GMT+7)

“GDP cứ tăng 1% thì ô nhiễm môi trường sẽ làm thiệt hại 3% GDP”

MTĐT -  Thứ hai, 01/04/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Trong 10 năm nữa, nếu không quan tâm tới phát triển môi trường, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất 3% GDP".

GS.TS Nguyễn Việt Anh,Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trườngchia sẻ,Báo cáo của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2012nêu rõ, trong 10 năm nữa, nếu không quan tâm tới phát triển môi trường, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất 3% GDP.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường

Thiệt hại môi trường không mua nổi bằng tiền

Thưa Giáo sư, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách, quy định về việc đảm bảo môi trường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều bài học thực tế ở Việt Nam và trên thế giới chỉ ra, những thiệt hại, mất mát về suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên để đổi lấy tăng trưởng kinh tế trước mắt là rất đắt. Nhiều khi là không thể phục hồi, không thể mua lại được bằng tiền.

Các chuyên gia kinh tế môi trường đã đưa ra thông tin: Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Theo Báo cáo của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2012, trong 10 năm nữa, nếu không quan tâm tới phát triển môi trường, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất 3% GDP.

Chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt nếu không có những biện pháp quyết liệt, nhất quán, cái nhìn dài hạn để khai thác hợp lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm hiệu quả, để giữ gìn tài nguyên, bảo vệ môi trường cho cả chúng ta và các thế hệ con cháu mai sau.

Ảnh minh họa.

“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”

Hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… cũng đã đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng tình trạng nước thải không qua xử lý xả thải ra môi trường vẫn còn nhiều. Liệu có cần tăng chế tài xử phạt và chúng ta phải có giải pháp ra sao để giải quyết bài toán này?

Xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết, nhưng không giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Hiện chúng ta đã và đang rất cố gắng để đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nhưng tình hình ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện nhiều.

Vấn đề cần thiết phải làm bây giờ là rà soát lại quy hoạch thoát nước, các dự án thoát nước đã và đang được thực hiện ở các đô thị, xem có phù hợp, có cập nhật với thực tế phát triển quá nhanh, quá nóng ở các thành phố này hay không?

Bên cạnh đó, cần có những biện pháp quyết liệt để cải thiện việc đấu nối nước thải và nước mưa từ các hộ thoát nước vào các tuyến cống thu gom nước thải, nước mưa ngoài đường phố. Nước thải phải được các tuyến cống thu gom, dẫn về các nhà máy xử lý nước thải, chứ không xả trực tiếp ra kênh, mương, sông, hồ nội thành như hiện nay.

Các khu đô thị mới bắt buộc phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng, tách riêng nước thải và nước mưa.

Với nước thải sản xuất, dịch vụ thì vấn đề rõ ràng hơn và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” phải được tuân thủ triệt để.

Thực trạng cho thấy, cứ đến mùa mưa, cả Hà Nội,TP.HCM và một số đô thị lớn xảy ra tình trạng ngập úng. Vậy thách thức lớn nhất cho ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải là gì? Cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải tại các đô thị lớn cần được đầu tư thêm không, thưa ông?

Như tôi đã nói, vấn đề đấu nối, thu gom nước thải, nước mưa là thách thức lớn nhất. Các vấn đề quan trọng này cần được quan tâm và triển khai càng sớm càng tốt.

Với nước mưa, mạng lưới thoát nước được quy hoạch và thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên, với đặc điểm trận mưa, bắt kịp với các giai đoạn phát triển của đô thị, kèm theo việc áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững, các mô hình quản lý thoát nước hợp lý, kết nối với các hệ thống, phương tiện dự báo, cảnh báo sớm, hệ thống thoát nước được kết nối đồng bộ với các công trình giao thông, thủy lợi, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom nước mưa, xây dựng thảm xanh, bảo vệ các công trình hạ tầng… là các giải pháp hiệu quả, cần cân nhắc áp dụng.

Theo GS, Nhà nước cần phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, huy động tài chính để phát triển hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng xử lý nước thải hiện nay?

Với cấp nước, rõ ràng phải coi đây là một loại hàng hóa (loại hàng hóa đặc biệt) và nguyên tắc “giá nước phải đủ bù đắp được chi phí sản xuất, cung cấp nước” cần áp dụng, để dịch vụ cấp nước được thực thi một cách hiệu quả và bền vững.

Với thoát nước và xử lý nước thải, bên cạnh nguồn tài chính từ vốn vay (ODA), vốn ngân sách, còn có nhiều nguồn tài chính khác có thể huy động để đầu tư và để quản lý vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải như trái phiếu, mức giá dịch vụ thu gom và xử lý nước thải hợp lý, tạo nguồn thu từ thuế đối với một số mặt hàng đặc biệt, quỹ phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và tài chính tư nhân.

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên.Là người thường xuyên theo dõi và cộng tác với Tạp chí nhiều năm, Giáo sư có nhận xét,đánh giá như thế nào về Tạp chí ?

Là một độc giả thường xuyên, trong suốt 20 năm qua, của Tạp chí Môi trường và Đô thị, tôi đánh giá cao vai trò của Tạp chí. Tạp chí luôn truyền tải kịp thời những thông tin cập nhật, các văn bản pháp quy mới, vấn đề nóng, nổi cộm, bài học kinh nghiệm trong phát triển đô thị, bảo vệ môi trường…

Với các nhà khoa học, các sinh viên, và những độc giả khác quan tâm đến chuyên môn, Tạp chí như một tài liệu tham khảo tốt, nơi đăng tải các công trình khoa học mới, cập nhật các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, các công nghệ.

Trong thời gian tới, tôi mong muốn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò diễn đàn trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường đô thị, công nghiệp. Về nội dung, bên cạnh các mô hình tốt, các bài học kinh nghiệm thì những tiêu cực, các vấn đề tồn tại, bất cập, các thách thức cũng cần được tiếp tục thảo luận, trao đổi thẳng thắn, xây dựng.

Xin cảm ơn giáo sư!

Bạn đang đọc bài viết “GDP cứ tăng 1% thì ô nhiễm môi trường sẽ làm thiệt hại 3% GDP”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hoàng Dung

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...