Thứ ba, 19/03/2024 15:30 (GMT+7)

Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM còn thiếu đồng bộ

Tùng Anh -  Thứ sáu, 24/06/2022 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thiếu đồng bộ, chưa phù hợp và chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra.

Theo báo cáo tham luận của đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Citenco) tại Toạ đàm “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” được Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức ngày 3/6/2022, có thể thấy, việc triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thiếu đồng bộ, chưa phù hợp và chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Thực trạng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh do 02 nhóm đơn vị thực hiện: Hệ thống công lập do Citenco và 22 Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn Thành phố, trong đó, Công ty thu gom khoảng 1.400 tấn/ngày; Hệ thống dân lập do hơn 200 Công ty tư nhân, hợp tác xã, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng rác Thành phố. Bên cạnh đó, đối với chủ nguồn thải hộ gia đình thì lực lượng công lập chỉ thu gom khoảng 10% trên tổng số hộ gia đình của Thành phố, 90% hộ gia đình còn lại do hệ thống dân lập thu gom.

Công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do 22 Công ty TNHH MTV DVCI quận, huyện, 2 doanh nghiệp tư nhân và Citenco thực hiện. Trong đó, Công ty vận chuyển khoảng 40% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của Thành phố.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh hiện được xử lý tại các đơn vị như: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý 6.200 tấn/ngày bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; Công ty Vietstar xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost, đốt với công suất 1.800 tấn/ngày; Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost, đốt với công suất 1.400 tấn/ngày; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và xử lý rác trơ sau quá trình phân loại của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa, khối lượng 1.200 tấn/ngày.

Có thể thấy, việc có quá nhiều đơn vị thu gom rác khác nhau đã tạo nhiều bất cập, gây khó khăn khi triển khai chủ trương của Thành phố về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thực trạng triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Trước năm 2018 Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thu phí vệ sinh môi trường theo Quyết định số 88, các chủ nguồn thải sẽ phân thành nhiều nhóm và mỗi nhóm sẽ áp dụng mức thu phí khác nhau. Giai đoạn này chi phí vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do ngân sách Thành phố chi trả. Theo quy định thì các đơn vị sau khi thu phí hàng tháng phải trích nộp lại ngân sách một phần chi phí để bù chi phí ngân sách Thành phố chi trả cho hoạt động vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thực tế chỉ có các đơn vị công lập thực hiện tốt còn đơn vị dân lập hầu như không thực hiện dẫn đến thất thu và tạo ra nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc áp dụng phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi giá khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ, gây nhiều bất cập và tạo dư luận không tốt đối với các chủ nguồn thải là hộ gia đình.

Để khắc phục vấn đề trên, ngày 22/10/2018 Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ban hành kèm theo tại Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/ 10/2018 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Uỷ ban nhân dân Thành phố có giao nhiệm vụ cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào mức giá tối đa nêu trên và hướng dẫn của các Sở ngành liên quan để xây dựng mức giá chi tiết áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý.

Trên cơ sở đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành là mức giá cụ thể thu từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt để chi trả cho công tác thu gom tại nguồn và bù đắp một phần ngân sách địa phương chi trả cho hoạt động cung ứng dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố theo lộ trình do Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành tại Quyết định 20/2021/QĐ-UBND. Đến nay, có 6 quận huyện đã ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng tại địa phương (quận 12, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh).

Nhằm triển khai quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hiện nay, Uỷ ban nhân dân Thành phố đang ban hành Dự thảo quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rác sinh hoạt trên địa bàn Thành phố để thay thế Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, mức giá tối đa đối với dịch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước quy định theo 2 nhóm đối tượng như sau:

Nhóm 1: Nhóm đối tượng trả giá dịch vụ theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương.

Các đối tượng gồm: Cá nhân, hộ gia đình; Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300kg/ngày lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.

Mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định thực hiện theo lộ trình như sau:

Nội dung

Đơn vị tính

Lộ trình

2022

2023

2024

Năm 2025 trở đi

1. Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom tại nguồn

a) Thu gom thủ công

Đồng/kg

364

364

364

364

b) Thu gom cơ giới

Đồng/kg

166

166

166

166

2. Giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Đồng/kg

98,8

148,2

197,6

247

Giai đoạn này, Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện thu giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước. Giá trên đã tách thuế giá trị gia tăng đầu vào và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đầu ra.

Nhóm 2: Nhóm đối tượng trả giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.

Các đối tượng gồm: các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên.

Mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau:

Nội dung

Đơn vị tính

Năm 2025 trở đi

1. Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom tại nguồn

a) Thu gom thủ công

Đồng/kg

364

b) Thu gom cơ giới

Đồng/kg

166

2. Giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Đồng/kg

247

3. Giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước

Đồng/kg

475

Giá trên đã tách thuế giá trị gia tăng đầu vào và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đầu ra.

Để đảm bảo công tác triển khai nhanh, theo Dự thảo Thành phố tiếp tục giao cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương.

Có thể thấy, việc triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố hiện nay thiếu đồng bộ, chưa phù hợp và chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra là do các nguyên nhân sau:

Một là, do phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương dẫn đến mỗi địa phương sẽ ban hành một mức giá khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ, thống nhất và gây ra nhiều bất cập.

Hai là, việc xác định ít nhóm đối tượng phải trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ tạo nhiều khó khăn, bất cập và lúng túng khi triển khai. Đặc biệt, cách để quản lý, xác định nhóm có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương và nhóm không được bù đắp từ ngân sách.

Ba là, giá thu gom thủ công cao 219% so với gia thu gom cơ giới không khuyến khích các đơn vị chuyển đổi công nghệ.

Bốn là, do có quá nhiều đơn vị thực hiện hoạt động thu gom rác tại các chủ nguồn thải, đặc biệt chủ nguồn thải là hộ gia đình dẫn đến khó quản lý, khó triển khai, dễ phát sinh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Năm là, các địa phương được phân cấp còn lúng túng trong công tác xây dựng, triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Từ thực trạng và khó khăn nêu trên, đại diện Citenco đã đề xuất một số nội dung:

Thứ nhất: Thành phố nên ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố. Ban hành quy định chuẩn về thiết bị, phương tiện lưu chứa, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo hướng hiện đại.

Thứ hai: Chia nhỏ thành nhiều nhóm đối tượng chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ví dụ: nhóm hộ gia đình cần xác định rõ mức giá khi thu hộ mặt tiền đường, hộ trong hẻm, hộ mua bán kinh doanh nhỏ, vừa, lớn, xác định rõ nhóm đối tượng chủ nguồn thải sống ở chung cư, căn hộ, chợ truyền thống,…

Thứ ba: Cần xác định cụ thể và có giải pháp quản lý hiệu quả nhóm trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương và nhóm không được bù đắp từ ngân sách (Ví dụ: phương pháp xác định nhóm đối tượng, xác định khối lượng). Có thể chia ra nhiều nhóm đối tượng khác nhau trên cơ sở tính tương đồng từ đó xây dựng lộ trình, mức giá phù hợp tăng dần trên nguyên tắc giảm dần phần chi phí được bù đắp từ ngân sách cho đến khi chủ nguồn thải phải trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Thứ tư: Việc xác định, xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý phải căn cứ vào thực tiễn, chất lượng thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, tạo thuận lợi khi triển khai và tạo sự đồng thuận từ các chủ nguồn thải. Khi ban hành giá chú trọng, khuyến khích các đơn vị áp dụng phương tiện, công nghệ hiện đại để thu gom, vận chuyển và chuyển đổi số trong hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Thứ năm: Sau năm 2025 Thành phố nên ban hành giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý để hoạt động này tự vận hành theo thị trường. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phương tiện thu gom thô sơ, chuyển lực lượng thu gom dân lập vào hợp tác xã, công ty tư nhân, đơn vị công lập nhằm giảm số lượng các đơn vị thu gom tạo thuận lợi trong công tác quản lý, trong triển khai các chủ trương của Thành phố góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan Thành phố.

Thứ sáu: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và các chủ nguồn thải. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tình trạng sử dụng thiết bị, phương tiện lưu chứa, thu gom, vận chuyển không đạt chuẩn theo quy định gây ô nhiễm môi trường, tình trạng cố tình vứt rác, đổ rác bừa bãi ra đường, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM còn thiếu đồng bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.