Thứ năm, 28/03/2024 19:06 (GMT+7)

Gia Lai: Chuyện giáo dục ở... “thủ phủ bể nợ”

TUỲ PHONG -  Thứ sáu, 07/12/2018 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi cơn lốc tiêu chết, bể nợ diễn ra vô cùng khốc liệt, nhiều con em tại thủ phủ hồ tiêu phải bỏ học để vào các tỉnh miền Nam kiếm việc nuôi thân, phụ giúp gia đình.

Con cò bé bé... ra đường kiếm cơm

Bắt đầu từ năm 2016, kể từ khi cây tiêu chết dần chết mòn rồi chết sạch, thì cuộc sống của người dân Chư Pưh thay đổi đến chóng mặt. Đơn cử là trường hợp của bà Hồ Thị Sinh (SN 1942, trú thôn Hòa Thắng, thị trấn Nhơn Hòa), trước đây, gia đình bà là “đại gia” tầm cỡ ở địa phương này với 9 mẫu đất cắm hơn vạn trụ tiêu. Sau khi dựng vợ gả chồng cho 7 đứa con, bà chia cho mỗi người mỗi mẫu, còn lại 2 mẫu với 3.800 trụ hồ tiêu để vợ chồng bà dưỡng già.

Khi tiêu chết hàng loạt và giá xuống đáy, hai vợ chồng bà nợ ngân hàng 900 triệu đồng, còn các con, các cháu thì bể nợ cả chục tỷ, dắt díu nhau li tán tứ tung, tha phương cầu thực. Hiện tại, đôi vợ chồng U80 này phải vào làng đồng bào bán bún, bán đồ lặt vặt cho trẻ con để kiếm tiền nuôi nhau.

Ngày nào ổn thì họ kiếm được 50.000 đồng, cũng đủ để hai thân già rau cháo qua ngày, còn ngược lại thì nhín nhịn cho qua bữa. Chỉ tội cho các con, các cháu, đến giờ này bà Sinh cũng không liên lạc được với đứa nào. Bà Sinh chỉ nhớ mang máng là đứa con bỏ đi cuối cùng tên là Lê Thị Thảo. Hai đứa con của chị này đang học cấp III cũng bỏ trường bỏ lớp vào TP. HCM kiếm việc làm. "Kiếp gì mà khổ quá chú ơi, mấy đứa nhỏ ăn chưa no, lo chưa tới, có tội tình gì đâu mà phải bỏ học giữa chừng để ra đường kiếm sống", bà Sinh than thở.

Bà Hồ Thị Sinh đang bán hàng lặt vặt trong làng.

Bi đát hơn là gia đình anh Võ Lộc. Sau khi bể nợ vì hồ tiêu, anh Lộc phải lên rừng tìm sinh kế, vợ thì đi xứ khác tìm việc làm, để lại 5 đứa con nheo nhóc. Nhiệm vụ trông các em được giao cho thằng con lớn nhất mới học lớp 8, nhưng vì đói quá, nó cũng bỏ học, bỏ nhà bỏ cửa đi theo người trong thôn vào miền Nam kiếm cơm.

Còn em Kpuih Sinh (SN 2002, trú làng Plei Thơ Ga B) - cựu học sinh trường THCS Kpă Klơng thì kể rằng, trước đây nhà em trồng 2.000 trụ tiêu, cuộc sống rất khấm khá, anh chị em đều được đi học. Tuy nhiên, giờ đây vườn tiêu chỉ còn lại 80 trụ còi cọc, Kpuih Sinh phải bỏ học khi vừa bước vào lớp 8, hai đứa em cũng vậy, đều theo cha mẹ lên nương rẫy. Khi được hỏi, mấy đứa còn bé thế thì lên nương rẫy làm được gì, Kpuih Sinh hồn nhiên: "Tụi em giúp cha mẹ tưới cây, làm cỏ, nhặt củi cũng được mà. Cũng theo Kpuih Sinh, lúc em bỏ học, lớp của em có 7 đứa khác cũng nghỉ theo để về nhà lao động".

Bà Phan Thị Hoa xót xa cho cậu con trai nhỏ.

Tại thôn Hòa Lộc (xã Ia Phang), khi cơn lốc tiêu chết kéo qua, gia đình bà Phan Thị Hoa (SN 1961) và gia đình người em gái nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng sau khi đã bán đi nhiều tài sản. Cách đây 2 năm, khi cha mẹ bất lực trong việc tìm kế mưu sinh tại địa phương, hai đứa con trai của hai chị em bà Hoa là Nguyễn Đồng, Huỳnh Truyền (đều học lớp 10A1 trường PTTH Nguyễn Thái Học) quyết định cùng nhau bỏ học để dắt nhau vào TP. HCM kiếm việc làm.

Đồng cho biết, ngày em quyết định nghỉ học, trường em lúc đó có đến 10 đứa nghỉ theo. Thế là, đám nhóc đồng lòng cùng nhau bắt xe vào Sài Gòn xin việc, để sau lưng là những người cha, người mẹ nước mắt lưng tròng. Về lý do nghỉ học trong độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới, cậu thanh niên gầy gò, mặt búng ra sữa hồn nhiên nói rằng, cha mẹ thì tìm không ra việc làm ở địa phương, đến trường thì cái bụng lúc nào cũng "réo rắt", rồi bị nghe nhắc về tiền học phí nên tâm trạng đâu mà học cho nổi.

Hiện tại, các em này đang làm việc tại một xưởng may tư nhân ở quận Tân Bình. Hàng ngày, các em phải làm việc từ 7 giờ cho đến 22 giờ mới được nghỉ. Thu nhập sau khi trừ ăn uống, ngủ nghỉ thì mỗi đứa còn được hơn 3 triệu đồng/tháng.

Em Kpuih Sinh kể chuyện gia đình mình.

Còn theo tâm sự của bà Hoa, họ nào phải là loại lười biếng gì khi mà suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời để các con được học hành tử tế. "Tôi cũng muốn vào Sài Gòn để kiếm sống nhưng già rồi người ta không chịu thuê, còn ở khu vực này thì chẳng có việc chi để mà mần. Nhìn chúng nó mới có tí tuổi đầu mà phải bỏ học, bôn ba xứ người, lao động nặng nhọc nuôi gia đình, người làm cha làm mẹ sao mà không xót xa, càng nghĩ càng hận bản thân", bà Hoa nức nở.

Chung hoàn cảnh, bà Ngô Thị Lúa (SN 1963) kể, ngày mà giá hồ tiêu ở đỉnh cao, vợ chồng bà luôn đặt hi vọng thằng cu út Trần Văn Lộc (SN 1999) sẽ được học hành tại những trường tốt nhất nên đâu có cho nó làm gì. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, nó quyết định bỏ học để “Nam tiến” với chúng bạn. Cái bụng bà dù chẳng muốn nhưng cũng không thể cản ngăn. "Tội nghiệp, hồi giờ nó chỉ biết học hành vui chơi mà giờ cả ngày phải làm toàn việc nặng nhọc nơi xứ người để kiếm những đồng tiền ít ỏi nuôi gia đình, đau lòng quá chú ơi", bà Lúa nói.

Nỗi lo về cái vòng luẩn quẩn

Hơn 5 năm đổ về trước, huyện Chư Pưh này có rất nhiều gia đình hiếu học. Thời đó, người dân thường cho con lên TP. Pleiku, qua TP. Buôn Ma Thuộc (Đak Lak) hay vào TP. HCM để học những trường có tên tuổi là chuyện rất đỗi bình thường, thậm chí nhiều người còn cho các em đi từ năm học lớp 5. Giờ đây, ở địa phương này có 6 trường hợp cha mẹ vì bể nợ hồ tiêu nên đã xin cho con em họ được chuyển trường để mang theo đi lao động cũng như gửi về quê để người thân chăm sóc.

Em Nguyễn Đồng kể về tháng ngày cơ cực mưu sinh tại Sài Gòn.

Theo ông Nguyễn Viết Thuận - Phó Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh, ngay từ năm 2015, khi hồ tiêu bắt đầu chết hàng loạt khiến nhiều gia đình bể nợ, Phòng đã chủ động triển khai những kế hoạch thiết thực để hỗ trợ học sinh hòng duy trì sỉ số. Chẳng hạn, về vật chất thì các khoản đóng góp của các em hầu như đều được miễn giảm, nhà trường còn chủ động giúp đỡ các em về sách vở, bút mực.

Còn về tinh thần thì cán bộ, giáo viên được cử thường xuyên đến tận các gia đình không may bể nợ để động viên phụ huynh không vì buồn chán mà bỏ bê chuyện học hành của các cháu. "Chúng tôi phải thường xuyên đi vận động, gặp gỡ giao lưu để những gia đình này không còn cảm giác mặc cảm, tự ti khi từ đại gia đi xe hơi giờ trắng tay, để họ quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình. Còn tại trường, chúng tôi quán triệt giáo viên phải quan tâm đặc biệt đến các trường hợp này, cần phải dìu dắt để các em vượt qua nghịch cảnh, để quên đi mặc cảm mà phấn đấu học hành", ông Thuận nói.

Người dân lo lắng cho tương lai con em mình.

Cũng theo ông Thuận, huyện cũng đã chủ trương mở rộng giáo dục hướng nghiệp để các cháu trong diện này sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mà không có điều kiện đi học cao hơn vẫn có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề, để có cơ hội mưu sinh sau này. Bên cạnh đó, tại các cuộc họp của huyện, chủ đề nóng này luôn được cán bộ quan tâm, ai cũng góp 1 tiếng nói mong các cơ quan cấp trên có chính sách khoanh nợ, miễn lãi, để người dân có cơ hội gượng dậy, để con em họ yên tâm học hành.

Còn ông Ngô Xuân Tiến - Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Thái Học thì xác nhận rằng, có chuyện từ năm 2016 đến nay, nhiều học sinh của trường phải bỏ học giữa chừng để vào các tỉnh phía Nam mưu sinh, chuyển sang học hệ giáo dục hướng nghiệp.

Do ở huyện chỉ có 1 trường cấp III nên chuyện này rất dễ nắm, bởi mỗi năm, trường đều căn cứ vào số học sinh tốt nghiệp cấp II để lập chỉ tiêu xét tuyển lớp 10. Theo đó, năm ngoái, danh sách học sinh lớp 9 là 700 em, trường đã ra chỉ tiêu là tuyển 630 em nhưng kết quả chỉ tuyển được 530 em vào học lớp 10.

Ông Tiến cũng có cảm giác xót xa, xen lẫn lo lắng cho tương lai của sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Bởi trên thực tế, sau khi tiêu chết sạch, người dân đã đồng loạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách trồng bơ, mít, sầu riêng, la-ghim... "Hiện tại, ai cũng đang làm như vậy, trong khi các tỉnh Đak Lak, Đak Nông cũng đã trồng quá nhiều các loại cây trên rồi. Do đó, tôi e rằng một thời gian nữa, các sản phẩm trên sẽ lâm vào khủng hoảng thừa do không có đầu ra. Ví dụ thực tiễn hiện tại rõ nét nhất ở huyện này là 2 sản phẩm bí đỏ và ớt, do có quá nhiều người làm mà không có chỗ tiêu thụ nên bỏ thối đầy đồng", ông Tiến lo ngại.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Chuyện giáo dục ở... “thủ phủ bể nợ”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.