Thứ ba, 16/04/2024 17:21 (GMT+7)

Gia Lai: Đầu xuân trẩy Hội cầu Huê

DIỆP HOÀNG -  Chủ nhật, 10/02/2019 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm, nhân dân khu vực Đông Gia Lai lại nô nức tụ hội về dự Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2019) và Hội hát cầu Huê.

Tưởng niệmngười anh hùng “áo vải cờ đào”

Lễ kỷ niệm 248 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-2019) và 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) đã được Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã An Khê tổ chức trong không khí long trọng và trang nghiêm tại Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (TX. An Khê, Gia Lai). Tham dự có ông Dương Văn Trang – Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai; ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; cùng các vị lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban mặt trận TQVN tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan đoàn thể của tỉnh và các vị lãnh đạo Đảng, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Rực rỡ sắc hoa tại tượng đài của người anh hùng Nguyễn Huệ.
Buổi sáng đầu xuân tại Tổ đình.

Không chỉ nhân dân ở trung tâm thị xã, từ sáng sớm, nhiều người ở xa hoặc các huyện lân cận như Đak Pơ, Kbang, Kon Chro thuộc Tây Sơn thượng đạo, nơi khởi xuất phong trào Tây Sơn cũng đã tụ hội để tham dự buổi lễ.

Chị Phan Duy Thảo (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cho biết: “Tôi rất háo hức khi tham dự lễ kỷ niệm, đây là dịp để mọi người có thể hiểu hơn những nét đẹp truyền thống của quê hương mà phát huy, gìn giữ”.

Trong màu rực rỡ của hoa tươi, cờ đào, cây nêu tại khuôn viên An Khê Trường, các cụ bô lão mặc trang phục áo dài khăn đóng thành kính thực hiện các nghi lễ, mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, oanh liệt của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cách đây 248 năm, tại mảnh đất An Khê, 3 anh em Nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chiêu binh mãi mã, phất cờ tụ nghĩa.

Dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Nhạc và sau đó là Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) – một thiên tài quân sự bách chiến, bách thắng, với những chiến công lẫy lừng đã đi vào sử sách mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cùng tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn, thống nhất giang sơn về một mối.

Vị Chánh tế hành lễ dâng hương.

Trong ánh nắng ban mai của buổi đầu Xuân, dưới tượng đài uy nghi của Hoàng đế Quang Trung, các đoàn đại biểu cùng bà con nhân dân lần lượt kính cẩn nghiêng mình, dâng lên anh linh của vị anh hùng dân tộc những lẵng hoa tươi thắm nhất để tỏ lòng biết ơn đến Người cùng các liệt sĩ đã không tiếc máu xương gìn giữ giang sơn Tổ quốc.

Sau nghi lễ dâng hoa, vị Chánh tế hành lễ, lãnh đạo tỉnh, thị xã, các huyện bạn và nhân dân đã lần lượt tiến vào bên trong Tổ đình và thành kính dâng hương tưởng niệm Tây Sơn Tam kiệt và tướng, sĩ nhà Tây Sơn. Việc dâng hương tại Tổ đình cũng tuân thủ tuyệt đối theo nghi thức truyền thống với chiêng, trống, nhạc lễ. Dưới làn khói hương nghi ngút, không gian linh thiêng ấy càng trở nên ấm cúng trong ngày đầu Xuân.

Tưng bừng Hội hát cầu Huê

Từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, gắn liền với lễ Quý Xuân của cư dân vùng đất An Khê – Tây Sơn thượng đạo là nghệ thuật hát cầu huê (tức cầu mùa, cầu huê lợi) độc đáo, riêng có, với ước vọng cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, cầu mong cho Quốc thái dân an, gia đạo bình an, thịnh vượng.

Lễ Quý Xuân và hát cầu huê không chỉ là hoạt động riêng có của người Kinh ở 2 Ấp Tây Sơn nhất (tức thôn An Lũy, nay là tổ dân phố 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) và Tây Sơn nhì mà còn có sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng, qua đó mà mối đoàn kết giữa người Kinh – Thượng ngày càng thêm gắn bó.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể vùng Tây Sơn thượng đạo nói chung và nghệ thuật hát cầu huê của người Việt vùng An Khê nói riêng, thị xã An Khê đã tiếp tục tổ chức phục dựng Hội cầu Huê.

Hội cầu Huê thu hút đông đảo người dân tham dự.
Ông Dương Văn Trang – Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đánh trống khai Hộicaầu Huê.

Sau tiếng trống khai hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính thức bắt đầu. Tại khu vực lễ đài, hàng trăm người đã tụ lại để cùng thưởng thức những tiết mục hoạt cảnh tái hiện tinh thần bách chiến bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn; hát bội; hát bài chòi Bình Định; múa lân; biểu diễn võ thuật; cồng chiêng và tham gia các trò chơi dân gian; phiên chợ Kinh – Thượng với hoạt động mua sắm, ẩm thực.

Ngoài ra, còn có các hoạt động như triển lãm tranh tư liệu của Họa sĩ Xu Man với chủ đề: Xu Man, người An Khê xưa; tham quan Chùa An Bình, một ngôi chùa cổ của người Việt xưa vùng Tây Sơn thượng đạo; tham quan khu di tích Khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, xã Xuân An; thi đấu Võ thuật cổ truyền liên tỉnh tại SVĐ thị xã (ngày 13,14/2/2019 nhằm ngày 9,10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).

Một tiết mục trong Hội hát cầu Huê.
Phiên chợ Kinh - Thượng.
Người dân thưởng thức đặc sản tại Hội cầu Huê.

Chị Đoàn Thị Hà (phường An Phú, TX. An Khê, Gia Lai) chia sẻ: Từ khi thị xã An Khê tổ chức Hội cầu Huê, năm nào gia đình tôi cũng đến tham quan. Có thể nói đây là một không gian du Xuân vui tươi, lành mạnh cho người dân An Khê nói riêng và du khách nói chung. Việc tái hiện lại Hội hát cầu Huê trên quê hương An Khê có ý nghĩa rất lớn, giúp thế hệ trẻ sau này biết được những nét văn hóa tinh thần đặc sắc của ông bà ta xưa kia”.

Phiên chợ Kinh - Thượng gồm nhiều chòi sạp hàng cố định được dựng bằng tranh tre, lá nứa. Trong đó, các sạp hàng của người Kinh bán các mặt hàng truyền thống của vùng An Khê, Bình Định như: các loại bánh, nông cụ, nông sản, vải, quần áo, hàng mỹ nghệ… Riêng đồng bào Bahnar có chòi sạp hàng với các mặt hàng rau, củ, quả, gà, vịt, rượu cần, đồ trang sức, hàng thổ cẩm, lâm thổ sản, hàng lưu niệm…

Hai khu sạp buôn bán được bố trí đối diện nhau, thể hiện sự giao thoa văn hóa Kinh-Thượng. Những người bán hàng ai nấy đều tươi tắn, vui vẻ mời chào khách mua hàng. Bên cạnh đó cũng có các sạp của các ông đồ viết thư pháp, tặng chữ đầu xuân.

Anh Trần Khương Minh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt) viết chữ cầu may mắn cho người dân.

Anh Trần Khương Minh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt) cho biết: 3 năm thị xã An Khê tổ chức Hội cầu Huê mình đều tham gia để viết, tặng chữ thư pháp cho người dân với mong muốn đem lại may mắn. Thị xã An Khê đang hướng đến phát triển về mặt du lịch vì vậy Hội cầu Huê lần này cũng là cơ hội để thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất anh hùng.

Mong rằng thị xã An Khê sẽ tiếp tục duy trì lễ hội này trong những năm sau nữa để bà con vừa được vui chơi Tết, vừa được giao lưu, góp phần tạo sự đoàn kết chặt chẽ giữa người Kinh và người Bahnar trên địa bàn”.

Dưới đây là một số hình ảnh mà P.V Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận được tại các lễ hội:

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Đầu xuân trẩy Hội cầu Huê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.