Thứ sáu, 19/04/2024 22:37 (GMT+7)

Gia Lai: Doanh nghiệp “biến” đường bê tông thành đường đường đất

Mai Trung -  Thứ ba, 03/09/2019 08:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày, các doanh nghiệp khai thác cát vô tư chở quá tải, cày nát tuyến đường nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên Môi trường & Đô thị điện tử đã có chuyến thực tế tại các xã Dun, Kông Htok, Ayun (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Theo ghi nhận, tuyến đường này là đường liên xã, hiện xuất hiện nhiều ổ voi và sụp lún rất nguy hiểm. Đặc biệt, có một đoạn đường đã bị thay đổi hiện trạng.

Trên đoạn đường từ thị trấn Chư Sê đi vào xã Ayun, chúng tôi phải đi qua hai xã khác là xã Dun, Kông Htok. Từ đầu đến cuối đoạn đường, hàng trăm, hàng nghìn ổ voi, ổ gà nối đuôi nhau xuất hiện dày đặc. Cùng với đó, các xe tải loại nặng chở cát với khối lượng lớn vượt thùng “nhảy múa” ngay trước mặt trụ sở UBND các xã một cách khó hiểu?!

Ổ gà và sụp lún khiến người dân khó khăn trong đi lại

Trước vấn đề về việc doanh nghiệp phá đường liên xã, ông Phạm Ngọc Thanh -Chủ tịch UBND xã Ayun, cho biết: “Đoạn đường từ UBND xã Ayun đi ra ngã ba Kông Htok là do Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (trụ sở đóng tại đường Trường Chinh, Pleiku) sửa chữa, còn từ UBND xã đi vào điểm khai thác cát là do Công ty TNHH MTV Trang Đức (trụ sở đóng tại Lê Hồng Phong, Pleiku) có trách nhiệm sửa. Khi hư hỏng, hai công ty đã có sửa, nhưng đoạn từ UBND xã vào tới Trường PT Dân tộc bán trú tiểu học Lê Lợi hư hỏng nặng nên công ty Trang Đức đổ đất lên vào dịp trước Tết Nguyên đán 2019, rồi… sẽ làm sau”.

“Rất nhiều lần dân có ý kiến lên xã, xã có làm việc với công ty, họ kêu là sẽ làm lại, nhưng do kinh phí hạn hẹp. Từ UBND xã đi vào ngã 3 (Trường PT Dân tộc bán trú tiểu học Lê Lợi), nguyên thủy là đường nhựa, bê tông, nhưng sau khi có văn bản của huyện đề nghị sửa, cùng làm việc với UBND xã thì anh này (Công ty Trang Đức - PV) sửa. Quá trình sau khi sửa, anh ấy (Công ty Trang Đức - PV) mới chỉ đổ đất nền”, ông Thanh cho biết thêm.

Xe quá tải lưu thông trên đường

Khi được hỏi về việc hàng năm cứ vào mùa mưa là đường lại hỏng, cả hai vị Chủ tịch UBND xã Ayun và Dun đều cho rằng, thiết kế đường trước đây tải trọng nhỏ, nhưng giờ xe có tải trọng lớn đi vào nên mới dẫn đến hư hỏng. Chủ tịch xã Dun, ông Võ Văn Quá, nhấn mạnh: “Hai công ty khai thác cát ở xã Ayun được UBND tỉnh cấp phép. Đường hỏng chủ yếu do xe chở cát chạy, nếu không có xe cát thì “đời” nào hư. Mỗi xe chở cát, tải trọng khoảng 30-40 tấn, vượt gấp 3 lần tải trọng đường. Vào mùa nắng, một ngày có khoảng 15 chiếc qua lại. Tiếp xúc cử tri, dân phản ánh nhiều. Tại cuộc họp sơ kết, tổng kết của UBND huyện cũng đã có chỉ đạo giao cho công an huyện xử lý xe quá tải chạy trên đường”.

Khi PV đưa những hình ảnh về xe quá tải, cũng như trao đổi về việc đoạn đường từ UBND xã Ayun vào tới ngã ba trường Lê Lợi bị thay đổi hiện trạng thì được ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết: “Từ Kông Htok vào Ayun, hai doanh nghiệp khai thác cát cam kết hư đến đâu sẽ sửa đến đó. Trước đây là đường nhựa, bê tông, trước khi làm đã cam kết rồi. Đến nay, sửa một vài lần bằng nhựa nhưng hư trong đó”.

Tuyến đường bị thay đổi hiện trạng

Theo lời ông Linh, từ xã Dun về xã Kông Htok, từ xã Bờ Ngoong về Thị trấn rất nhiều xe quá tải. Tổ tự quản và CSGT huyện đã làm việc rất nhiều nhưng không phải lúc nào cũng chặn bắt hết được. Sau đó, ông cũng gọi điện thoại cho ai đó, yêu cầu truy lùng và xử lý chiếc xe chở cát “khủng” từ video và hình ảnh do PV cung cấp.

Khi PV tiếp tục đưa ra những hình ảnh mới chụp về hiện trạng thực tại là đường đất, cũng như vấn đề đường hỏng từ năm ngoái thì ông Linh cho biết: “Cái đó phải giở hồ sơ ra. Yêu cầu xã yYun giở hồ sơ ra, trước đây hồ sơ như thế nào…”. PV hỏi tiếp việc UBND huyện có nắm được đường nhựa, đường đất và đường bê tông hiện tại bây giờ không, thì vị chủ tịch này quả quyết: “Tất nhiên nắm chứ sao không nắm. Có hồ sơ sao không nắm được, nhưng giờ anh hỏi thế sao tôi trả lời cho anh ngay được. Tôi phải cử người xuống kiểm tra dưới đó, đoạn nào thì lật hồ sơ ra. Tôi phải có hồ sơ để đối chiếu!”.

Đoạn đường này, mặc dù đã được “thay áo” từ đường nhựa và bê tông thành đường đất vào cuối năm ngoái, nhưng đến nay, từ cách trả lời báo chí của chủ tịch UBND huyện Chư Sê, có thể thấy chính quyền địa phương chưa chắc đã nắm rõ hiện trạng thực tế. Như vậy, trách nhiệm của các công ty cũng như chính quyền địa phương ở đâu trong khi để tuyến đường liên xã biến thành con đường đau khổ hành dân trong suốt thời gian dài như trên?

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Doanh nghiệp “biến” đường bê tông thành đường đường đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...