Thứ sáu, 29/03/2024 21:56 (GMT+7)

Gia Lai: Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025

DIỆP HOÀNG -  Thứ hai, 05/08/2019 08:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 1647/UBND-NL về việc triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm. Bên cạnh đó, kết quả chủ động giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm tương đối cao (khoảng 2% tổng số mẫu xét nghiệm).

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng truyền lây giữa động vật và người. Để phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025”. Theo Danh sách các huyện vùng nguy cơ cao năm 2019 (được ban hành kèm Quyết định số 172/QĐ-TTg), tỉnh Gia Lai có 3 địa phương là TP Pleiku, huyện Ia Grai, huyện Đăk Pơ nằm trong diện có nguy cơ cao xuất hiện bệnh Cúm gia cầm.

Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Công văn số 1647/UBND-NL, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 730/KH-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai) tiến hành hướng dẫn và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trước thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình bệnh cúm gia cầm trong nước và trong tỉnh để kịp thời thông tin, cảnh báo và hướng dẫn xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện, không để dịch kéo dài, lan rộng.

Công văn số 1647/UBND-NL của UBND tỉnh Gia Lai.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt, trứng gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh; đồng thời, nghiên cứu các quy định, hướng dẫn hiện hành có liên quan của Bộ, ngành Trung ương để đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Thú y) và UBND tỉnh.

Phun thuốc sát trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trước thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch Cúm gia cầm tại địa phương.

Song song với đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trước thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch Cúm gia cầm tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp giao dịch, không báo cáo để dịch bệnh lây lan ra diện rộng theo quy định; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của bệnh cúm gia cầm trên địa bàn.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới