Thứ sáu, 29/03/2024 14:53 (GMT+7)

Gia Lai: Nỗi niềm sau những cuộc hồi hương

V. Đ. N -  Thứ hai, 08/11/2021 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vì cuộc sống, nhiều người phải xa quê tìm cách sinh nhai. Khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, họ lựa chọn trở về cùng với những nỗi niềm khó tả…

Nỗi buồn tha hương

Những năm gần đây, các loại cây nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su… đều rơi vào thảm cảnh mất mùa, mất giá khiến nhiều lao động tại Gia Lai phải tìm đường ra thành phố lớn làm việc. Tuy nhiên, có người chỉ mới làm được vài tháng thì Tp.HCM, Bình Dương bùng phát dịch dữ dội, họ phải vội vã thuê những chuyến xe với giá đắt đỏ hoặc tự điều khiển xe mô tô tức tốc về quê nhà.

Trở về nhà trong lúc tinh thần chưa ổn định, kinh tế khó khăn, nên hầu hết đều mong muốn dịch được khống chế để trở lại làm việc.

Khoảng tháng 10/2020, bà Rơ Châm Pí (40 tuổi, trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) rời quê nhà Gia Lai vào Bình Dương để làm công nhân trong xưởng gỗ. Theo lời của bà, ở quê ít việc làm nên bà đã bắt xe vào Nam tìm kiếm việc, dù không đành lòng xa gia đình.

Vào Bình Dương, bà Pí làm việc khá nặng nhọc trong một xưởng gỗ, cường độ công việc khá cao. Bà phải làm nhiều giờ trong một ngày, liên tục tăng ca để mong có thêm tiền gửi về quê nhà. Mỗi tháng, bà nhận được từ 6 – 7 triệu. Số tiền này đủ cho bà lo ăn uống và gửi về nhà, còn dư chút đỉnh thì dành dụm phòng khi trái gió, trở trời.

tm-img-alt
Bà Pí và người con gái trở về làm cà phê, lúa sau những ngày kiếm sống ở Bình Dương.

Hai tháng sau, chồng của bà Pí là ông Rơ Châm Síu (42 tuổi) cũng khăn gói từ quê vô Bình Dương làm. Hai vợ chồng thuê một căn trọ nhỏ để sinh sống và làm việc. Ông Síu là công nhân cho một công ty làm băng keo ở thị xã Thuận An, cách chỗ bà Pí làm hơn 30 cây số.

Một thời gian sau, con gái Rơ Châm Sơn (17 tuổi) đang nghỉ hè lớp 11 cũng vô phụ bố mẹ. Sau khi thấy công việc ổn định và có thu nhập, em gác lại việc học để đi làm lâu dài.

Theo thời gian, gia đình nhỏ của bà Pí quen dần với công việc ở thành phố lớn, cho đến tháng 6/2021, làn sóng Covid-19 đã “cuốn bay” công việc của họ. Họ liên tục bị nghỉ làm do ghi nhận các ca dịch tại các khu công nghiệp.

Đầu tháng 7, thấy tình hình dịch căng thẳng, bà Pí đã tức tốc dọn đồ và trả nhà trọ, bắt chuyến xe cuối cùng trước khi giãn cách xã hội để về quê. Sắp xếp công việc xong, ông Rơ Châm Síu và con gái cũng vượt hàng trăm cây số xuyên đêm bằng xe máy về quê.

Sau khi về quê, gia đình bà Pí được cách ly tập trung và theo dõi nghiêm ngặt tại nhà theo quy định. Cách ly xong, gia đình nhỏ trở lại với công việc chăm sóc mấy sào lúa.

“Khi hết dịch thì vợ chồng tôi sẽ không vào Bình Dương, tại tôi còn có cháu nhỏ, nên ở nhà trông cháu để bố mẹ nó đi làm. Còn ông Pí thì lo ruộng vườn ở đây, chỉ có con gái tôi vẫn tiếp tục vào Bình Dương làm việc nếu tình hình dịch ổn”, Bà Pí chia sẻ.

Mong mau hết dịch để đi làm lại

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải Hà (36 tuổi, trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) cũng không giấu được sự xúc động và tiếc nuối khi phải rời Sài Gòn về quê. Tháng 5 vừa rồi, chị Hà cùng với một số người hàng xóm đã khăn gói vào Sài Gòn để đi làm. Chị còn dẫn thêm 2 con vào Thành phố để chơi và phụ thêm việc cho mẹ.

Khi ổn định chỗ ở, chị Hà được nhận vào làm tại một công ty chuyên sản xuất, lắp ráp điện tử, máy móc. Ngày nào chị cũng làm hơn 10 tiếng đồng hồ.

tm-img-alt
Vào những ngày hè, 3 mẹ con chị Hà cùng vào Tp.HCM để tìm kiếm việc làm. Nhưng mới làm được hơn tháng, chưa lấy được tiền lương, chị đã phải vội bắt xe quay về quê vì ảnh hưởng dịch.

Đầu tháng 7, dịch Covid-19 càn quét các tỉnh phía Nam. Nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp, công ty đều đóng cửa. “Lúc đó, tôi rất lo lắng vì tiền cũng sắp hết mà chưa có lương. Thấy tình hình dịch căng thẳng, tôi cùng với mấy người hàng xóm thuê một chiếc xe 7 chỗ để về Gia Lai. Tôi mong dịch mong hết để tôi có thể đi làm lại. Ở nhà chỉ trông chờ vào mấy cây cà phê cũng đói, nhất là hiện nay cà liên tục mất mùa, mất giá”, chị tâm sự.

Tương tự, Siu H’ Jú (18 tuổi, trú tại xã Ia, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cũng vào Nam để tìm kiếm hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống. Siu H’ Jú cho hay, gia đình rất nghèo, nên từ năm lớp 6 em đã nghỉ học để phụ mẹ chăn bò và đi làm. Vì cuộc sống khó khăn nên Jú phải làm đủ việc.

Tháng 3/2021, Jú đã quyết định bắt xe khách vào Đồng Nai để kiếm việc làm. Sau nhiều gian nan, Jú cũng tìm được việc trong một công ty may mặc. Với số lương hơn 7 triệu đồng, Jú cũng đủ trang trải sinh hoạt và gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì dịch bùng phát, em liên tục phải ở nhà vì có trường hợp dương tính tại khu vực.

“Khi không đi làm được, em phải ở trọ tận 2 tuần. Lúc đó, em lại gần hết tiền ăn, lương thì chưa có, em và mấy đứa bạn nhiều lúc phải ăn mì gói qua ngày để tiết kiệm tiền về quê”, Jú chia sẻ.

Ngay sau khi nhận được lương, Jú và các bạn trong phòng trọ cấp tốc trả nhà trọ và đặt vé xe khách để về quê. Sau khi cách ly tập trung, Jú quay lại cuộc sống hàng ngày của mình, cùng người mẹ già ngày ngày đi làm trên rẫy. Nhà Jú có hơn 4 sào mì, 3 sào lúa. Với mảnh vườn này, gia đình Jú không đủ tiền để ăn và trả nợ.

“Nếu cứ dịch như này, em không vào được Bình Dương làm thì nhà không biết sống sao. Ở quê cũng không có việc gì làm, ruộng vườn thì chờ thu hoạch cũng chỉ kiếm được vài đồng, nên em rất lo…”, Jú tâm sự, vẻ mặt của em đầy nỗi lo toan và tiếc nuối khi đang có công việc ổn định để nuôi gia đình thì lại bị gác lại…

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, có khoảng 17.000 người từ các tỉnh trở về địa phương. Thực hiện Nghị Quyết 68 của Chính phủ, Sở đã phối hợp với các địa phương để hỗ trợ cho những lao động kịp thời, nhanh chóng. Tính đến nay, Gia Lai đã hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền hàng chục tỷ đồng với khoảng 50 nghìn lượt lao động.

Nhằm giúp cho lao động mất việc làm do ảnh hưởng dịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, nắm bắt đầy đủ thông tin để hỗ trợ, tư vấn việc làm cho người lao động thất nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp…

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nỗi niềm sau những cuộc hồi hương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.