Thứ bảy, 20/04/2024 10:34 (GMT+7)

Gia Lai: Xác định nguyên nhân vụ tài xế tránh tai nạn làm sập cống

MTĐT -  Thứ tư, 25/04/2018 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ban ATGT Gia Lai vừa có CV số 41/BATGT-VP gửi Ban ATGT TP. Pleiku chỉ đạo xác định nguyên nhân vụ làm gãy vỡ, sụp các tấm đan và hư hỏng phương tiện vào ngày 8/4 trên đường Lê Đại Hành, Pleiku.

Theo Công văn này, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Ban An toàn giao thông TP. Pleiku chỉ đạo xác định nguyên nhân xảy ra tại nạn; rà soát hồ sơ thiết kế công trình cống thoát nước ngang tại vị trí nêu trên để xác định những bất cập về thiết kế, về hệ thống an toàn giao thông (nếu có) và triển khai các biện pháp khắc phục”.

--

Hiện trường vụ sập tấm đan mương dẫn nước.

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 8/4/2018, ông Hoàng Minh Sự (SN 1976, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) điều khiển xe tải biển số 81C-084.35 chở theo 14,5 tấn phân (xe tải trọng cho phép là 17,9 tấn) lưu thông trên đoạn đường tránh qua TP. Pleiku theo hướng chợ Yên Thế về nội thành.

Khi đến đoạn đường Lê Đại Hành (khu vực giáp ranh giữa phường Yên Thế và phường Đống Đa), do tránh xe tải đi ngược chiều nên tài xế đánh lái vào sát lề đường bên phải thì bất ngờ bị sập cống. Tại hiện trường, chiếc xe tải bị hư hỏng phần đầu và thùng xe phía bên phụ. Về phần chiếc cống thoát nước, nó có chiều dài khoảng 100 m, rộng tầm 2 m, nằm sát mép đường nhưng không hề có cọc tiêu, biển báo, toàn bộ chiếc cống đã bị phủ một lớp đất dày đặc.

Phần cống bị sụp tầm 20 m, nhiều tấm đan bê tông bị gãy làm đôi, rơi hẳn xuống mương, cái thì vắt vẻo đang chờ rụng. Điều khó hiểu là những tấm đan có chiều dài đến 2m, bề dày khoảng 10 cm nhưng xương sống của chúng chỉ là những thanh sắt có tiết diện rất bé.

Sập tấm đan lộ những thanh sắt “mỏng manh”.

Theo ông Sự, sức khỏe tính mạng con người là vô giá, được Nhà nước và pháp luật bảo vệ. Bản thân ông là người lái xe, đã từng được đào tạo rất kỹ về đạo đức của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Do đó, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, trong khoảnh khắc tích tắc, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, ông đã đánh tay lái sang phải đường nhằm hòng tránh hậu quả thảm khốc có thể xảy ra cho xã hội.

Ông giả sử, nếu đoạn đường trên có cọc tiêu biển báo về việc có tồn tại chiếc cống, trong trường hợp bất khả kháng như đã nêu, theo đạo đức nghề nghiệp, việc ông né xe gây sập chiếc cống có vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ hay không?

Cũng theo ông Sự, đoạn đường tránh này, xe siêu trọng siêu trường (khoảng 50 tấn) được phép lưu thông, trong khi chiếc cống kia có tổng giá trị đầu tư đến 1,6 tỷ đồng, chiều dài mỗi tấm đan đến hơn 2m, lại nằm sát mặt đường nhưng không chịu nổi tải trọng khoảng 25 tấn (cả xe lẫn hàng của ông). Vậy chiếc cống này được thiết kế kiểu gì, là cống thông thường hay cống chịu lực mà chỉ được thiết kế loe ngoe vài cọng sắt bé tẹo?

"Hiện tại, phía Công an cứ cho rằng tôi sai vì đã làm hư hỏng tài sản Nhà nước, buộc phải đền bù. Trong khi đó, xe của tôi cũng bị thiệt hại khoảng 90 triệu đồng, đó là chưa kể việc trễ nhiều hợp đồng vận chuyển hàng hóa đã ký, khiến tôi chẳng biết xoay sở cách nào. Tôi mãi không thể hiểu, cống thoát nước nằm sát mép đường nhưng không hề có cọc tiêu, biển báo để bản thân cũng như nhiều người biết mà tránh vậy mà cứ áp đặt tôi sai là sao?", ông Sự bức xúc.

Công văn số 41/BATGT-VP ngày 12/4 của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai.

Làm việc với ông Đào Trung Ánh-Chủ tịch UBND phường Đống Đa được biết, đường trên là đường tránh TP. Pleiku nên xe tải trọng nặng được phép lưu thông. Ông Ánh xác nhận đoạn cống trên do UBND TP. Pleiku đầu tư 100%, tại khu vực trên quả thật không có cọc tiêu biển báo về sự tồn tại của chiếc cống. Về tổng giá trị đầu tư của chiếc cống, ông Ánh cho rằng không nhớ kỹ, nhưng cũng phải trên một tỷ đồng.

Về việc cơ quan chức năng cho rằng ông Sự sai và phải đền bù thiệt hại tài sản nhà nước, ông Ánh không đồng tình. Bởi theo ông, xe chở đúng tải trọng, anh Sự đã làm chủ tốc độ, tránh một vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra. Do đó, giờ mà cơ quan chức năng xử anh Sự sai thì rất khó coi.

"Cống thì sát với đường nên cho dù có cọc tiêu biển báo thì không ai dám đảm bảo sẽ không tiếp tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông tương tự. Bởi, người tham gia giao thông ngoài việc phải làm chủ tốc độ còn phải làm chủ trong mọi tình huống, trong trường hợp buộc phải tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tài xế vẫn phải tấp vào lề như chuyện anh Sự đã thực hiện. Trước mắt, phường sẽ đề nghị thành phố xem xét lắp cọc tiêu biển báo và thiết kế nắp cống chịu lực tại khu vực trên để giảm thiểu những vụ tai nạn tương tự", ông Ánh nói.

Sau khi đi kiểm tra hiện trường, ôngNguyễn Hữu Quế(Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai)cho biết, có hai khả năng xảy ra. Nếu như nắp cống được thiết kế chịu lực thì phải xem lại thiết kế thi công để tính khả năng chịu lực như thế nào. Nếu thiết kế đúng quy định thì khi xe lấn vào vẫn có thể tiếp tục đi chứ không thể lấn vào là sập. Nếu thiết kế là nắp cống không chịu lực thì chủ đầu tư phải làm cọc tiêu, biển báo.

"Ông làm đường không cọc tiêu biển báo thì người ta đi ra chứ sao đền bù, đố ông đền bù được. Sở và Ban an toàn Giao thông tỉnh Gia Lai sẽ mời các bên liên quan lên làm việc, xem toàn bộ hồ sơ vụ này để xem ai đúng, ai sai", ông Quế cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Xác định nguyên nhân vụ tài xế tránh tai nạn làm sập cống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

BÙI CÔNG LỰC

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ