Thứ sáu, 29/03/2024 22:49 (GMT+7)

Gia Lâm - Hà Nội: Ai bao che cho sai phạm của trạm trộn bê tông Ba Đình 5 ? (kỳ 5)

PV -  Thứ tư, 27/04/2022 08:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó mọi đối tượng trong xã hội đều có quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Thành phố Hà Nội thời gian qua đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần tập trung giải quyết, xử lý nghiêm.

Chất lượng môi trường một số nơi đã và đang xuống cấp, một số cán bộ địa phương có sự buông lỏng, bao che cho các sai phạm. Nổi cộm là sai phạm tại trạm trộn bê tông Ba Đình 5 diễn ra nhiều năm nay, thế nhưng động thái của chính quyền sở tại lại có dấu hiệu bao che, bảo kê khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Mặc dù không được phép xây dựng và hoạt động, nhưng trạm trộn bê tông Ba Đình 5 vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm trầm trọng trên tuyến đường đê Đông Dư - Bát Tràng.

tm-img-alt
tm-img-alt

Trạm trộn bê tông Ba Đình 5 không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động rầm rộ.

Thời gian qua, sai phạm tại Trạm trộn bê tông Ba Đình 5 đang là vấn đề nổi cộm trên các mặt báo. Trong đó Tòa soạn Môi trường và Đô thị cũng đã có hàng loạt bài đăng về tình trạng Trạm trộn bê tông “Ba Đình 5”có địa chỉ thôn 1, xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) đang hoạt động không phép, lấn chiếm hành lang cầu đường bộ, các xe trọng tải lớn cơi nới thành thùng, quá khổ, quá tải hàng ngày hoạt động rầm rộ “băm nát”tuyến đê Đông Dư. Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Mặc dù bị báo chí và người dân địa phương phản ánh rất nhiều, thế nhưng chẳng hiểu vì sao Trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay, không có một giấy phép hoạt động nào vẫn không bị tháo dỡ.

Huyện chỉ đạo trên giấy, xã thực hiện đối phó

Ngày 18/5/2021 UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 1173/UBND-VP về việc xử lý vi phạm tại khu bãi nổi 42, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng và khu Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư gửi các phòng ban liên quan.

Văn bản nêu rõ: Đối với khu đất Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư: Giao UBND xã Đông Dư đình chỉ tuyệt đối hoạt động trái phép của trạm trộn bê tông của Công ty CP Trọng Phụng, lập chốt bảo vệ, bố trí lực lượng kiểm soát các phương tiện ra vào khu đất, củng cố lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm, bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 25/5/2021 và hoàn thành trước ngày 15/6/2021.

tm-img-alt

Văn bản số 1173/UBND-VP về việc xử lý vi phạm tại khu bãi nổi 42, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng và khu Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư.

Giao các phòng, ban thực hiện các nội dung sau: Giao Phòng tài nguyên và môi trường tham mưu UBND huyện chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc thu hồi đất, thanh lý hợp đồng đới với các đơn vị, cá nhân liên quan tại các khu: đất Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng xã Đông Dư, bãi nổi 42, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng; Giao Công an huyện phối hợp với UBND xã Đông Dư, xã Phù Đổng chỉ đạo Công an xã và các lực lượng liên quan lập chốt kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự các khu vực vi phạm; Kiểm tra xem xét xử theo quy định đối với các trường hợp cố tình vi phạm; Giao đội Thanh tra giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp xe chở vật liệu quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường đê, trong đó tập trung vào các khu: đất Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư, bãi nổi 42, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng.

Đề nghị Công ty Điện Lực Gia Lâm dừng ngay việc cấp điện cho các công trình vi phạm tại khu vực đất Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư, bãi nổi 42, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng. Chủ Động phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan trong xử lý vi phạm, hoàn thành trong tháng 5/2021; Đề nghị Đảng ủy xã Phù Đổng, xã Đông Dư chỉ đạo, giám sát UBND xã thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND huyện.

Dù vậy, các văn bản đã nêu rõ như trên, thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty CP Trọng Phụng đang hoạt động bình thường mà không gặp phải bất kỳ việc kiểm tra, xử phạt nào cũng như việc cưỡng chế tháo dỡ của cơ quan chức năng hoặc có xử lý nhưng chỉ mang tính chất đối phó có sự bao che.

Qua hàng loạt bài phản ánh của báo chí, ngày 08/12/2021, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục ra văn bản số 4331/UBND- TN&MT về việc trả lời nội dung thông tin phản ánh của báo Môi trường và Đô thị Việt Nam.

UBND huyện Gia Lâm phản hồi như sau: Phản ánh trạm trộn bê tông tại thôn 1, xã Đông Dư hoạt động không có giấy phép là có cơ sở. Đối với hành vi vi phạm trên, ngày 5/5/2021, UBND huyện đã có văn bản số 1024/ UBND-TN&MT yêu cầu UBND xã Đông Dư giải quyết dứt điểm sai phạm về sử dụng đất của Công ty CP Trọng Phụng; ngày 02/06/2021, UBND huyện ban hành Quyết định số 2929/QĐ-XPVPHC xử phạm vi phạm hành chính đới với Công ty CP Trọng Phụng với số tiền là 45.000.000 đồng; ngày 29/11/2021 UBND huyện tiếp tục có văn bản số 4232/UBND-TN&MT chỉ đạo xử lý hoạt động trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Đông Dư.

tm-img-alt

Văn bản số 4331/UBND- TN&MT về việc trả lời nội dung thông tin phản ánh của báo Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Đến nay Công ty CP Trọng Phụng đã nộp tiền phạt đúng quy định; UBND xã Đông Dư đã đổ trụ bê tông ngăn chặn tái diễn hoạt động trạm trộn bê tông.

Theo quan sát thực tế của PV, cho đến nay trạm trộn bê tông Ba Đình 5 vẫn không hề bị tháo dỡ hay bị cưỡng chế theo quy định? vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nộp phạt xong lại tiếp tục vi phạm.

Trong các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, chỉ nộp phạt và ngăn chặn nhưng thực chất nộp phạt để tiếp tục tồn tại. Các sai phạm đất đai, xây dựng rất nghiêm trọng nhưng không hề có quyết định cưỡng chế, như vậy nộp phạt là để tồn tại và tiếp diễn sai phạm. Vậy trách nhiệm của UBND xã Đông Dư; UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đến đâu trong vấn đề này?

tm-img-alt

Văn bản số 1024/ UBND- TN&MT về việc lập hồ sơ xử lý vi phạm trong sử dụng và quản lý đất công đối với Công ty Cổ phần Trọng Phụng.

Đã có quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình nhưng trạm trộn bê tông này vẫn tiếp tục chây ì và ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm như không có chuyện gì xảy ra. Hàng ngày xe chở vật liệu vẫn ra vào trạm trộn tấp nập, người dân phải gánh chịu thêm bụi bay mịt mù. Tại sao UBND huyện lại không có quyết định cưỡng chế tháo dỡ?.

Ai “chống lưng” cho trạm trộn bê tông Ba Đình 5?

Người dân đặt câu hỏi? Tại sao trạm trộn bê tông Ba Đình 5 hoạt động không phép, hàng ngày gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường thế nhưng vẫn không hề bị lực lượng chức năng ngăn chặn, cưỡng chế. Liệu UBND xã Đông Dư, UBND huyện Gia Lâm có “chống lưng” cho trạm trộn bê tông này hoạt động không phép trong suốt nhiều năm qua?

Vì sao từ cấp xã đến cấp huyện tại huyện Gia Lâm không thể cưỡng chế được một trạm trộn bê tông ngang nhiên chiếm dụng trái phép đất công? Điều gì khiến chính quyền sở tại “mềm tay” chưa dám xử lý triệt để?

Qua những động thái của UBND xã Đông Dư và UBND huyện Gia Lâm có thể khẳng định rằng: Chính quyền địa phương đang cố tình bao che, chống lưng cho những sai phạm của Công ty CP Trọng Phụng.

Rõ ràng một trạm trộn bê tông bề thế, ầm ầm hoạt động như vậy mà nhiều năm nay các ban, ngành địa phương không hề có một động thái quyết liệt nào để đình chỉ hoạt động hay cưỡng chế tháo dỡ.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, cần sớm vào cuộc, có hình thức xử lý nghiêm đối với những sai phạm của Công ty CP Trọng Phụng, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ yếu kém, suy thoái về tư tưởng và đạo đức, làm trong sạch đội ngũ cán bộ./.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lâm - Hà Nội: Ai bao che cho sai phạm của trạm trộn bê tông Ba Đình 5 ? (kỳ 5). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới