Giá xăng dầu hôm nay 22/5: Cập nhật giá xăng dầu trong nước, quốc tế
Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 22/5/2023. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất, giá dầu thô và các phiên điều chỉnh giá xăng
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/5
Ghi nhận vào lúc 8h00 ngày 22/5 (giờ Việt Nam), Dầu Brent giảm 0,01 USD/thùng, tương ứng -0,01% ở mức 75.63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,08 USD/thùng, tương ứng -0,11% ở mức 71.83 USD/thùng.
Theo Reuters, giá dầu đã tăng khoảng 2% trong tuần trước, chịu tác động mạnh bởi cuộc đàm phán về việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD của Mỹ giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa.
Theo Reuters, ngày 17/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD và tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc. Thỏa thuận hy vọng sẽ sớm đạt được và được cả lưỡng viện thông qua trước khi chính phủ liên bang hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình sau ngày 1-6.
Sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ đã lấn án báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) về mức tăng trong tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/5. Theo EIA, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 5 triệu thùng, trái ngược và vượt xa mức dự đoán giảm 900.000 thùng của nhiều nhà phân tích mà Reuters đã tham khảo.
Giá dầu đã tăng khi có những tín hiệu về một thỏa thuận đạt được giữa Nhà Trắng và Cộng hòa. Tuy nhiên, dần đến cuối tuần, giá dầu đã đảo chiều giảm khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc trong bối cảnh chẳng còn bao lâu là đến hạn chót ngày 1/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Ngoài trần nợ của Mỹ, sự tăng giá của giá dầu tuần trước còn chịu tác động bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung ở Canada và nhiều nơi khác. Cháy rừng ở Alberta, Canada khiến việc sản xuất ít nhất 300.000 thùng dầu/ngày ở nước này bị gián đoạn. Tháng 5 cũng là tháng nhiều thành viên của OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Theo Peter McNally, nhà phân tích của Third Bridge, việc cắt giảm này có thể có tác động lớn hơn khi bước qua mùa hè, vì những nỗ lực trước đây nhằm cân bằng thị trường đã bị bù đắp bởi sự suy yếu theo mùa và việc giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược.
Giám đốc điều hành của (Cơ quan Năng lượng Quốc tế) IEA Fatih Birol cho biết IEA không kỳ vọng các động thái của G7 nhằm chống lại việc trốn tránh trần giá đối với năng lượng của Nga sẽ làm thay đổi tình hình cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ.
G7, Liên minh châu Âu và Australia đã đồng ý áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời đặt ra giới hạn giá cao hơn đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm tước đoạt nguồn thu của quốc gia này.
G7 sẽ tăng cường nỗ lực chống lại việc trốn tránh giới hạn “đồng thời tránh tác động lan tỏa và duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu”, nhóm cho biết hôm thứ Bảy nhưng không đưa ra chi tiết, trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo.
Ngược với đà tăng trong dự trữ dầu, dự trữ xăng của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 16/5 đã dự đoán nhu cầu dầu sẽ vượt cung 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Trung Quốc sẽ chiếm 60% tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2023. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn dự báo cho thấy nền kinh tế của quốc gia Đông Á mất đà vào đầu quý II.
Giới phân tích nhận định, giá dầu đảo chiều đi lên nhờ dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. IEA cho biết sự phục hồi của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu. Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong tháng 3 đạt mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể thắt chặt vào nửa cuối năm nay khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) hồi tháng 4 vừa qua cho biết một số nước thành viên sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa, làm giảm nguồn cung dầu thô hiện có. Theo tính toán của hãng tin Reuters, OPEC+ sẽ cắt giảm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, qua đó nâng tổng lượng cắt giảm lên 3,66 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới đang có dấu hiệu khởi sắc. Yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá dầu là việc Mỹ có tín hiệu nối lại hoạt động mua hàng tích trữ.
Giá xăng dầu trong nước
Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, giá xăng dầu trong nước từ 15h ngày 11/5, Giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường ở vùng 1) giảm 1.320 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.130 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 600 đồng còn 17.660 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 550 đồng còn 17.970 đồng/lít.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập 300 đồng/lít với xăng E5, RON 95 và dầu DO, dầu hỏa, dầu mazut.
Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít với các loại xăng E5 và RON 95, trích lập 300 đồng/lít với các mặt hàng dầu.
Như vậy, giá xăng đã giảm lần thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 tháng. Vào ngày 10-9-2021, xăng E5 RON 92 có giá 20.143 đồng/lít, xăng RON 95 có giá 21.397 đồng/lít.
Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Bảng giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex
Sản phẩm | Vùng 1 | Vùng 2 |
---|---|---|
Xăng RON 95-V | 21.780 | 22.210 |
Xăng RON 95-III | 21.000 | 21.420 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.130 | 20.530 |
DO 0,001S-V | 18.510 | 18.880 |
DO 0,05S-II | 17.650 | 18.000 |
Dầu hỏa 2-K | 17.970 | 18.320 |
Giá xăng dầu dự báo tăng nhẹ ngày 22/5?
Theo chu kỳ điều chỉnh giá 10 ngày, việc điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường của liên Bộ là ngày 21/5. Tuy nhiên, do rơi vào chủ nhật, là ngày nghỉ nên cơ quan điều hành sẽ thực hiện công bố giá xăng dầu trong ngày 22/5.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam thông tin, giá xăng dầu thế giới những ngày gần đây biến động liên tục nhưng theo xu hướng tăng vào những phiên giao dịch đầu tuần và giảm nhẹ vào hai ngày cuối tuần 18 đến 21/5. Cụ thể hơn, theo Reuters, sau 4 tuần giảm giá liên tiếp, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng hằng tuần, khoảng 2%. Giá dầu Brent kết thúc tuần này ở mức 75,58 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 71,69 USD/thùng.
Trước diễn biến trên, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo, nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá một số mặt hàng xăng dầu có thể tăng nhẹ ở mức từ 250 – 420 đồng/lít. Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào ngày mai sẽ “đảo chiều”, tăng nhẹ sau 3 lần giảm liên tiếp.
T.Anh