Thứ sáu, 29/03/2024 08:52 (GMT+7)

Giá xăng tăng cao lại “cõng” thêm thuế BVMT: Chỉ thiệt người dùng!

MTĐT -  Thứ ba, 10/04/2018 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kể từ 15h ngày 7/4, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, trong đó, nhiều loại xăng tăng lên đến hơn 600 đồng/lít.

Cụ thể, các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến có mức giá như sau: Xăng E5 RON92: tăng 592 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 638 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 521 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 425 đồng/kg.

Sau kỳ điều chỉnh giá, hiện các mặt hàng xăng dầu có giá như sau: Xăng E5 RON92: không cao hơn 18.932 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.354 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15.081 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.953 đồng/kg.

Lý giải về việc tăng giá xăng lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết, do giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 7/4 là 76,963 USD/thùng xăng RON92 là xăng nền để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 3,710 USD/thùng, tương đương 5,06%); 81,174 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 4,108 USD/thùng, tương đương 5,33%).

Trước đó, tại buổi họp về điều hành giá cả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý Bộ Công thương và Tài chính sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý để giá xăng dầu không tăng mạnh, gây áp lực tới giá cả mặt hàng thiết yếu.

Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giá lên cao, người dân lẫn chuyên gia lo ngại, sẽ gây tác động tiêu cực đến mặt bằng giá trong thời gian tới.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.

Xăng dầu tăng giá, kéo theo nhiều mặt hàng tăng theo. Ảnh minh họa

Chẳng hạn với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải không thể đứng im.

"Hầu hết mặt hàng, dịch vụ đều phải chịu chi phí vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp, nên giá cước tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng và người tiêu dùng lãnh đủ" - ông Long nói, đồng thời cho rằng giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 4% gặp nhiều khó khăn.

Một chuyên gia khác cho rằng lạm phát trong những năm qua ở mức thấp chủ yếu do giá xăng dầu dưới 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá xăng thành phẩm thế giới hiện đã lên mức 77 USD/thùng và dầu diesel là 81 USD/thùng, trong khi giá xăng dầu VN phụ thuộc vào giá thế giới với 70% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước được nhập khẩu. Do đó, dù muốn hay không, giá xăng dầu VN cũng phải được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.

Trong khi đó, theo Công văn số 3993/BTC-QLG ngày 05/4/2018 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu Quý II năm 2018 như sau: xăng 10%; dầu diesel 0,96%; dầu hỏa 0,11%; dầu mazut 3,12% (Quý I năm 2018, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là: xăng 10%; dầu diesel 1,03%; dầu hỏa 0,11%; dầu mazut 3,26%).

Tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở trong Quý II năm 2018 là: 53,04% từ nguồn nhập khẩu và 46,96% từ nguồn sản xuất trong nước (Quý I năm 2018, tỷ trọng là: 51,36% từ nguồn nhập khẩu và 48,64% từ nguồn sản xuất trong nước).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu từ nay đến cuối năm và kiểm soát lạm phát, liên bộ Tài chính - Công thương phải chú ý đến việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Với việc giá xăng tăng mạnh trong đợt điều chỉnh này, các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần xem xét việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như dự thảo mới được đưa ra.

Trước đó, trao đổi với Hà Nội mới, ông Long cũng cho biết, hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của Bộ Tài chính. Nhưng "khi đưa ra đề xuất tăng thuế, cơ quan chức năng cần xem xét đến hệ lụy của nó”, chuyên gia này nói.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của người dân còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế do chi phí đầu vào quá lớn. Xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng của nền kinh tế, thuế BVMT với mặt hàng này tăng sẽ khiến giá tăng, gây hệ lụy đáng ngại là giá nguyên liệu đầu vào cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vài năm trở lại đây việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng dầu giảm. Năm nay mục tiêu là lạm phát dưới 4% trong khi tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,51%. Chuyên gia này cũng dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ nói, cố gắng năm nay không tăng thuế và phí. Vì vậy, ông cho rằng, không nên tăng thuế BVMT với xăng, dầu.

Theo ông, để tăng nguồn thu thì cần tìm giải pháp khác, phải cơ cấu cả thu lẫn chi, cần chú trọng giảm chi một cách hợp lý, chứ không chỉ tái cơ cấu thu. Ngay trong tái cơ cấu thu, phải mở rộng đối tượng thu, chống thất thu, chứ không phải tăng thuế BVMT, bởi mặt hàng này đã phải “cõng” nhiều loại thuế, phí, có lúc chiếm đến khoảng 50% giá cấu thành sản phẩm.

Về lý do tăng thuế BVMT với xăng, dầu do giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước lân cận, ông Long cho hay, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn một số nước, nhưng cũng cao hơn rất nhiều nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, trong đó cao hơn cả Mỹ. Khi nói đến sự cao thấp của giá xăng dầu cũng cần so sánh với thu nhập bình quân đầu người.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng tăng cao lại “cõng” thêm thuế BVMT: Chỉ thiệt người dùng!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.