Thứ sáu, 29/03/2024 02:45 (GMT+7)

'Giấc mơ' mua xe ôtô giá rẻ của người Việt khó thành hiện thực

MTĐT -  Thứ ba, 09/01/2018 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Tài chính đề nghị sẽ không có thêm ưu đãi riêng cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện “made in Việt Nam”, bên cạnh đó các chuyên gia dự đoán, người mua cũng khó mà mua xe nhập khẩu giá rẻ.

Theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính đang tính toán các phương án liên quan đến việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô.

Tại Khoản 1 Điều 6 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Nhưng theo Bộ Công Thương, quy định trên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Giá xe nội địa khó mà giảm giá.

Vì vậy, ngày 28/4/2017, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó, có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng). Điều này nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án liên quan giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô.

Phương án 1: Giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).

Phương án 2: Thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương, theo đó, giá tính thuế tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Nếu thực hiện theo phương án này, giá ô tô do các nhà máy trong nước sản xuất sẽ có cơ hội giảm giá càng nhiều nếu tỷ lệ linh kiện “made in Việt Nam” càng lớn.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, phương án này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT.

Do đó, nếu thực hiện theo phương án của Bộ Công Thương đề xuất thì sẽ tạo ra phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, dẫn đến vi phạm cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1, nghĩa là không có thêm ưu đãi riêng cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện “made in Việt Nam”.

Như vậy, theo như đề nghị của Bộ Tài chính thì cơ hội để ô tô sản xuất trong nước dùng nhiều linh kiện trong nước có cơ hội giảm giá là rất mong manh. Và việc người mua kỳ vọng giá xe ô tô nội địa giá rẻ khó mà thành hiện thực.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, sang năm 2018, xe nhập khẩu sẽ khó mà cạnh tranh được với xe lắp ráp. Nhưng nếu như theo đề nghị trên đây của Bộ Tài chính thì điều đó khó mà thành hiện thực.

Các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá xe rắp ráp trong nước cũng khó mà giảm giá. Một giám đốc trong ngành lấy ví dụ, giá xe 2017 ở mức 1 tỷ, không có cơ sở để giảm. Tuy vậy, vì khách hàng chờ đợi, doanh số giảm sút nên buộc hãng phải giảm xuống 900 triệu, chấp nhận lỗ hoặc không có lãi. Sang 2018, khi có những ưu đãi về thuế, là lúc hãng có thể giảm 100 triệu như 2017 mà vẫn đảm bảo lợi nhuận kinh doanh. Bởi vậy, giá xe vẫn chỉ loanh quanh 900 triệu, khó lòng giảm thêm.

Giá xe lắp ráp có cơ sở để ngày càng giảm nếu nâng cao được tỷ lệ giá trị tạo ra trong nước, nhưng đó là câu chuyện dài vì cần một vài năm để tạo dựng, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp nội địa đảm bảo chất lượng, chưa thể xảy ra ngay vào 2018.

Ở chiều ngược lại, kể từ 1/1/2018, đối với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN có thể giảm tới 20% giá nếu thuế nhập về 0% so với 30% hiện tại, nhưng để giảm được giá, các hãng phải nhập được xe về, vượt qua hết những rào cản ở Nghị định 116/2017 được cho là gây nhiều khó khăn cho các hãng nhập khẩu.

Xe nhập khẩu gặp nhiều rào cản bởi Nghị định 116.

Các thương hiệu ô tô nhập khẩu từ ASEAN được người tiêu dùng trông đợi như Ford, Toyota và Honda, nhưng hiện đại diện các hãng này cũng rất mơ hồ về thời điểm khi nào mới có xe về thị trường Việt Nam.

Như vậy, thị trường 2018 là nơi chứng kiến cuộc phân tranh khắc nghiệt hơn bao giờ hết giữa xe nhập khẩu và lắp ráp. Trận chiến này buộc các hãng phải cân đối tiềm lực, chiến lược sản phẩm sao cho phù hợp nhất.

Tuy vậy, điều mà người tiêu dùng kỳ vọng sang năm 2018 này cả giá xe nhập khẩu lẫn xe nội địa sẽ có bứt phá ngoạn mục về giá cả, nhưng thực tế đến nay vẫn khó lòng giảm quá sâu bởi ôtô vẫn là mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng đồng thời không thể để thất thu ngân sách.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Giấc mơ' mua xe ôtô giá rẻ của người Việt khó thành hiện thực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.