Thứ năm, 25/04/2024 15:56 (GMT+7)

Giải bài toán rác thải sinh hoạt ở Hà Nội: Bài 2: Những bất cập, tồn tại cần tháo gỡ

MTĐT -  Thứ ba, 22/02/2022 14:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguyên nhân của sự cố tồn đọng rác thải ở Hà Nội có nhiều, như việc quy hoạch thiếu đồng bộ, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân trong quá trình xả thải rác chưa cao...

Bất cập của hạ tầng và cơ chế

Theo quy hoạch của TP Hà Nội, trong hai khu xử lý rác thải lớn nhất hiện nay (Nam Sơn và Xuân Sơn) thì Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có quy mô 157ha, kế hoạch đến năm 2030 mở rộng 257ha và đến năm 2050 là 280ha.

Đơn vị này được giao nhiệm vụ thu gom, xử lý rác của 12 quận nội thành và một số huyện, như: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (đầu năm 2022), việc mở rộng khu xử lý rác thải chưa được triển khai theo kế hoạch vì một phần diện tích đất chưa được bàn giao.

Cuối tháng 1-2022, khảo sát tại đây, chúng tôi nhận thấy, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đang quá tải. Các điều kiện hoạt động chưa bảo đảm sự đồng bộ do công tác xây dựng chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc chi nhánh Nam Sơn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cho biết: "Khu vực đổ rác bổ sung tại phần mặt gần như không còn khả năng chứa thêm rác. Đường vận chuyển duy nhất xuống cấp trầm trọng, thường xuyên hư hỏng. Trong khi đó, việc tiếp nhận rác vẫn phải diễn ra hằng ngày, không có thời gian dừng nghỉ để duy tu...".

tm-img-alt
Nhiều điểm tập kết rác được bố trí ngay ở ngõ phố gây mất mỹ quan đô thị.

Thực trạng trên khiến kế hoạch vận hành của khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội không ổn định. Kế hoạch phải thay đổi từng ngày cho phù hợp với tình trạng của các bãi chôn lấp và lượng rác đưa về. Từ đây, nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trong quá trình vận hành luôn rình rập, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý.

Đáng nói là việc vận hành khu xử lý rác này đang buộc phải thực hiện theo kiểu vừa làm vừa chờ cơ chế. Điều này được đại diện Ban quản lý Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn lý giải là do kế hoạch tổng thể của năm dự kiến chia sẻ sản lượng xử lý rác cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Vì thế, việc xử lý chôn, lấp rác tại đây không được đầu tư, mở rộng thêm. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn còn một số hạng mục đang được hoàn thiện. Đây lại là nhà máy có công suất vận hành tổng thể dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày (chiếm 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội).

Chính vì chưa được "chia lửa" từ Nhà máy điện rác Sóc Sơn so với kế hoạch ban đầu nên việc vận hành của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện đã vượt công suất. Riêng năm 2021, kế hoạch được giao xử lý 704.000 tấn rác.

Thế nhưng, đến cuối tháng 12-2021, tổng lượng rác thải được xử lý trong năm đã vượt 2,56 lần, lên đến 1,695 triệu tấn. Trong khi đó, cơ chế đầu tư, cơ sở hạ tầng, kinh phí cho việc vận hành chưa được bổ sung, tháo gỡ...

Không chỉ có việc xử lý rác thải, khảo sát trên nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội, thực trạng quy hoạch các khu vực tập kết rác ban đầu cũng thiếu đồng bộ. Có địa điểm rác được tập kết ngay công trình công cộng; có nơi các xe đựng rác lại bố trí dưới lòng đường, gây ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông...

Ý thức một bộ phận người dân chưa cao

Không chỉ vấn đề cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, điều rất quan trọng nằm ở ý thức chấp hành và sự chung tay của người dân.

Đã có nhiều chế tài, hành lang pháp lý được ban hành. Cụ thể như, quy định mức xử phạt các hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; hay theo khoản 2, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật...

tm-img-alt
Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chưa "về đích" đúng tiến độ.

Thế nhưng, thực tế đáng buồn là các chế tài này dường như chưa được các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện. Vậy nên, chưa thực sự đủ sức răn đe đối với nhiều người.

Tại quận Thanh Xuân, nơi có mật độ dân cư đông, nhiều khu tập thể, nhà máy, xí nghiệp, các khu nhà trọ nên khối lượng rác thải hằng ngày rất lớn. Lực lượng công nhân vệ sinh rất vất vả trong việc thu gom.

Anh Nguyễn Ngọc Bảo, nhân viên vệ sinh môi trường thuộc tổ 5, Hợp tác xã Thành Công cho biết: “Đơn vị chúng tôi phụ trách thu gom rác tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Khối lượng rác hằng ngày rất lớn nhưng cơ bản người dân đều tự giác thực hiện quy định, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Chỉ có riêng vấn đề phân loại rác thải thì hầu như chưa gia đình nào làm được”.

Cũng theo anh Bảo, nếu người dân đều có ý thức tốt, phân loại rác từ gia đình thì sẽ đỡ được rất nhiều thời gian, công sức cho nhân viên vệ sinh và giảm được chi phí cho việc xử lý rác thải...

Qua chia sẻ của nhân viên thu gom rác, chúng tôi được biết, thậm chí có người dân còn tỏ ra bất hợp tác trong vấn đề phân loại rác thải. Dù khu vực tập kết rác đã để các xe phân loại nhưng người dân mang rác đến vẫn tiện đâu bỏ đó, ít người chú ý đến việc phải bỏ đúng loại rác vào từng thùng. Khi được nhắc nhở, có người còn phản ứng không đúng mực với nhân viên vệ sinh.

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán rác thải sinh hoạt ở Hà Nội: Bài 2: Những bất cập, tồn tại cần tháo gỡ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo QĐND

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.