Thứ ba, 23/04/2024 17:25 (GMT+7)

Giải bài toán song hành kinh tế và môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 26/08/2020 15:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 900 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%.

Sức ép từ ô nhiễm nguồn rác thải

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 900 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%. Một số địa phương phát sinh nguồn thải lớn như thị xã Từ Sơn 150 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du hơn 100 tấn/ngày đêm, Yên Phong 150 tấn/ngày đêm… Đây là sức ép lớn đối với tỉnh bởi phát sinh rác thải gia tăng nhanh trong khi năng lực xử lý chưa đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng rác tồn đọng ở nhiều khu vực, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Ống khói được xây dựng tại làng nghề Đại Bái nhưng chưa đạt chuẩn.


Là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường do công nghiệp phát triển mạnh, dân số cơ học tăng nhanh nên lượng rác thải phát sinh hàng ngày tại huyện Yên Phong thường trong tình trạng khó kiểm soát. Hiện huyện chưa xây dựng được khu xử lý rác thải tập trung, mới có 2 lò đốt rác công suất nhỏ, chỉ xử lý được khoảng 60 tấn/150 tấn rác phát sinh hàng ngày, khiến nhiều địa phương trong huyện luôn trong tình trạng “rác chồng rác”. Ông Phạm Đức Định, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Hiện nay, các điểm tập kết rác đều đã chật cứng. Lượng rác này mới chỉ dừng lại ở việc thu gom, đánh đống, phun chế phẩm, làm xẹp và khử mùi tạm thời. Trong khi đó, một bộ phận người dân thiếu ý thức, thường đổ trộm rác ven đường giao thông, các khu đất trống, ao hồ, kênh mương… rất khó khăn cho công tác quản lý, xử lý...”.
Trước tình trạng này, Bắc Ninh đã xây dựng chiến lược hành động vì môi trường sạch, trong đó đặt ra mục tiêu tập trung giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, nhất là quyết tâm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Một loạt các cơ chế, chính sách và giải pháp hiệu quả được ban hành và triển khai nhằm giải quyết tình trạng gia tăng rác thải sinh hoạt như: Đầu tư xây dựng các điểm tập kết, các khu xử ý rác thải; thành lập các tổ, đội thu gom; xã hội hóa đầu tư các lò đốt rác; khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn… Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để khắc phục và dần đi đến giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện 550 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại các thôn; 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, gồm 826 tổ. Có 8 đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số hơn 30 xe chuyên dụng. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt hơn 90%. Tỉnh cũng đã thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 3 khu xử lý rác thải tập trung và 7 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 dự án xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng và các lò đốt rác công suất nhỏ tại các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.
Với những kết quả bước đầu, trong năm 2020 tỉnh quyết tâm thực hiện:100% các điểm tập kết rác thải hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường; khởi công xây dựng khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện Lương Tài, Thuận Thành; 100% các xã, phường, thị trấn ở huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn xây dựng lò đốt công suất nhỏ; 100% lượng rác thải sinh hoạt, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật phát sinh được thu gom, xử lý; 100% các xã có phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương, làm sạch đường làng, ngõ xóm hiệu quả; 100% các trường học có nhà vệ sinh bảo đảm theo chuẩn Quốc gia và có khu vực tập kết rác thải vệ sinh môi trường...

Gian nan giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề
Bắc Ninh tự hào là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Thực tế việc phát triển làng nghề đã giúp nâng cao đời sống, từng bước đô thị hóa nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hầu hết các làng nghề trong tỉnh đều nảy sinh tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí là trầm trọng do bất cập giữa quy mô phát triển và sự chậm đổi mới về công nghệ, nguồn lực đầu tư thấp nên chưa chú trọng đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường… Một số làng nghề đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong thời gian dài.

Các địa phương trong tỉnh đã phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ thu gom rác thải sinh hoạt.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình) là điển hình về ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Từ quy mô làng nghề cũ sau phát triển mở rộng và được quy hoạch, xây dựng CCN làng nghề… nhưng tình trạng ô nhiễm khói bụi, khí thải, chất thải, nước thải, tiếng ồn vẫn tiếp tục gia tăng. Trung bình mỗi ngày, làng nghề có khoảng 7 tấn chất thải rắn phát sinh, trong đó mới xử lý được khoảng 3 tấn, số còn lại vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của xã rộng khoảng 8.000 m2, chưa được xử lý, trong đó có cả chất thải nguy hại từ xỉ than, bã nhôm… Nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất phát sinh khoảng gần 100 m3/ngày cũng chưa qua xử lý, vẫn đấu nối chung vào hệ thống thoát nước của địa phương. Trong khi đó, hơn 200 lò đúc đồng, nhôm hút qua hệ thống ống khói cao từ 7m-12m chưa đạt chuẩn, gây ảnh hưởng đến môi trường không khí. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái băn khoăn: Bài toán giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề thực sự gian nan. Hy vọng dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái được UBND tỉnh phê duyệt gồm các hạng mục: Xây dựng hai khu xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt; hệ thống xử lý rác thải sản xuất và sinh hoạt nhanh chóng được triển khai xây dựng mới có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề nổi tiếng trong tỉnh như tại nghề tái chế ở xã Văn Môn (Yên Phong); sản xuất giấy ở Phong Khê, bún ở Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); sản xuất sắt thép ở Châu Khê (thị xã Từ Sơn)… Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, vấn đề nan giải nhất đối với các làng nghề hiện nay là chất lượng môi trường không khí, nước và chất thải độc hại. Các số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy cho thấy: Nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hoá chất…) cao hơn mức cho phép đối với khu dân cư nhiều lần. Điển hình tại làng nghề Phong Khê, kết quả phân tích các mẫu không khí, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 2,05 - 2,14 lần, hàm lượng SO2 vượt từ 1,38 - 1,39 lần; tại làng nghề Châu Khê, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 1,8 - 1,9 lần, hàm lượng SO2 vượt từ 1,4 - 2 lần… Về môi trường nước, ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng, các mẫu nước mặt, nước thải, nước ngầm tại các làng nghề đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, có những mẫu vượt quy chuẩn cho phép hàng chục lần và cơ bản không được xử lý, thải thẳng vào hệ thống thuỷ nông. Chất thải nguy hại cũng rất đáng lo ngại, hiện vẫn đang thu gom cùng với chất thải sinh hoạt. Một số làng nghề, người dân còn đổ thải bừa bãi, hoặc đốt cháy tự nhiên, khiến ô nhiễm càng thêm nghiêm trọng…
Để giải quyết bài toán này, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn từng làng nghề và được triển khai theo lộ trình, với bước đi thận trọng nhằm giải quyết hài hòa giữa mục tiêu khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống với bảo đảm môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Trọng tâm là việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng các CCN làng nghề để đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong các CCN làng nghề; Khuyến khích các cơ sở làng nghề đổi mới công nghệ, đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường… Đến nay, tỉnh đã và đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với các HTX luyện kim loại màu tại làng nghề Văn Môn (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình), Châu Khê (thị xã Từ Sơn)... Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các làng nghề sẽ có kế hoạch di dời và xử lý triệt để. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động về BVMT đến các hộ sản xuất kinh doanh và người dân làng nghề. Từ đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án BVMT làng nghề như thành lập tổ tự quản về BVMT, xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề... Xây dựng kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, khuyến khích đầu tư công nghệ sạch, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT… nhằm thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, 100% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh được xử lý triệt để; các làng nghề phát triển hài hòa, bền vững.
Dù là cấp bách hay lâu dài thì việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và sản xuất của các làng nghề cũng như giải quyết tình trạng chung về ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành và sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân trong tỉnh.

Theo Nguyên Phương- Hoài Anh/Báo Bắc Ninh

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán song hành kinh tế và môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới