Thứ ba, 19/03/2024 13:05 (GMT+7)

Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển đô thị vệ tinh sẽ được chú trọng ra sao?

MTĐT -  Thứ ba, 07/12/2021 16:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong giai đoạn 2021 - 2030, phát triển đô thị vệ tinh được xác định là một trong những đột phá chiến lược của Thủ đô Hà Nội.

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển theo mô hình chùm đô thị

Theo đó, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Đây lần lượt là các đô thị cửa ngõ phía tây, tây bắc, tây nam, nam và bắc của Thủ đô Hà Nội; có chức năng và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

Trong đó, Hòa Lạc là đô thị vệ tinh có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Các cơ sở được đầu tư trọng tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ gồm trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân. Hòa Lạc gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên đại lộ Thăng long và trục Hồ Tây - Ba Vì.

Về Sơn Tây, đây sẽ là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Trọng tâm đô thị Sơn Tây là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm. Ngoài ra, phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới. Đô thị vệ tinh gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng trên quốc lộ 32 và đường Tây Thăng Long.

Xuân Mai là đô thị vệ tinh về dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng... Kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và nam quốc lộ 6.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây cũ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề… kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A.

tm-img-alt
Phối cảnh quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn. (Ảnh chụp sa bàn: Hoàng Huy).

Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Sóc Sơn kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài.

Sau 10 năm triển khai quy hoạch chung, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là tại khu vực đô thị trung tâm. Theo nội dung báo cáo đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực, cảnh quan được nâng cao. Một số khu đô thị lớn đã được hình thành, hoàn chỉnh. Một số đơn vị cấp huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Hệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, dần hoàn thiện…

Trong khi đó, 5 đô thị vệ tinh vẫn chưa có sự chuyển mình rõ rệt. Thậm chí, đến nay, các đồ án quy hoạch phân khu của các đô thị vệ tinh vẫn chưa hoàn tất.

Giai đoạn 2021 - 2023 hứa hẹn sẽ là thập kỷ của đô thị vệ tinh với nhiều kế hoạch, mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tập trung tại các khu vực này.

Trong báo cáo gửi Chính phủ hồi cuối năm ngoái về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến việc phát triển đô thị vệ tinh.

Trong đó nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Các vấn đề về hạ tầng đô thị sẽ được tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ như hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe, các công trình, đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 22/02/2012 cũng có định hướng một trong các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển các đô thị vệ tinh để tạo không gian phát triển mới và giảm áp lực cho đô thị trung tâm.

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, mục tiêu xây dựng mạng lưới đường đô thị

Trong lĩnh vực hạ tầng, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được ban hành ngày 31/3/2016, đến năm 2030 sẽ thực hiện nhiều dự án hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới đường đô thị.

Cụ thể, Hà Nội sẽ xây mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài khoảng 90 km; quy mô mặt cắt ngang 40 - 60 m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới. Bao gồm: Trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài 20 km; trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài 25 km; trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 20 km và trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25 km. Theo quy hoạch, trừ trục Hồ Tây - Ba Vì được thực hiện sau giai đoạn 2020, các trục còn lại đều thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2030.

tm-img-alt
Phối cảnh quy hoạch đô thị vệ tinh Xuân Mai. (Ảnh chụp sa bàn: Hoàng Huy).

Nhiều đường cao tốc đô thị, đường trục chính, đường trục, đường liên khu vực tại các khu đô thị vệ tinh cũng nằm trong danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2016 - 2030.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2030, các đô thị vệ tinh tập trung đầu tư các dự án liên khu vực. Hòa Lạc đầu tư 11 dự án đường liên khu vực, từ đường liên khu vực HL - LKV1 đến đường liên khu vực HL - LKV11.

Phú Xuyên đầu tư xây dựng 3 tuyến, gồm đường liên khu vực Phú Xuyên 1, đường liên khu vực Phú Xuyên 2 và đường liên khu vực Phú Xuyên 3. Sóc Sơn cũng có 9 dự án đường liên khu vực Sóc Sơn 1 đến 9. Sơn Tây và Xuân Mai mỗi đô thị có 4 đường liên khu vực.

Theo quy hoạch, thành phố cũng sẽ xây mới, kéo dài các tuyến đường sắt kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh để đảm bảo khả năng di chuyển thuận tiện và nhanh chóng. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2030, triển khai tuyến số 5 đoạn từ Vành đai 4 đến Hòa Lạc dài 26 km. Bên cạnh đó, tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (tuyến đường sắt đô thị kết nối các khu đô thị vệ tinh) khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh.

Giai đoạn 2020 - 2030, Hà Nội cũng sẽ xây dựng 5 bến xe tải tương ứng với 5 đô thị vệ tinh, 8 bến xe khách gồm bến xe khách ga Phú Xuyên, bến xe khách Xuân Mai, bến xe Nam Hòa Lạc, bến xe bắc Hòa Lạc, bến xe Sơn Tây, bến xe Sơn Tây 2, bến xe Nam Sóc Sơn, bến xe Bắc Sóc Sơn.

Về định hướng phát triển nhà ở tại các đô thị vệ tinh, theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người.

Các khu, cụm đại học sẽ được xây dựng mới tại các khu đô thị vệ tinh để phục vụ cho việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, di dời hoặc xây dựng cơ sở 2.

Tại Sóc Sơn sẽ quy hoạch khoảng 600 - 650 ha cho 8 - 10 vạn sinh viên; Sơn Tây khoảng 300 - 350 ha cho 4 - 5 vạn sinh viên, Hòa Lạc khoảng 1.000 - 1.200 ha dành cho 12 - 15 vạn sinh viên; Xuân Mai khoảng 600 - 650 ha cho 8 - 10 vạn sinh viên và Phú Xuyên khoảng 100 - 120 ha cho 1,5 - 2 vạn sinh viên.

Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở thứ hai cho các bệnh viện sẽ được triển khại tại TP Hòa Lạc (khoảng 200 ha), Sóc Sơn (khoảng 80 - 100 ha), Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha).

Kèm theo đó là các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… đồng bộ, hiện đại và các tuyến, trục phố thương mại cũng sẽ được xây mới tại các đô thị này.

Tuệ Lâm (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển đô thị vệ tinh sẽ được chú trọng ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới