Thứ tư, 17/04/2024 03:12 (GMT+7)

Giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 22/06/2022 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm TP, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt nhằm đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Áp lực quá tải nội đô

Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định giảm dân số khu vực 4 quận nội đô lịch sử từ 1,2 xuống còn 0,8 triệu dân. Cùng với đó định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm 1 đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Các đô thị vệ tinh này kết nối với đô thị lõi trung tâm bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô và quốc gia.

Theo các chuyên gia quy hoạch, về lý thuyết khi thực hiện tốt cấu trúc chùm đô thị sẽ giải quyết được bài toán về phân bố dân cư, giảm áp lực cho nội thành. Và cũng từ đó giải quyết được nhiều vấn đề đô thị bức xúc tại khu vực trung tâm như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Những chức năng đang bị dồn nén quá mức như: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế… được phân bớt hoặc chuyển hẳn vào các đô thị vệ tinh, tạo nên những trung tâm mới sẽ đảm bảo cho đô thị trung tâm được giảm tải căn bản.

Giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm Hà Nội
Một góc đô thị trung tâm TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Tuy nhiên trên thực tế, đến nay sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vẫn có nhiều mục tiêu và định hướng lớn chưa thực hiện được, như chưa tổ chức sắp xếp lại trung tâm nội đô lịch sử với kế hoạch giảm dân số, chống ách tắc giao thông, di chuyển các cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô lịch sử. Đặc biệt, các đô thị vệ tinh vẫn chưa được hình thành cả về mặt đầu tư xây dựng lẫn tổ chức đơn vị hành chính nhằm tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội triển khai xây dựng đồng bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp khoảng gần 1,4 triệu người (chiếm 15% tổng dân số Thủ đô 9,2 triệu vào 2030), giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật vào đô thị trung tâm nhất là nội đô lịch sử.

Tuy vậy, thời gian qua việc triển khai đô thị vệ tinh còn chậm do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Do đó, để thực hiện định hướng từ quy hoạch chung đã duyệt đang là áp lực trong giai đoạn tới.

Đồng bộ các chính sách giải nén

Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh" do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau 10 triển khai Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đều đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND TP phê duyệt, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quy hoạch Thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức. Trong đó, nhiều chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế, chồng chéo, chưa phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển thực tiễn. Xu thế tự nhiên phát triển nén, di dân các tỉnh vào nội đô (trường đại học, bệnh viện, cơ quan T.Ư, các bộ ban, ngành,... tập trung nhiều). Đặc biệt, việc quản lý dân số gặp nhiều khó khăn do quy định công dân có quyền tự do cư trú theo Luật Cư trú.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị, để đưa Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP Hà Nội đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, cùng với việc tiếp tục đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó, xây dựng đồng bộ, đủ quy mô để hình thành đô thị mới hấp dẫn, có điều kiện cạnh tranh, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc, góp phần giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể hiện đại và hiệu quả. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, tạo sức hút ngoài khu vực trung tâm đô thị.

Song hành với việc hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển TP trực thuộc Thủ đô, Hà Nội cũng tập trung phát triển các huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025, có từ 3 - 5 huyện phát triển thành quận.

"Nội dung giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh là nhiệm vụ quan trọng của TP được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để thực hiện cần đồng bộ về chính sách nhằm hạn chế di dân vào nội đô, đồng thời tập trung đầu tư phát triển khu vực đô thị mở rộng, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân. Việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô là trách nhiệm không chỉ riêng TP Hà Nội mà cũng là sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp, giám sát của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo KTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.