Thứ năm, 28/03/2024 19:17 (GMT+7)

Giải pháp công nghệ nào phù hợp trong xử lý rác thải Việt Nam

MTĐT -  Thứ bảy, 17/08/2019 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xử lý rác thải đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu trong những thách thức về môi trường mà Việt Nam gặp phải.

Vì vậy, Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, cùng chính quyền các địa phương đang gấp rút tìm cho được một giải pháp công nghệ phù hợp với đặc điểm của rác thải Việt Nam  không phân loại từ đầu nguồn.

Khu liên hợp sử dụng công nghệ xử lý chất thải khép kín, tận dụng rác thải làm phân bón, tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất
100 tấn mỗi ngày

Theo báo cáo của Hiệp hội Môi trường và Đô thị Việt Nam ,hàng năm, cả nước phải tiếp nhận một khối lượng chất thải rắn lên tới trên 38 triệu tấn. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm. Mặc dù, ngân sách Trung ương và địa phương đã dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để quản lý và xử lý thế nhưng, kết quả thu được chưa tương xứng với chi phí, nguồn lực đã bỏ ra. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp.

Một số công nghệ xử lý rác

Trên thế giới,hiện nay, rác thải được xử lý theo một số phương pháp: 

Thứ nhất, chôn lấp không hợp vệ sinh, đổ thẳng ra môi trường, không xây lót chống thấm, không tường bao, thu gom xử lý nước rác. Công nghệ này phổ biến ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. 

Thứ hai, chôn lấp hợp vệ sinh, có đệm lót chống thấm, tường bao, hệ thống thu gom xử lý nước rác, thu khí mê-tan để phát điện, chỉ chôn lấp những thứ còn lại sau phân loại làm tái chế, tái sử dụng, làm phân compost. Mô hình này khá phổ biến ở Mỹ và Canada.

Thứ ba,  rác thải được đưa vào lò đốt sinh khối phân hủy thành tro. Do rác thải của Việt Nam có rất nhiều nhựa và nylon nên việc áp dụng công nghệ này sẽ phát thải khí độc đặc biệt nguy hiểm là dioxin và furan (đây chính là chất độc màu da cam). Hai loại chất này phát tán ra môi trường trong điều kiện nhiệt trên 500oC, khi đến 1.200oC hai loại khí này sẽ không còn nhưng với điều kiện khí phát ra ở đầu ống khói phải dưới 70oC. Còn nếu không đạt được nhiệt độ này trong 5 giây, hai chất này sẽ tái tổ hợp lại và tồn tại vĩnh cửu trong không khí. Tuy vậy, thường ở Việt Nam, nhiệt độ lò không đạt đến 1.200oC, mặt khác, khi đốt sinh khối không thể kiểm soát khí thải, chỉ có thể xử lý khí thải sau khi đã đốt.

Thứ tư, đốt sinh khối phát điện. Hiện, công nghệ này được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp. Công nghệ này rất phổ biến ở Châu Âu (có hơn 400 nhà máy điện rác) và các nước Đông Á. Ở Đan Mạch 100% rác được đốt và thu hồi năng lượng. Nhiệt được sản xuất từ lò đốt được sử dụng để tạo ra hơi nước, mà sau đó, dùng chạy tua bin để sản xuất điện... Nhật Bản có 304 nhà máy, với tổng công suất phát điện 1.673 MWh/năm. Ở Singapore có khoảng 7.000 tấn rác được đưa vào 4 nhà máy đốt rác thải phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore. Đây bản chất là nhà máy điện than, song đốt rác còn nguy hại hơn đốt than. Trên thực tế, 90 - 95% năng lượng điện sản xuất được sử dụng cho các hoạt động của nhà máy, chỉ 5 - 10% phát lên lưới nên hiệu quả và tính khả thi không cao.

Thứ năm, là công nghệ khí hóa Plasma, ở nhiệt độ rất cao, có khả năng làm sạch khí phát thải tốt hơn, nhưng lại rất hao tốn năng lượng nên giá thành rất cao, ngay cả các nước phương tây cũng chỉ dùng cho việc xử lý rác thải độc hại. Các nước nghèo thường không có khả năng áp dụng công nghệ này

Vì sao áp dụng không hiệu quả?

Trong các phương pháp trên hiện có 2 phương pháp được các nước phát triển trên thế giới sử dụng là chôn lấp hợp vệ sinh (tận dụng khí thải mê-tan từ bãi chôn lấp để phát điện) và đốt sinh khối để phát điện (gọi là điện rác). Cả hai phương pháp này đều yêu cầu bắt buộc là rác đầu vào phải được phân loại từ đầu nguồn theo các mục đích tái chế, tái sử dụng. Các nước phát triển áp dụng hai phương pháp trên khá thành công do họ ý thức phân loại rác đã hình thành từ lâu.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam làm chủ đầu tư với trị giá gần 1.200 tỷ đồng, được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư trên diện tích 8ha thuộc địa phận xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Tại Việt Nam, các nhà máy xử lý rác áp dụng 2 phương pháp đến nay hầu hết tất cả các nhà máy đó đều thất bại, hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động nhưng không đạt tiêu chuẩn. Đơn cử như Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Năm 2017, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động. 

Tuy nhiên, đến nay, lượng tro bay đã gần đầy kho chứa, hệ lụy do công nghệ này đang khiến thành phố và nhà máy phải tìm phương án để giải quyết. 

Theo ông Heinrich Seul, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Toàn Cầu CBE (Thái Lan) ,với kinh nghiệm 30 năm tư vấn cho các dự án xử lý rác trên toàn thế giới đã khẳng định, rác thải sinh hoạt của Việt Nam không thể đốt được theo phương pháp đốt sinh khối truyền thống do đặc điểm hỗn tạp và độ ẩm cao. Lượng rác đốt được chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng nhiên liệu đầu vào (chủ yếu là than) để có thể sản xuất ra cái gọi là “điện rác” (giá điện rác được EVN mua lại với giá cao gấp đôi điện than).

Cùng chung hoàn cảnh là Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên của Hà Nội (Nhà máy Nedo), được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trên diện tích 16.809m2, với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng. Đây được đánh giá là dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa từng có tại Việt Nam và khu vực. 

Tuy nhiên, nhà máy cũng chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại/ngày và tạo ra 1.930kW điện, rất khiêm tốn so với tổng lượng rác phát sinh và những tháng gần đây Nhà máy này đã không thể phát điện. Không tính chi phí hoạt động và nếu chỉ có nguồn thu từ phí xử lý rác, dự án này sẽ mất gần 30 năm để hoàn vốn…

Đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thu hồi khí mêtan, điển hình phải kể đến dự án Nhà máy rác Đa Phước tại TP.HCM. Theo thiết kế và theo cam kết trong hợp đồng, đây là nhà máy phân loại, tái chế, làm phân bón compost và tận dụng khí mê-tan thải từ bãi chôn lấp để phát điện. Sau chục năm, đến nay, không có 1 kg phân compost nào, không 1Kw điện nào được sản xuất tại nhà máy. Tương tự, một loạt các nhà máy ở Hà Nam, Thừa Thiên - Huế sử dụng công nghệ này nhưng đến nay chỉ là những bãi chôn lấp nhếch nhác, bừa bãi, đốt thiêu hủy ống khói khói đen ngụt trời.

Điều đáng quan tâm, các công nghệ này vào Việt Nam sở dĩ không đạt hiệu quả như mong muốn là do rác chưa được phân loại. Ở các nước, họ có 3, thậm chí là 5 thùng rác để người dân phân loại. Do đó, nhựa và nylon sẽ được lọc riêng để tái chế và họ chỉ chôn lấp hoặc đốt các loại rác còn lại.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp./.

Tùng Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp công nghệ nào phù hợp trong xử lý rác thải Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.