Thứ sáu, 29/03/2024 02:48 (GMT+7)

Giải pháp mới cho “Trường Sa xanh”

MTĐT -  Thứ ba, 11/07/2017 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, các nhà khoa học Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã triển khai dự án “Giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh, cho biển đảo Tổ quốc”.

Dự án này sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên các đảo, tiến tới xây dựng môi trường ổn định hệ môi trường xanh tại quần đảo Trường Sa.

Hiến kế cho “Trường Sa xanh”

“Được đến Trường Sa, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở những hòn đảo tiền tiêu là ước mơ của tôi từ rất lâu. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho chương trình xử lý môi trường biển đảo với các chế phẩm diệt khuẩn của Trung tâm Vật liệu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội”- Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới chia sẻ.

Các chế phẩm mới giúp ích nhiều cho công việc tăng gia của chiến sĩ Trường Sa (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2016” kêu gọi tuổi trẻ và nhân dân cả nước hiến kế các giải pháp kỹ thuật để chế tạo các thiết bị lọc nước và giải pháp môi trường hỗ trợ đời sống cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1.Tham gia hành trình này, kỹ sư Bùi Công Khê và các cộng sự đã giới thiệu hai chế phẩm: Medipag-20 và Bioaktiv- Eco tại đảo nổi Trường Sa Đông và đảo chìm Đá Tây.

Theo kỹ sư Bùi Công Khê, nguyên nhân gây ô nhiễm tại quần đảo Trường Sa là do nhiều yếu tố, như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước ngọt khan hiếm, diện tích đảo chật hẹp, tập trung đông người, công tác tăng gia, chăn nuôi ngày càng phát triển. Chính vì thế, việc ứng dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường dựa trên hoạt tính sinh học cao, an toàn tuyệt đối, không độc, không mùi đặc trưng chất sát trùng diệt khuẩn sẽ góp phần tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, điểm đảo.

Chế phẩm được sử dụng là dung dịch polyme diệt khuẩn AD (Medipag-20)- hoạt chất diệt khuẩn dạng polyme muối cao phân tử từ Polyhexanmethylene Guanidine (PHMG) và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv- Eco là chất phấn đá thiên nhiên CaCo3 96,2 %; các chất khác (Mg CO3, SiO2, Al2O3, Fe2O3, Na2O) 3,8% và nhiều vi lượng khác được chế tạo bằng công nghệ Đức.

Kỹ sư Bùi Công Khê, Chủ nhiệm dự án cho biết, đây là phương pháp tiên tiến, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Nguyên lý của chế phẩm Medipag-20 có cơ chế diệt khuẩn rất cao ở nồng độ thấp, có khả năng hút các vi khuẩn vốn mang điện tích âm từ đó hình thành trên màng tế bào của vi khuẩn một lớp polyme làm ức chế khả năng trao đổi chất, phá hủy tế bào và ngăn cản sự phát triển và hình thành các tế bào mới. Do không có phản ứng hóa học, chế phẩm không hề độc hại, không gây nguy hiểm. Đối với cây trồng, chỉ cần xả xuống đất là có thể chống sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa quả sau thu hoạch, nhúng vào dung dịch rồi để khô là đã được diệt hết vi khuẩn.

Trong khi đó, bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv- Eco kích hoạt tích cực hệ vi khuẩn hao khí phân hủy hữu cơ ngay trong nguồn thải và làm giảm nhanh vi khuẩn yếm khí. Môi trường giàu ôxy sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn yếm khí, cùng với khoáng vi lượng giúp tạo nên môi trường sinh thái bền vững. Bioaktiv-eco còn có tác dụng khử mùi, có thể phun trực tiếp lên bề mặt chuồng trại, vật nuôi, hoặc bổ sung vào thức ăn cho gia súc, gia cầm… là có thể phòng dịch bệnh, khử mùi hôi.

Theo đó, để khử khuẩn cho khu vực ô nhiễm nặng như chuồng trại chăn nuôi, hố thu gom rác thì 1lít Medipag -20 pha với 100 lit nước lạnh dùng bình phun cho khu vực cần khử khuẩn được 500-750 m2 diện tích nhiễm khuẩn, tuần phun từ 2-3 lần. Nếu khử khuẩn nguồn nước thải, đổ trực tiếp chế phẩm Medipag -20 vào dòng thải (1 lít Medipag 20 xử lý 100m3 nước thải). 1kg bột Bioaktiv- Eco hòa 500 lít nước sạch phun vào phần sau vật nuôi, vào chuồng trại, lên bề mặt bãi rác, có tác dụng xử lý chuồng trại chăn nuôi, xử lý ô nhiễm các bãi rác.

Hiệu quả nhiều mặt

Từ ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Hải quân, đầu tháng 5/2017, Trung tâm Vật liệu mới đã lập kế hoạch triển khai thực nghiệm xử lý môi trường Trường Sa (giai đoạn thử nghiệm) và thành lập đoàn công tác cho đợt thực nghiệm này gồm có Trung tâm Vật liệu mới, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Tư lệnh Hải quân để giám sát và đánh giá tại đảo Trường Sa.

Trong thời gian làm việc ở đảo Trường Sa, kỹ sư Bùi Công Khê và cộng sự đã hoàn thiện sơ bộ việc khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tái diễn các điểm chăn nuôi và hố thu gom chất thải trên đảo; xử lý mùi hôi ở các khu chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, phun dịch diệt khuẩn toàn bộ không gian và bề mặt của các đảo, nơi các chiến sỹ sinh hoạt và người dân sinh sống. Kỹ sư Bùi Công Khê cũng đã phổ biến nội dung tập huấn cho hai nhóm công tác và cùng đi khảo sát thực địa, bố trí địa điểm triển khai.

Kết quả bước đầu cho thấy, việc xử lý môi trường bằng hai chế phẩm của Trung tâm Vật liệu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tại Trường Sa Đông và Đá Tây cho thấy, chế phẩm này hoàn toàn phù hợp với các đảo của huyện đảo Trường Sa.

Ông Trần Văn Thuân, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, đoàn công tác cùng hai bộ phận phối hợp của đảo đã tiến hành thực nghiệm dùng bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv Eco và Lacosting phun khử mùi chăn nuôi lợn và gia cầm tại hai địa điểm (đảo Trường Sa Đông và đảo chìm Đá Tây). Ưu điểm của hai chế phẩm này là phun được trực tiếp lên gia súc, gia cầm, không gây (phản ứng da, hô hấp, rối loạn tiêu hóa) và có thể kết hợp cùng số loại thuốc khử trùng có sẵn để sử dụng phòng dịch. Khu chăn nuôi tập trung của hai đảo phun liên tiếp 4 lần với chuồng lợn, một lần với trại gia cầm. Kết quả mùi hôi thối của trại gia cầm mất hẳn khoảng 1 tuần, còn mùi chăn nuôi lợn giảm hẳn mùi trong vòng 24 giờ.

Tại đảo Trường Sa Đông, sau một tháng sử dụng chế phẩm Medipag-20, khu vực chiến đấu 1 đã giảm mùi ẩm mốc tại các hầm hào, công sự và làm sạch, giảm thiểu khí CO2, CO… Ngoài ra, tại khu vực sinh hoạt của Cụm chiến đấu 1, các rãnh nước thải sinh hoạt, khu vực phía ngoài chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng giảm mùi hôi thối, đặc biệt giảm nhiều ruồi muỗi. Sản phẩm xử lý thải thu được trở thành phân bón cho cây trồng trên đảo.

Về lâu dài, việc xử lý môi trường chuồng trại trên các đảo chìm, đảo bé bằng chế phẩm này hơi khó, nhưng đối với các đảo lớn,hiệu quả rất rõ rệt. Sau khi được xử lý, các nguồn thải hữu cơ (rác thải sinh hoạt) và lá cây rụng trên đảo thành nguồn mùn hữu cơ phủ trên nền đảo để trồng cây xanh hoặc vườn rau tạo môi trường sinh thái bền vững cho các đảo. Các chế phẩm này cũng là một trong những kết quả của Chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016 – 2018 do Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân phát động. Sau khi sử dụng tại hai đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nếu đạt kết quả tốt, Quân chủng Hải quân sẽ lựa chọn chế phẩm để áp dụng tại các đảo, điểm đảo khác.

“Trong thời gian tới, nếu dự án được tiếp tục triển khai sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên các đảo tại quần đảo Trường Sa; góp phần cải thiện sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên đảo, bảo vệ sức khỏe của chiến sỹ người dân sống trên đảo. Trung tâm Vật liệu mới cũng sẽ thống nhất với chỉ huy tàu Trường Sa 12 lắp đặt hệ thống máy lọc nước biển ra nước ngọt vào kế hoạch tới và thử nghiệm lắp đặt hệ thống phát trường điện từ để bảo quản thực phẩm trên tàu giữ độ tươi cho thực phẩm thay thế bảo quản bằng tủ lạnh.” kỹ sư Bùi Công Khê chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp mới cho “Trường Sa xanh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.