Thứ sáu, 19/04/2024 15:33 (GMT+7)

Giải pháp nào cho không gian xanh tại KTT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

MTĐT -  Thứ hai, 03/06/2019 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ trương của Thành phố Hà Nội là tiến hành cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể này thành các khu ở khang trang, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về khu ở đô thị.

1. Đặt vấn đề
Các khu tập thể cũ của thành phố Hà Nội hầu hết được xây dựng trong giai đoạn nền kinh tế tập trung bao cấp, giai đoạn 1980 – 1990. Đến nay các khu tập thể này đã thể hiện nhiều bất cập trong xây dựng, trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch. Các chung cư cũ xuống cấp, xập xệ, diện tích nhỏ hẹp thiếu tiện nghi, khu vực công cộng thiếu sân chơi, không gian xanh … . Điển hình như các khu tập thể Thanh Xuân, Thành Công, Giảng Võ, Tương Mai …. Chủ trương của Thành phố Hà Nội là tiến hành cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể này thành các khu ở khang trang, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về khu ở đô thị. Tuy nhiên, việc phá bỏ các chung cư cũ, xây dựng các chung cư mới cao tầng, hiện đại đang gặp phải những khó khăn về tài chính, đặc biệt những vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách … Do vậy, biện pháp trước mắt là cải tạo dần, từng bước nâng cao điều kiện tiện nghi cho khu ở. Trong bài báo này tác giả chỉ muốn đi sâu nghiên cứu giải pháp không gian xanh cho khu tập thể Thanh Xuân Bắc làm ví dụ.

2. Vai trò và lợi ích của không gian xanh trong cấu trúc đô thị.
Đến nay, còn nhiều cách hiểu, định nghĩa khác nhau về không gian xanh. Trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa được đưa ra. Mỗi chuyên ngành khác nhau đã đề xuất các định nghĩa khác nhau từ góc độ chuyên môn của họ, chẳng hạn như: không gian xanh đô thị, không gian mở đô thị, hệ thống vườn đô thị, hệ thống vườn sinh thái … Có tác giả cho rằng không gian xanh là những khu đất được bao phủ bởi thảm thực vật tự nhiên hoặc nhân tạo trong khu vực xây dựng và các khu vực quy hoạch. Tác giả khác thì nêu định nghĩa không gian xanh là những khu vực đô thị nơi xảy ra sự chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên hoặc bán tự nhiên thành không gian đô thị dưới các hoạt động của con người. Từ gốc độ quy hoạch cảnh quan và thiết kế đô thị, Ling Zhang (2001) đã định nghĩa không gian xanh gần như là tất cả các khu vực trong thành phố và các khu vực xung quanh nó, cho phép mọi người hòa mình vào với thiên nhiên. Tuy vậy, điều quan trọng hơn mọi người đều thống nhất cho rằng: trong cấu trúc đô thị, không gian xanh là một bộ phận không thể tách rời gắn với đặc điểm văn hóa – xã hội – tự nhiên và trình độ phát triển khác nhau của mỗi vùng, mỗi quốc gia và vào các thời kỳ lịch sử khác nhau. Diện mạo của các không gian xanh (KGX) đô thị cũng rất đa dạng và phong phú tùy thuộc vào tính chất, chức năng của chúng như công viên, cây xanh đường phố, các mảng xanh gắn với không gian mặt nước ….
Vai trò và tầm quan trọng của không gian xanh có tác dụng rất lớn đối với đô thị như làm tăng tính thẩm mỹ, tạo ra sự phong phú về hình khối, mầu sắc cảnh quan đô thị. Nó tác động và ảnh hương trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống bao gồm cả lợi ích sinh thái, lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế. Tạo ra không gian xanh trong đô thị là một cách để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể nêu ra đây một số lợi ích cơ bản của không gian xanh như:
- Lợi ích về sinh thái: lọc khí độc, bụi, ngăn cản tiếng ồn, cải thiện môi trường đô thị, ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro (động đất, cháy rừng, bảo vệ đa dạng sinh học …
- Lợi ích về xã hội: giải trí, thẩm mỹ, mỹ quan, tác động đến tâm lý, giáo dục …
- Lợi ích về kinh tế: lợi ích về kinh tế thường khó nhận biết và khó lượng định một con số cụ thể. Một số sản phẩm hữu hình có thể trực tiếp tạo ra giá thị trường, chẳng hạn các sản phẩm như thuốc, vườn ươm, vườn trái cây… Một phần khác là một số sản phẩm vô hình cũng có thể tạo ra giá thị trường, chẳng hạn như sự gia tăng của giá đất, dịch vụ, đô thị phát thải cac-bon thấp …

3. Thực trạng về không gian xanh của Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, thành phố Hà Nội.
Khu tập thể (KTT) Thanh Xuân Bắc thuộc phường Thanh Xuân Bắc, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Phía Nam giáp phường Thanh Xuân Nam, phía Bắc giáp quận Nam Từ Liêm, phía Tây giáp đường Lương Thế Vinh, phía Đông giáp đường Khuất Duy Tiến. Địa hình địa mạo tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình hàng năm 23,6 độ C.

Sơ đồ ranh giới khu tập thể Thanh Xuân Bắc

KTT Thanh Xuân Bắc được xây dựng từ tập niên 70 thế kỷ 20 theo phương pháp Lắp ghép tấm lớn. Lúc đầu khu đô thị được thiết kế theo hình thức tiểu khu hoàn chỉnh gồm 5 nhóm nhà với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Nhưng trên thực tế chỉ có khu B và khu C được xây dựng toàn bộ bằng nhà lắp ghép tấm lớn, có một số nhà được xây dựng theo các công nghệ khác. Đặc biệt còn có một số nhà ở xen cấy do người dân tự xây dựng trong những năm 90.

 Hình ảnh tiêu biểu về những ngôi nhà chung cư cũ

Kiến trúc cảnh quan của khu vực bị ảnh hưởng do việc lấn chiếm, cơi nới của người dân mà bị thay đổi nhiều. Không gian xanh giữa các tòa nhà cũng bị lấn chiếm, xuống cấp, không còn đảm bảo được chỉ tiêu cây xanh và sân chơi cho trẻ em. Hiện toàn khu vực với diện tích khoảng 30 ha với tổng dân số trên 20.000 người nhưng chỉ có duy nhất một khu công viên vui chơi mini ở trung tâm văn hóa khu nhà E, tuy vậy hình thức khai thác chưa hoàn chỉnh, cơ sở vật chất xuống cấp. Tổng diện tích cây xanh trên toàn khu vực chỉ chiếm 1,2%. Một con số về “không gian xanh” đáng báo động trong khu vực nội đô, đông dân cư với tỉ lệ trẻ em cao. Thành phần dân cư phức tạp đa số là các tiểu thương và người lao động với ý thức chưa cao cũng góp phần “triệt tiêu” các không gian xanh và cây xanh ít ỏi tại KTT Thanh Xuân Bắc.

 Sơ đồ phân khu của KTT Thanh Xuân Bắc


Ngoài việc thiếu quỹ đất để trồng cây xanh, tại các khu dân cư có tình trạng buông lỏng quản lý, do đó trong quá trình sử dụng, không gian công cộng tại khu tập thể bị lấn chiếm. Trước đây, phần lớn các khu nhà tập thể cũ khi xây dựng đều được thiết kế khu vực sân tập thể, bồn hoa, cây xanh để phục vụ cho các hoạt động công cộng. Thực tế cho thấy, các không gian công cộng đều “hô biến” thành chỗ kinh doanh, bãi đỗ xe và các hoạt động khác.
Ngày 11/8/2004, UBND Thành phố có Văn bản 2837/UB-XDĐT giao cho Tổng công ty CP Vinaconex làm Chủ đầu tư, lập quy hoạch điều chỉnh và dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ các công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà nội. Nhưng cho dến nay dự án cải tạo này đã đi vào quên lãng.

4. Giải pháp nào cho không gian xanh
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhình đến năm 2050. Dự án khu tập thể cũ Thanh Xuân Bắc nằm trong Ô đất K5-5 thuộc quy hoạch phân khu H2-2 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6631/QĐ-UBND ngày 02/12/2015 với các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản như sau:
- Dân số: 7.107 người
- Diện tích đất đơn vị ở: 33,12 ha
- Diện tích đất ở xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang: 22,56 ha
- Mật độ xây dựng tối đa: 65%
- Chiều cao tầng tối đa: 26 tầng.
Có thể thấy, trong phương án Quy hoạch Phân khu H2-2 đã được phê duyệt, khu tập thể này sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo mô hình khu đô thị mới bỏ hoàn toàn hệ thống nhà lắp ghép hiện nay. Quy mô dân số tại đây sẽ tăng từ 2 vạn lên khoảng 3,3 vạn người với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 890.000m2. Về kiến trúc sẽ xây dựng các toà nhà có số tầng cao trung bình là 20 tầng. Khu đô thị sẽ có hệ thống hạ tầng khép kín, bao gồm nhà trẻ, mẫu giáo, bãi đỗ xe, một số cơ quan hành chính quận.
Chưa nói đến việc khi nào dự án được thực hiện khi tình trạng “quy hoạch treo” đang diễn ra hết sức phức tạp, thì không gian xanh được đề cập trong dự án cũng chưa thật sự rõ ràng, chủ yếu được tập trung ở khu hành chính mặt đường Nguyễn Trãi và xen kẽ trong các khu nhà cao tầng được xây mới.
Về quy hoạch phân khu nói trên, tác giả đề xuất nên có thêm dự án về công viên, sân chơi cụ thể trong các Quy hoạch cấp chi tiết của khu vực, nêu rõ vị trí, quy mô và chức năng cụ thể. Song song với đó là ban hành các Quy định về quản lý, xử phạt các trường hợp vi phạm, lấn chiếm, cơi nới,…
Vậy, trong lúc chờ dự án được hiện thực hóa, chúng ta có thể làm gì để cải thiện không gian xanh trong KTT Thanh Xuân Bắc?. Những gì chúng ta có thể làm trong lúc này để môi trường khu vực được tốt thêm. Theo tôi nghĩ, cần một giải pháp đồng bộ từ cấp chính quyền tới người dân. Nhưng giải pháp trước mắt, đó là:
- Trên hết tất cả vẫn là tuyên truyền tăng ý thức của người dân, giúp người dân hiểu rõ được tầm quan trọng của mỗi cây xanh trong đời sống hàng ngày. Giúp họ cải tạo không gian sống hiện có và hợp tác với chính quyền trong việc di dời, xây dựng các khu nhà ở mới theo quy hoạch đã duyệt.
- Phải mạnh tay xử lý các trường hợp lấn chiếm không gian công cộng, thu hồi, cải tạo sân chơi kèm các vườn hoa mini xen giữa các khu tập thể, mỗi căn hộ có ban công đều có thể là một vườn hoa nhỏ, góp phần cải thiện không gian sống của người dân.
- Quản lý tốt lòng đường, vỉa hè, bãi đỗ xe, giải phân cách, vạch giao
thông,.. (cần đo đạc kẻ vạch, xác định rõ ranh giới).
- Công bố, cắm mốc chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, khoảng lùi công trình, chiều cao công trình.
- Xác định cụ thể chức năng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình cũng như vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Tận dụng tối đa mọi khoảng đất trống trên đường phố, trong khu vực tập thể, những nơi nào có thể được để trồng cây xanh, lựa chọn đúng chủng loại phù hợp với chức năng từng khu vực, đồng thời có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ.
- Cần có những quy định cụ thể về biển quảng cáo cần có các thiết kế mẫu gợi ý về kích thước, màu sắc, ngôn ngữ, … đặc biệt là vị trí, khu vực được phép quảng cáo, ưu tiên tối đa diện tích trống để trồng cây xanh.
- Về chiếu sáng công cộng, cũng như chiếu sáng các biển hiệu, nhà hàng, công trình xây dựng, khu cây xanh cần có các quy định về độ sáng, màu sắc, thời gian chiếu sáng để tiết kiệm năng lượng.

Hình ảnh tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng cây xanh

 
5. Kết luận
Được sống trong không gian xanh gần gũi với thiên nhiên, môi trường trong lành vẫn là niềm mơ ước của mỗi người dân đô thị. Nhưng điều này thật khó khăn thay đối với các khu tập thể dân cư cũ. Những bức xúc của người dân ai thấu hiểu ?. Các nhà quy hoạch, các nhà quản lý cần nỗ lực hơn nữa để tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài.

Cần một giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đến thực tiễn. Song song việc xây dựng với ban hành quy chế quản lý, nghiêm túc thực hiện từ chính quyền xuống đến người dân. Chúng ta có thể hi vọng vào một tương lai với hình ảnh đẹp đẽ, sạch sẽ và “xanh” hơn của Khu tập thể Thanh Xuân Bắc nói riêng cũng như các khu tập thể cũ Hà Nội nói chung.

ThS. KTS. Nguyễn Thị Hương Trà
Giảng viên Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thế Bá (1997), Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.
3. Hàn Tất Ngạn (2010), Kiến trúc cảnh quan, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.
4. Đỗ Trần Tín (2012) Khai thác yếu tố cây xanh, mặt nước trong tổ chức không gian công cộng các khu đô thị mới tại Hà Nội, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
5. Mạng thông tin quốc tế Internet.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho không gian xanh tại KTT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.