Thứ sáu, 29/03/2024 14:09 (GMT+7)

Giải pháp nào chống ngập cho đô thị Đà Nẵng?

MTĐT -  Thứ sáu, 28/10/2022 09:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP Đà Nẵng vừa trải qua một trận ngập lụt lịch sử. Cả thành phố gần như "thất thủ" trong biển nước. Trong bối cảnh mưa cực đoạn xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, Đà Nẵng cần triển khai nhiều giải pháp giảm ngập cho đô thị hiệu quả hơn.

Cứ mưa là lo ngập

Trận mưa lớn kéo dài tầm 3h đồng hồ ngày 25/10 nhưng đã gây ra tình trạng ngập cục bộ trên 30- 40 cm tại một số tuyến đường khu vực trung tâm thuộc địa bàn 2 quận Hải Châu, Thanh Khê. Tại khu vực gần Khu công nghiệp quận Liên Chiểu như đường số 4, Âu Cơ cũng đã bị ngập sâu gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Những ký ức về trận ngập lụt lịch sử kinh hoàng tại Đà Nẵng vào ngày 14/10 được gợi lại khiến không ít người dân lo lắng, hốt hoảng.

ngap10.jpg
Trận mưa ngập lịch sử ngày 25/10 nhấn chìm cả thành phố Đà Nẵng trong biển nước

Còn nhớ trận mưa ngập lịch sử vào chiều ngày 14/10 tại Đà Nẵng đã khiến nhiều khu vực nằm giữa nội thành chìm trong biển nước. Đường sá thành sông, nước chảy cuộn siết, cuốn trôi nhiều vật dụng, hàng hóa của người dân. Trong đêm tối như mực vì cúp điện, nhiều người cuống cuồng chạy lụt. Hàng loạt ô tô, xe máy ngập nước, không nổ được máy, vứt bỏ đầy đường. Tiếng kêu cứu diễn ra khắp nơi. Kêu cứu xung quanh không được, nhiều người lên mạng xã hội cầu cứu.

Sống ở Đà Nẵng gần 50 năm, bà Nguyễn Thị Nhị ở đường Trưng Nữ Vương, phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết chưa bao giờ chứng kiến trận ngập lụt kinh hoàng như vậy. “Bao nhiêu đợt mưa lũ, con đường trước mặt nhà chưa bao giờ đọng nước dù mưa lớn. Vậy mà đêm ấy nước vào nhà cả mét, nước vây tứ phía, không kịp trở tay. Con cái đi làm chưa về, hai ông bà già ở nhà chỉ giữ lo tính mạng còn phó mặc cho dòng nước, đồ đạc coi như hư hỏng hết. Quá khủng khiếp, ở đây còn vậy huống gì vùng trũng sâu”- bà Nhị bàng hoàng kể lại.

khacphuc13.jpg
Hầm chui lớn nhất ở Đà Nẵng trở thành "bể chứa nước" sau trận ngập lịch sử

Theo TS Lê Hùng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), nguyên nhân ra ngập lụt tại Đà Nẵng vừa qua là do mưa quá lớn trong mời thời gian ngắn, xảy ra vào đúng thời điểm triều cường lên cao với hạ tầng thoát nước hiện nay nên thoát nước không kịp. Cụ thể, lượng mưa lớn nhất trạm Đà Nẵng đo được trong 1 giờ là 150 mm, mưa trong 2h là 291 mm, mưa trong 3 giờ là 407 mm; mưa 6 giờ là 568 mm. Và đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm kể từ 2018 đến nay, đã xảy ra trận mưa cực đoan, điều đó cho thấy mức độ ngày càng gia tăng lượng mưa với tần suất dày hơn.

“Mưa cực đoan ngày càng xảy ra nhiều. Vì vậy, từ mưa bất thường cho đến những bất cập về hạ tầng cần phải được làm rõ, không phải để truy trách nhiệm mà là để lãnh đạo TP Đà Nẵng, những nhà quản lý, quy hoạch cần có giải pháp và sự chuẩn bị cho tương lai với dự báo mưa cực đoan xuất hiện nhiều hơn, để không còn những cơn đại hồng thủy “đánh úp” thành phố như đã từng xảy ra. Cần đưa ra giải pháp giảm ngập cho các khu vực ngập sâu trên 1m và các khu vực có dòng chảy xiết.”- TS Lê Hùng cho biết.

Chuẩn bị tốt để ứng phó hiệu quả

Sau trận ngập lụt diện rộng lịch sử, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cho biết, sẽ triển khai rà soát lại phương án chống ngập đô thị, đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch, thoát nước, thoát lũ, đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng mới... nhằm có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài như: đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ, xây dựng mới hệ thống thoát nước (cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước,…); nghiên cứu đầu tư, mở rộng các hồ điều tiết, trữ nước; không san lấp sông, suối, ao hồ...

ngap(1).jpg
Theo các chuyên gia Đà Nẵng nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ có nguy cơ ngập nặng hơn trận mưa vừa qua

Theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, tương lai, TP. Đà Nẵng sẽ còn phát triển mạnh, đồng nghĩa với việc tăng bê tông hóa đô thị hơn, xây dựng nhiều nhà cao tầng hơn. Trong đó, trong quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng khuyến khích phát triển về phía đồi núi. Tình trạng bê tông hóa đồi núi, sẽ tạo nguy cơ nước mưa đổ nhanh hơn từ vùng cao xuống khu thấp. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sắp tới Đà Nẵng sẽ có nguy cơ ngập nặng hơn rất nhiều. Do đó, để ứng phó với ngập lụt, quy hoạch TP. Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với việc ngập lụt.

Sự chuẩn bị về quy hoạch để ứng phó với việc ngập lụt thì trước hết phải tăng không gian xanh, đặc biệt là khu vực đồi núi giáp với đồng bằng nên có những vành đai xanh rừng để giữ nước lại, làm chậm tốc độ nước từ trên núi đổ xuống. Cùng với đó, là tăng không gian xanh công viên thành phố. Các công viên có vai trò khi mưa lớn, hạ tầng không kham nổi thì nước đổ vào công viên, thẩm thấu xuống đất, bổ sung nước ngầm. Một mặt giảm ngập, mặt khác giúp giảm xâm nhập mặn.

Ngoài ra, Đà Nẵng phải có chính sách kiểm soát và chế tài trong quá trình cấp phép và quản lý việc xây dựng các dự án. Trong khi ở một số nơi như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn “lỏng lẻo” trong vấn đề này, thì thành phố Đà Nẵng có thể đi đầu làm gương trong việc quản lý phát triển bền vững, ràng buộc nhà đầu tư, để chính những người mua dự án được thụ hưởng khi vào ở có sẵn hạ tầng không gian xanh, hạ tầng xã hội thiết yếu; vừa giúp bổ sung không gian xanh, mảng giữ nước cho phát triển bền vững.

ngap4.jpg
Trong tương lai, đô thị Đà Nẵng sẽ còn gặp nhiều đợt thiên tai có thể gây ngập úng trên diện rộng nếu như không có giải pháp

Ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung bộ cho rằng, hiện nay thiên tai luôn có diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là những đợt mưa lớn do kết hợp của nhiều hình thế, lại kết hợp với triều cường đã và vẫn sẽ có thể gây ngập úng đô thị như vừa qua. Vì vậy chính quyền và người dân cập nhật liên tục thông tin dự báo diễn biến thời tiết và thiên tai và chủ động triển khai các phương án ứng phó với các kịch bản khác nhau để hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào chống ngập cho đô thị Đà Nẵng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lan Anh/Báo TNMT

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.