Thứ bảy, 20/04/2024 15:52 (GMT+7)

Giải pháp nào để tránh 'đất vàng' biến thành cao ốc

MTĐT -  Thứ tư, 29/11/2017 11:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuối năm 2017 này 8 sở, ngành của Hà Nội sẽ được di dời về khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ).

Vừa qua, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Mai Xuân Vinh cho biết TP Hà Nội sẽ di dời 8 sở, ngành gồm: Tài chính, Quy hoạch và kiến trúc, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ).

SởKế hoạch & Đầu tư sẽ nằm trong kế hoạch di dời ra đường Võ Chí Công 

Quỹ đất sau khi các trụ sở di dời sẽ được xem xét bán đấu giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, bán đấu giá công khai minh bạch là chủ trương đúng đắn, nhưng phải làm thận trọng, tránh đất vàng biến thành cao ốc.

Thận trọng khi bán đấu giá

"Sau khi di dời các sở, ngành trên ra đường Võ Chí Công theo chủ trương, Hà Nội sẽ sắp xếp bán đấu giá một số trụ sở để tạo nguồn vốn xây dựng khu liên cơ ở 52 Lê Đại Hành, hiện đang là trụ sở của Sở Xây dựng", ông Vinh cho hay.

Theo Đại đoàn kết, Bình luận về việc bán đấu giá các lô đất vàng này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh 2 vấn đề khi Hà Nội có thể cho bán đấu giá các khu đất được coi là “đất vàng” này.

Thứ nhất, về phương thức đấu giá phương án được ưu tiên là đấu giá công khai, minh bạch theo giá thị trường. UBND TP Hà Nội chỉ giữ vai trò giám sát.

Thứ hai, dù có bán đấu giá hay không cơ quan trúng thầu sẽ phải tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu theo quy hoạch khu đất đó không được xây chung cư, trung tâm thương mại mà chỉ định xây dựng thành trường học, bệnh viện thì nhà đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, khi đấu giá trụ sở cũ phải nói rõ chức năng sử dụng thế nào, phải có cái chốt. Vì bài học vừa qua một số cơ sở di dời ra khỏi nội đô chỗ đất ấy đã hoàn toàn biến thành chung cư cao tầng. Đấy là điều gây áp lực cho Hà Nội.

Hiện thành phố đã thống nhất chủ trương đấu giá các trụ sở rồi nhưng điều kiện đấu giá không chỉ đất không thôi, mà đấu giá phải kèm theo chức năng  sử dụng đất và định hướng không gian. 

Về quỹ đất sau di dời ông Đào Ngọc Nghiêm đề xuất: “Quỹ đất đó nên dùng cho các công trình công cộng như trường học, diện tích xanh, diện tích giao thông.

Theo quy định, ít nhất mỗi người phải có 5m2 diện tích công cộng nhưng hiện nay, Hà Nội đã đạt được chưa? Rồi phải có 3% diện tích đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe thì Hà Nội mới chỉ có 0,3%.

Trong khi đó lại đi khai thác ngầm còn đất bên trên thì lại không sử dụng. Nếu như khai thác diện tích đó để làm các công trình công cộng và bên dưới là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng thì sẽ hợp lý hơn”. 

Nguồn vốn xây dựng trụ sở mới ở đâu?

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhìn vào thực trạng nội đô Hà Nội hiện nay, nhiều khu đất khi chuyển mục đích sử dụng để phát huy giá trị “đất vàng” do thiếu quản lý tiến độ xây dựng, chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, nên “đất vàng” đã trở thành đất hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bị biến tướng. 

Để tránh cho được đất vàng thành cao ốc khiến giao thông nội đô không tìm ra lời giải cho bài toán ùn tắc KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị cần rà soát tổng thể quỹ đất cũ và mới của các bộ ngành.

Không thể để tình trạng bộ ngành đã di dời mà vẫn cứ ôm đất cũ như, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài nguyên và  môi trường…

Tóm lại để khai thác giá trị “đất vàng” cần rà soát cơ chế chính sách hiện nay còn tồn tại những gì? Bao nhiêu khu đất vàng hàng mấy chục năm nay Hà Nội vẫn không làm được vì chủ trương khai thác chưa hợp lý.

Vậy phải chăng ở đây cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội, từ đó có thể tạo ra một thành phố có không gian xanh, diện tích công trình công cộng như mong muốn. 

Chủ trương của thành phố là sẽ không “ôm” “đất vàng” sau di dời hoặc giao lại cho các cơ quan khác làm trụ sở.

Không thể để xảy ra tình trạng đất vàng thành cao ốc, nhưng nếu không bán đấu giá trụ sở cũ thì sẽ lấy nguồn đâu để xây trụ sở mới, trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, có thể áp dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng tại các khu vực vùng ven hoặc khu vực không chịu áp lực về giao thông và hạ tầng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội có thể kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính và nhà đầu tư sẽ nhận lại một khu đất ở vùng ven tương xứng với số tiền bỏ ra, thay vì bán các khu đất vàng hiện tại.

Hà Nội cũng đã xin 6 cơ chế đặc thù để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của TP.

Cụ thể cơ chế nào để giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, nội dung này sẽ được bàn thảo cụ thể tại cuộc hội thảo tổ chức vào đầu tháng 12 tới.

Được biết, con số dự kiến đấu giá các trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành thành phố Hà Nội sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trường hợp là đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng.

MTDT- Trang Triệu (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để tránh 'đất vàng' biến thành cao ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ