Thứ sáu, 29/03/2024 16:38 (GMT+7)

Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam

Lam Vy -  Thứ ba, 13/09/2022 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (13/09/2022), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện ENV, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và một số cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, tổ chức bảo tồn.

Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán  “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Tom Lyons – Giám đốc Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết:  

“ Cơ quan phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL) của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam rất tự hào được tài trợ cho hoạt động này của ENV. Đây là một sự kiện nhất quán với nỗ lực của chúng tôi trong hoạt đông ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép.

Trong năm 2022, INL đã tiến hành và sẽ tiếp tục tài trợ các hội thảo, tọa đàm thông qua các đối tác trong đó có các cơ quan thực thi pháp luật về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã nói riêng. Tội phạm về ĐVHD cũng giống như bất kỳ loại tội phạm nào khác, những nỗ lực để xử lý các đối tượng vi phạm là rất quan trọng đối với cam kết chung trong việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ pháp quyền và ngăn chặn hoạt động của các mạng lưới tội phạm quốc tế và tội phạm có tổ chức. Chúng tôi rất vui khi có cơ hội hợp tác với các đối tác tại đây để thúc đẩy những ưu tiên này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói chung và INL nói riêng, đã và đang nỗ lực ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới, để nâng cao năng lực và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ hải quan và các lực lượng chức năng khác nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép". 

tm-img-alt
Ông Tom Lyons – Giám đốc Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trên thế giới, giá trị ước tính của tội phạm xuyên quốc gia về môi trường là từ 70 tỷ đến 200 tỷ đô la một năm với mạng lưới tội phạm chính trải dài khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Ngoài tác động tàn phá của nó đối với hệ sinh thái và động vật, tội phạm về ĐVHD còn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền pháp quyền và trật tự quốc gia. Các tội phạm này tạo tiền đề cho các loại tội phạm khác như tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu quốc tế và thương mại bất hợp pháp. Điều này không chỉ là mối đe dọa đối với sự giàu mạnh, độc lập của Việt Nam mà còn là ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Thực tế, Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu cho các tội phạm về sừng tê giác và các sản phẩm, bộ phận của hổ, ngà voi và vảy tê tê. Việt Nam cũng được biết đến là một quốc gia trung chuyển chính ĐVHD trái phép với hàng tấn sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm với điểm đến cuối cùng tại Trung quốc.

Từ hiện trạng này, Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp quan trọng để xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã. Chỉ thị 29 do cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký vào tháng 7/2020 đã cho thấy mối đe dọa do buôn bán trái phép ĐVHD gây ra và thể hiện sự quan tâm cao độ đối với vấn đề này. Theo Bộ luật hình sự mới (Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), Việt Nam đã nâng mức hình phạt đối với tội phạm về ĐVHD. Theo đó, đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD có thể bị phạt tù đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng. Các hình phạt cao và các công cụ pháp lý đã có đủ. Điều cần thiết hiện tại là đảm bảo những chế tài nghiêm khắc này được thực thi là những nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ĐVHD và đưa những đối tượng buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia này ra xét xử.

Tuy nhiên, một khía cạnh khác của hoạt động buôn bán ĐVHD thường không được chú ý nhiều là nạn buôn bán trái phép ĐVHD trong nước. Phần lớn các trường hợp này liên quan đến hoạt động “rửa ĐVHD”. Tương tự như hoạt động rửa tiền, rửa ĐVHD là việc các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại hợp pháp để buôn bán bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Điều này thường được thấy tại các cơ sở nuôi ĐVHD, những nơi tự biến ĐVHD nhập lậu từ nước ngoài thành ĐVHD được sinh sản thành công và từ đó hợp pháp hóa các loài ĐVHD này.

Ông Tom Lyons chia sẻ thêm: “Giải pháp lâu dài tốt nhất để đối phó với hoạt động này là thắt chặt quản lý nuôi ĐVHD và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về ĐVHD. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cách tiếp cận lâu dài này sẽ mất nhiều thời gian. Cho đến thời điểm đó, ENV đang vận động xây dựng  “Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, trong đó nêu rõ những loài có thể được gây nuôi và giới hạn hoạt động nuôi thương mại đối với những loài này. Cách tiếp cận bước đầu này sẽ là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ các loài ĐVHD đang bị buôn bán thông qua các trang trại gây nuôi thương mại.

Tôi rất hoan nghênh giải pháp sáng tạo này và hy vọng các chuyên gia có mặt tại đây ngày hôm nay, với những hiểu biết chuyên về vấn đề này sẽ có thể giải thích và nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp. Tôi mong tất cả quý vị sẽ lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp mà ENV chia sẻ tại sự kiện quan trọng ngày hôm nay”.

Theo ENV, một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam là việc ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.

Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.

tm-img-alt
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV phát biểu tại tọa đàm.

Theo nhận định của ENV, Danh mục sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam. Cụ thể:

  • Bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại.
  • Quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng: Cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.
  • Chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi, danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi.
  • Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.

Trao đổi thông tin tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Quảng Trường - chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần đảm bảo các yếu tố sau:

1) Có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi;

2) Có đánh giá và dự báo thị trường;

3) Có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro;

4) Quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.”

tm-img-alt
Ông Nguyễn Quảng Trường - chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ. 

Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kì vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc.

Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.