Thứ bảy, 20/04/2024 07:42 (GMT+7)

Giải pháp thích ứng với Biến đổi khí hậu

Thanh Bình -  Thứ hai, 22/06/2020 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần có các kịch bản BĐKH với đầy đủ thông tin cần thiết, cả về độ phân giải không gian cũng như độ tin cậy và tính bất định của kịch bản.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn xa lạ đối với đa số người dân Việt Nam và đánh giá được tác động của khí hậu Việt Nam sẽ biến đổi như thế nào trong tương lai, để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp, chiến lược và kế hoạch thích ứng với BĐKH, sẽ góp phần phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Trước hết, chúng ta thấy rằng ở quy mô khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, cốt lõi của bài toán nghiên cứu BĐKH là xây dựng được chiến lược, các giải pháp thích ứng với BĐKH một cách hợp lý, đặc biệt ở những nơi được cho có mức độ tổn thương cao.

Muốn vậy cần có các kịch bản BĐKH với đầy đủ thông tin cần thiết, cả về độ phân giải không gian cũng như độ tin cậy và tính bất định của kịch bản. Việt Nam với hơn 3.000km bờ biển, nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm phải đối mặt với sự hoạt động của gió bão, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết phức tạp. Các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi miền lãnh thổ. BĐKH và nước biển dâng dường như đã có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường.

Những nghiên cứu BĐKH ở Việt Nam đã được quan tâm từ sau năm 2000. Các công trình nghiên cứu cũng đã dần đi vào chiều sâu về bản chất vật lý và kết quả của những nghiên cứu này cho thấy, khí hậu Việt Nam đã có những biến đổi rõ rệt. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,50C trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Cùng với xu thế tăng của nhiệt độ và sự biến đổi của lượng mưa, các hiện tượng cực đoan liên quan cũng có những biến đổi khá rõ khi số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên và số ngày rét đậm giảm; lượng mưa ngày cực đại và tương ứng là số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất bão hoạt động có biểu hiện tăng lên ở các vùng biển phía Nam.

Ở Việt Nam, tác động của BĐKH cũng đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng. Trước hết, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương quy mô lớn, cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á. Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam với quỹ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt dường như xảy ra bất thường hơn. Nhìn chung, BĐKH đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, định lượng hóa những tác động đó vẫn đang còn là vấn đề thách thức.

BĐKH đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra trên toàn cầu có xu hướng ngày càng bất lợi nhiều hơn cho con người, điển hình như nước biển ngày càng dâng cao và sẽ có nhiều quốc gia phải đối mặt với việc nằm dưới mực nước biển, nhất là quốc gia có địa hình thấp và các quốc đảo.

Bên cạnh việc phải thích ứng và chống chọi, khắc phục những hậu quả do thiên tai, điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên gây ra như siêu bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở, cháy rừng, ngập úng…; do nhu cầu phát triển kinh tế, con người sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu và tất yếu gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngay từ bây giờ, nếu không có cơ chế kiểm soát hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mỗi quốc gia thì việc làm nhanh tiến triển và trầm trọng thêm các hiện tượng cực đoan quá trình BĐKH là khó tránh khỏi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc tổ chức ngày 23-9-2019 ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ Trái đất nóng lên thêm ít nhất 30C vào cuối thế kỷ này và kêu gọi cả thế giới chung tay hành động ngay từ lúc này để giảm lượng khí thải carbon trong 12 năm tới và có thể giữ được mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 20C so với mức tiền công nghiệp. Vì vậy, các chính phủ cần phải đưa ra những kế hoạch cụ thể, thực tế để gia tăng nỗ lực của mình đóng góp giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập niên tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.

Theo xu hướng thế giới hiện nay, để ứng phó với BĐKH được chia thành 3 nhóm cơ bản. Nhóm một là thích ứng, bằng việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo thích ứng tốt và tự bảo vệ được trước các nguy cơ tác động tiêu cực của quá trình BĐKH như nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Nhóm hai là giảm nhẹ (giảm thiểu), bằng việc tăng cường các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm này chú trọng vào việc sử dụng năng lượng trong tất cả các hoạt động sao cho đảm bảo được nhu cầu phát triển của xã hội mà giữ mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức thấp nhất

Thế giới đang chú trọng vào cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và sử dựng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Nhóm ba là tăng cường khả năng phục hồi, bằng việc chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục sau thảm họa, nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu./

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thích ứng với Biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...