Giải pháp thiết kế xây dựng khu vực bãi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa, đa chức năng
Tiêu đề gốc: "Đề xuất các giải pháp thiết kế xây dựng khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng điển hình và hướng đến phát triển bền vững".
Bằng các nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng công viên đa chức năng trên thế giới, bài viết đề xuất các giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và kế thừa văn hóa để phát triển không gian cảnh quan công viên đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân ở mọi lứa tuổi; đề xuất các giải pháp công nghệ thông minh, sáng tạo trong thiết kế công viên để thiết kế, xây dựng và quản lý công viên theo hướng bền vững.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị, yếu tố công viên đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kết nối giữa con người với thiên nhiên và môi trường đô thị, góp phần nâng cao cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe tinh thần của người dân, góp phần đa dạng sinh học và khả năng phục hồi khí hậu do tác động của việc chỉnh trang, phát triển đô thị gây ra.
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Đây là nền tảng để Hà Nội phát triển và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hướng đến sự sáng tạo và đổi mới trong đô thị. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng(1). Thực hiện chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế, tiềm năng vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, phát huy những nét đặc thù riêng của từng quận : Lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch Phân khu Đô thị sông Hồng.
Bãi nổi giữa và ven sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm với tổng diện tích khoảng 23ha. Phạm vi khu vực bãi nổi và ven sông Hồng được xác định bao gồm toàn bộ bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên giới hạn từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo và đường trục Hữu ngạn (lộ giới 50 m) sông Hồng kết nối với trung tâm khu vực nội đô lịch sử, với quy mô gồm (i) Bãi nổi giữa có tổng diện tích khoảng 307 ha. (Hoàn Kiếm 23 ha, Ba Đình 13,1 ha, Tây Hồ 90,7 ha và Long Biên 180,2 ha) và (ii) Bãi ven sông Hồng(2).
Thời gian qua, vùng đất này không bị ngập nước, và chưa được quy hoạch xây dựng, khai thác với tình trạng để hoang hóa và một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu. Việc định hướng phát triển khai thác tiềm năng thiên nhiên vốn có của bãi nổi – giữa và ven sông Hồng để góp phần nâng cao cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thành phố Hà Nội là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết. Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực vào mùa mưa lũ, nhất là công tác bảo đảm an toàn, chống xói lở, thoát lũ, chống thay đổi dòng chảy là việc làm rất khó khăn và thách thức rất lớn cho quản lý nhà nước và các nhà khoa học. Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa, đa chức năng đòi hỏi có những phân tích thấu đáo, khoa học, cẩn trọng để bổ sung thêm những chức năng khác phù hợp hướng đến phát triển bền vững.
Với mục đích như vậy, bài viết tiếp cận các lý luận, tham khảo về tổ chức thiết kế không gian công viên trên thế giới đã được xây dựng và đề xuất các giải pháp cần lưu ý trong công tác quy hoạch, thiết kế Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng, góp phần phục vụ phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại và mỹ quan hơn.
2. Mô hình phát triển công viên cây xanh hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới
2.1. Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật hiện hành
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9257:2012 – Phân loại về cây xanh trong đô thị – Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị – tiêu chuẩn thiết kế: “Cây xanh công viên:
Khu cây xanh được trồng tập trung trong một diện tích đất lớn phục vụ cho mục tiêu sinh hoạt ngoài trời cho người dân đô thị vui chơi giải trí, triển khai các hoạt động văn hóa quần chúng, tiếp xúc với thiên nhiên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…
Trong các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II, ngoài các công viên thuộc khu ở cần có các công viên khu vực, công viên thành phố, các công viên có chức năng riêng biệt như: Công viên thiếu nhi, công viên thể thao, vườn bách thú, bách thảo, công viên nước…”
Công viên cây xanh đa chức năng hiện nay bao gồm các loại hình hoạt động kết hợp về văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Những công viên theo mô hình này có chức năng phong phú hoặc chuyên sâu, do tư nhân hoặc Nhà nước đầu tư vận hành.
Tiêu chuẩn thiết kế TCVN 9257:2012 Đều lấy kinh doanh làm động lực đầu tư và phát triển, luôn đem đến cho người dân sự đổi mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội hiện đại.
Công viên cây xanh đa chức năng đóng một vai trò rất quan trọng trong đô thị. Trước đây, phương án xây dựng hồ điều tiết với quy mô lớn thường được đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề đô thị như chống ngập úng, tạo không gian vui chơi cho người dân. Tuy nhiên với quỹ đất phát triển ở đô thị và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn, thì việc tích hợp các hồ điều hòa – mặt nước lớn bên trong các công viên trong tương lai sẽ mang lại tính khả thi hơn. “Vấn đề làm sao tăng diện tích mặt nước mà vẫn đáp ứng đầy đủ các không gian chức năng cần thiết theo các mục tiêu cơ bản của một công viên tổng hợp. Theo đó, khi ưu tiên diện tích mặt đất dành cho mặt nước thì các chức năng khác sẽ phải phân bổ trên các không gian trên cao, theo cấu trúc phân tầng. Hoạt động náo nhiệt, gây ồn (thể thao, vui chơi – giải trí, khu vui chơi trẻ em…) sẽ ưu tiên ở tầng thấp (tầng/ lớp 2), và ngược lại, các hoạt động càng tĩnh lặng và không gây nhiều tiếng ồn sẽ ưu tiên ở tầng cao – tầng/ lớp 3 (ví dụ như nghỉ ngơi, thư giãn…)”.
2.2. Một số ví dụ về mô hình công viên đa chức năng trên thế giới
2.2.1. Công viên Ang Mo Kio – Bishan, Singapore
Công viên Ang Mo Kio nằm ở Bishan, Singapore, với diện tích là 155ha thuộc trung tâm thành phố, là công viên cây xanh chuyên đề và có chức năng điều tiết nước như thoát nước, cấp nước, tạo không gian sống mới, gắn kết cộng đồng, giải trí.
Dự án công viên được khôi phục lại từ kênh thoát nước, trong đó có 62ha được thiết kế lại cho phù hợp với chu trình dòng sông để tạo môi trường sinh thái. Các khu vực sân chơi, nhà hàng được bố trí ở trung tâm công viên để tạo các hoạt động kinh tế, hỗ trợ tài chính cho công tác vận hành, quản lý công viên.
2.2.2. Công viên Sponge nằm ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc,
Công viên có diện tích khoảng 66 ha. Với phương pháp thiết kế tiếp cận theo giải pháp “thành phố bọt biển”. Công viên này bao gồm vườn nổi, lối đi trên cao và một loạt các thiết kế cảnh quan thông minh cho phép ngập nước và vẫn có thể sử dụng được các không gian linh hoạt.
Các giải pháp chọn trồng những cây xanh có thể chịu được nước, sử dụng vật liệu chống nước như ghế đá trong công viên (có thể ở dưới nước trong nhiều thời điểm trong năm) và thiết kế hành lang sinh thái cảnh quan và vùng đất ngập nước, kho chứa và lọc nước mưa đô thị (nhằm đảm bảo thoát nước an toàn và ngăn chặn tình trạng úng nước trong công viên, tái sử dụng nước mưa và bảo vệ sinh thái, giải phóng nước, dự trữ và tận dụng tối đa nguồn nước này khi cần thiết).
2.2.3. Công viên Yanweizhou, Kim Hoa, Trung Quốc
Công viên có diện tích 26 ha. nằm ở trung tâm thành phố Kim Hoa, Trung Quốc và có chức năng kết nối 2 bờ sông. Quan điểm thiết kế công viên là tổ chức không gian cảnh quan và phong cảnh có tính chất thích ứng để bảo tồn và tăng cường môi trường sống còn lại, tạo không gian linh hoạt năng động nhằm tăng tính trải nghiệm cho cộng đồng.
Tổ chức giao thông công viên giữa các khu vực được kết nối bằng cầu đi bộ, đảm bảo tính kết nối thành phố và thiên nhiên, tương lai và quá khứ… đã tạo được ấn tượng với không gian cảnh quan của công viên.
3. Đề xuất một số giải pháp thiết kế
Định hướng phát triển và xây dựng khu vực Bãi Nổi, Bãi Giữa và ven sông Hồng trở thành Công viên văn hóa, đa chức năng điển hình và hướng đến phát triển bền vững, ngoài những kinh nghiệm thiết kế công viên trên thế giới đã đề cập ở trên có chức năng tương tự, nhóm tác giả đề xuất thêm các và lưu ý các giải pháp khi thiết kế công viên như sau:
3.1. Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong thiết kế công viên
Là một trong những mục tiêu quan trọng, đòi hỏi các giải pháp linh hoạt và đổi mới, nhằm giải quyết những thách thức như hiện tượng khí hậu cực đoan, nước biển dâng cao gây ra ngập lụt, sự biến động không ngừng của mực nước sông, đối diện với nguy cơ ngập lụt và xói mòn đất đai.
Vì vậy, giải pháp thiết kế công viên cần có yếu tố tích hợp và bền vững như hệ thống thoát nước thông minh, tạo ra không gian lưu thông nước linh hoạt, sử dụng vật liệu chống xói mòn đất đai là những chiến lược quan trọng để đối phó với những thách thức này. Sử dụng cây xanh địa phương, hệ thống cây xanh để tạo cảnh quan xanh mát, và giữ ẩm có khả năng chống ngập lụt để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thiết kế không gian mở và hệ thống thông thoáng để giảm nhiệt độ và tạo không khí trong lành. Thiết kế công viên không chỉ là không gian giải trí mà còn xây dựng mô hình hướng đến tạo lập một cộng đồng đô thị có khả năng thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu.
3.2. Giải pháp bảo tồn và kế thừa văn hóa trong thiết kế công viên
Nhằm tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần giữ gìn bản sắc, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng nhằm mục đích kết nối, giao lưu quốc tế và mục đích cuối cùng là tích hợp chúng vào giải pháp thiết kế cho công viên.
Thiết kế không gian có thể truyền tải được những nội dung, tư tưởng, lối sống, phong tục tập quán của người dân Hà Nội thể hiện qua các hoạt động văn hóa có giá trị như các hoạt động lễ hội truyền thống, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sản xuất truyền thống. Như tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội, các chương trình văn hóa trong công viên cũng là một trong những cách khai thác yếu tố văn hóa truyền thống hiệu quả, tạo nhiều không gian mở, hài hòa với thiên nhiên, áp dụng phong cách vườn công viên truyền thống.
Đối với các công trình kiến trúc khi xây dựng công viên cần sử dụng màu sắc hài hòa, khuyến khích sử dụng các vật liệu địa phương trong thiết kế kiến trúc công trình, sử dụng hình thức kiến trúc dân gian truyền thống, chi tiết trang trí truyền thống, sử dụng vật liệu truyền thống từ thiên nhiên, có màu sắc công trình gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là các sản phẩm phù hợp, bền vững với điều kiện khí hậu, thời tiết.
Chủ đề, màu sắc và tiện ích trong công viên là thống nhất và xuyên suốt trong quá trình thiết kế nhằm góp phần tạo nên một môi trường mang tinh thần văn hóa, đậm đà bản sắc văn hóa người Hà Nội. Thiết kế xây dựng các tiện ích như nhà hàng, quán café, khu vui chơi cho trẻ em, và phòng tập thể dục để tạo ra không gian đa dạng và thu hút đối tượng sử dụng đa dạng.
3.3. Giải pháp đa dạng, hòa nhập ở mọi lứa tuổi trong thiết kế công viên
Thiết kế xây dựng khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng, đây cũng là một cơ hội để giáo dục nhận thức về môi trường và tăng cường sự tương tác của cộng đồng, nhất là trẻ em vào việc xây dựng thành phố Hà Nội ngày càng hiện đại và mỹ quan hơn. Cần chú ý đến việc thiết kế các khu vực mang tính giáo dục cao như bố trí các bảng hướng dẫn, trang thiết bị học tập và các hoạt động giáo dục về môi trường và lịch sử của khu vực. Xây dựng sân khấu ngoài trời và không gian cho các sự kiện nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa. Chú trọng áp dụng xu hướng thiết kế sân chơi tự nhiên (natural playground) hoặc sân chơi phiêu lưu (adventure playground) vào xây dựng công viên, nhằm phát huy thể chất, trí tuệ và sự sáng tạo ở trẻ em.
Ngoài ra, đối với người lớn tuổi cũng cần tạo ra các chương trình, sự kiện nhằm thu hút họ tham gia hoạt động thể chất, tham gia các hoạt động thăm quan và thư giãn, tìm kiếm các tương tác xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận. Đối với các cá nhân là người khuyết tật cũng cần chú ý, thiết kế các không gian, tiện ích sử dụng thuận lợi và dễ dàng.
3.4. Giải pháp thông minh, sáng tạo trong thiết kế công viên
Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, ảnh hưởng nhiều đến phương thức giao tiếp cộng đồng, làm thay đổi thói quen tương tác truyền thống. Để công viên trở nên sáng tạo hơn thì việc áp dụng các công nghệ thông minh hơn là một trong những tiêu chí không thể thiếu, để tạo ra một không gian sáng tạo, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Công nghệ thông minh như hệ thống chiếu sáng tự động, ứng dụng di động hướng dẫn tham quan và tìm kiếm thông tin, cùng với các giải pháp bền vững như hệ thống thu gom nước mưa, sử dụng vật liệu tái chế và xây dựng hệ thống cây xanh đa dạng, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sự sáng tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Sự kết hợp linh hoạt giữa sự thông minh và bền vững không chỉ nâng cao trải nghiệm cho người dùng mà còn góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng đô thị phát triển và bền vững.
Việc tổ chức thiết kế công viên là khu vực công cộng với công nghệ kết nối được tích hợp khắp không gian ngoài trời bằng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm cải thiện trải nghiệm của người dân khi họ tham gia các hoạt động, tối đa hóa tiện ích và an toàn cho người dân, đồng thời giúp quản lý công viên hiệu quả hơn.
Vì vậy, cần xem xét tổ chức các không gian công viên gắn với các hoạt động và sử dụng khoa học công nghệ tương ứng với ba tính năng chính là: (1) Nhận thức: Liên quan đến việc giám sát chính xác các đối tượng quan trọng bằng công nghệ IoT; (2) Kết nối, thiết lập mạng để kết nối các hệ thống và phòng ban của công viên; (3) Trí thông minh là tập trung vào các hệ thống quản lý tự động với khả năng tích hợp và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định sáng suốt.
Ví dụ như: (i) Tích hợp dữ liệu thu thập được thông qua các hoạt động công viên để điều chỉnh cách thức tổ chức, thời gian hoạt động, khai thác các khu vực nhận được sự quan tâm của người dùng, lắp đặt thêm các thiết bị được sử dụng nhiều; (ii) Cách thức tổ chức các hoạt động công viên cũng trở nên đa dạng hơn, gắn với nhiều lĩnh vực thay vì chỉ đơn giản là nơi giải trí, đi dạo hay ngăm cảnh; (iii) Chủ động tương tác với trong đô thị để thông báo các chương trình mới, điều kiện thời tiết và các hoạt động phù hợp để gợi ý người dân đến công viên. Rõ ràng, cách đặt vấn đề về thiết kế và tổ chức công viên thông minh đã rất khác biệt.
3.5. Giải pháp đầu tư xây dựng, quản lý vận hành theo hướng bền vững, lâu dài
Không chỉ thiết kế xây dựng một công viên đẹp mắt, thông minh, tạo nên một không gian sống bền vững và gắn kết cộng đồng xung quanh. Mà vấn đề đặt ra là vốn kinh phí để đầu tư xây dựng và sau đó khi xây dựng hoàn thiện xong, giải pháp vận hành, quản lý, bảo trì trong thời gian dài cũng cần phải xem xét. Cụ thể, (i) Tìm kiếm sự hỗ trợ doanh nghiệp địa phương để họ có thể đóng góp tài chính hoặc nguồn lực khác cho việc xây dựng và duy trì công viên; (ii) Xây dựng các chính sách nhằm huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội; hợp tác, liên kết với cộng đồng địa phương để đảm bảo rằng các ý kiến và nhu cầu của cộng đồng được lắng nghe và tích hợp vào thiết kế; (iii) Quản lý và tạo được môi trường an toàn, an ninh, lành mạnh, thoải mái… cho mọi người sử dụng nhất là khai thác hiệu quả các khu chức năng, các không gian trong công viên đảm bảo phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng, với chất lượng dịch vụ tốt; (iv) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và quản lý công viên bằng các hình thức tuyên truyền, vân động, phổ biến, đào tạo nâng cao năng lực và khả năng nhận thức của người dân; gắn trách nhiệm, quyền lợi cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch,thiết lập ban đại diện cộng đồng như thực hiện điều tra xã hội học khuyến khích cộng đồng tham gia góp ý kiến cho công tác xây dựng và quản lý. Nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp như vậy, công tác xây dựng, quản lý và vận hành mới đảm bảo được tính bền vững và lâu dài.
4. Kết luận
Quá trình phát triển đô thị trong quá khứ và hiện tại có nhu cầu khôi phục các không gian cảnh quan tự nhiên, không gian xanh… vừa nâng cao chất lượng đô thị, vừa cải thiện điều kiện môi trường và khí hậu đô thị. Đề án khai thác lợi thế, tiềm năng, vị trí bãi nổi giữa và ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng là rất phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nguyện vọng của người dân thủ đô, góp phần phát triển đô thị Hà Nội theo hướng bền vững. Cụ thể là các mục tiêu: (i) Tổ chức lại không gian bãi nổi sông Hồng, xây dựng trở thành công viên văn hóa, đa chức sẽ năng góp phần cải thiện đáng kể vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực, (ii) Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; (iii) Cải tạo cảnh quan tự nhiên tạo thành điểm tham quan, vui chơi giải trí, du lịch, bổ trợ chia sẻ không gian mở cho khu phố cổ Hà Nội.
Với những bài học kinh nghiệm quốc tế và sơ đồ minh họa cấu trúc phân tầng – phát triển phân bổ chức năng theo chiều cao cho công viên đa chức năng được đề xuất ở trên, bài báo đã gợi mở các giải pháp cụ thể cho việc xây dựng Đề án phát triển không gian bãi nổi sông Hồng trở thành công viên văn hóa đa chức năng. Cụ thể: (i) Nghiên cứu và tổ chức cảnh quan công viên gắn với việc giải quyết các vấn đề của đô thị hiện hữu như tăng cường không gian xanh, giảm thải carbon và duy trì mực nước ngầm; (ii) Chú trọng khai thác khoa học công nghệ trong thiết kế các tiện ích và tính hiệu quả; (iii) Tăng cường các dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân Hà Nội, phù hợp với mọi lứa tuổi; (iv) Chú trọng các nguồn thu để duy trì chất lượng dịch vụ và khai thác công viên đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị.
Bên cạnh đó, bài viết còn đề xuất một số giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu; bảo tồn và kế thừa văn hóa; đa dạng, hòa nhập ở mọi lứa; thông minh, sáng tạo trong thiết kế công viên và đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành theo hướng bền vững lâu dài trong khi thiết kế, xây dựng công viên xây dựng nhằm xây dựng khu vực Bãi Nổi, Bãi Giữa và ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng điển hình và hướng đến phát triển bền vững.
TS.KTS.Nguyễn Lâm
TS.KTS.Phan Bảo An
KS.Nguyễn Thúy Hằng
KTS.Nguyễn Khánh Chi
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Tài liệu tham khảo
1. Wang, X., Woolley, H., Tang, Y., Liu, H., & Luo, Y. (2018). Young children’s and adults’ perceptions of natural play spaces: A case study of Chengdu, southwestern China. Cities, 72, 173-180;
2. Woolley, H. (2013). Exploring the Relationship between Design Approach and Play Value of Outdoor Play Spaces. Landscape Research, 38(1), 53-75;
3. Gill, T. (2021). Urban Playground: How Child-Friendly Planning and Design Can Save Cities (1st ed.). RIBA Publishing. https://doi.org/10.4324/9781003108658, p.7-8;
4. Gill, T. (2007). No Fear: Growing Up in a Risk Averse Society. Portugal: Calouste Gulbenkian Foundation;
5. https://londonadventureplaygrounds.org.uk/about-adventure-playgrounds/the-case-for-adventure-playgrounds/;
6. https://www.mdpi.com/2227-7099/5/4/42;
7. https://innovation.luskin.ucla.edu/sites/default/files/ParksWeb020218.pdf;
8. https://koreascience.kr/article/JAKO202007636555363.pdf;
9. https://www.beesmart.city/en/strategy/what-are-smart-parks;
10. https://www.researchgate.net/profile/Samira-Ahmadkhosravi/publication/339376152_Sustainable_and_Resilient_Landscape_Design_to_Flood_Case_Studies_Resilient_Projects_in_China/links/5ea58261299bf1125610497a/Sustainable-and-Resilient-Landscape-Design-to-Flood-Case-Studies-Resilient-Projects-in-China.pdf;
11. TS.KTS. Phan Nhựt Duy, Ths. Ks. Lê Tiến Liêm, Nguyễn Trần Quang Vinh: Công viên phân tầng – đa chức năng góp phần giảm ngập cho đô thị: Ý tưởng đề xuất áp dụng cho công viên phường Thạnh Xuân, Thới An, Quận 12 , Hội thảo “Ý tưởng quy hoạch khu công viên cây xanh đa chức năng tại phường Thạnh Xuân, Thới An, Quận 12 ”;
12. Nguyễn Thị Diệu Hương – Luận Án Tiến Sỹ Chuyên ngành Quy hoạch Vùng và Đô thị Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: “Khai thác yếu tố văn hóa truyền thống trong tổ chức không gian công viên tại đô thị Bắc Ninh (lấy công viên khu vực khu đô thị mới Tây Bắc làm địa bàn thí điểm)”;
13. https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/988/5/052031/pdf;
14. https://www.mdpi.com/1660-4601/17/24/9357;
15. https://uwspace.uwaterloo.ca/bitstream/handle/10012/6268/Sitek_Marta.pdf?isAllowed=y&sequence=1;
16. https://www.bostonharbornow.org/wp-content/uploads/2017/02/PRT2-Designing-with-Water_Full.pdf;
17. (Boavida, et al., 2023)(Boavida, J., Ayanoglu, H., Pereira, C. V., & Hernandez-Ramirez, R. (2023). Active aging and smart public parks. Geriatrics (Basel, Switzerland), 8(5), 94. https://doi.org/10.3390/geriatrics8050094);
18. https://earthbound.report/2023/01/27/chinas-sponge-parks/;
19. https://www.shine.cn/news/metro/2108173664/;
20. https://canhquan.net/tap-chi/du-an/mot-canh-kha-nang-hoi-phuc-yanweizhou-park-o-thanh-pho-kim-hoa?p=8;
21. https://www.chinese-architects.com/en/turenscape-haidian-district-beijing/project/jinhua-yanweizhou-park.
Theo Tạp chí Kiến trúc