Thứ sáu, 29/03/2024 19:40 (GMT+7)

Giải pháp thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 05/08/2022 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tăng thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án giảm phát thải là những giải pháp cơ bản để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Tóm tắt: Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.

tm-img-alt
--

1. Xu thế tất yếu phải giảm phát thải

Vào năm 1990, các nhà khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) cảnh báo rằng, nhiệt độ bề mặt Trái đất trung bình sẽ tăng lên từ 0,3 - 0,6ºC trong vòng 100 năm tới. Tuy nhiên, Báo cáo thứ VI của IPCC (AR6) công bố năm 2021 cho thấy, khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người khiến Trái đất nóng lên 1,1ºC kể từ giai đoạn 1850 - 1900. Mỗi thập kỷ trong 40 năm vừa qua đều lần lượt nóng hơn các thập kỷ trước kể từ năm 1950. So với năm 1901, mực nước biển trung bình đã tăng 20 cm vào năm 2018. Mức tăng trung bình mực nước biển khoảng 3,7 mm mỗi năm (từ 2006 - 2018). Theo nhận định của các nhà khoa học, những thay đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và khó lường trong hàng nghìn năm tới.

Báo cáo đặc biệt của IPCC chỉ ra rằng, nếu thế giới đạt Net Zero vào năm 2040 thì cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5ºC sẽ cao hơn đáng kể. Đỉnh phát thải càng sớm và càng thấp thì việc đạt Net Zero càng nhanh, giúp trái đất ít phụ thuộc vào việc loại bỏ carbon trong nửa sau thế kỷ.

Do vậy, Hội nghị COP26, tại Glasgow - Scotland, Vương quốc Anh (tháng 11/2021) được xem là cơ hội cuối cùng để cả thế giới thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris. Có 4 vấn đề chính được đặc biệt quan tâm tại COP26, gồm: 1) giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; 2) đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5ºC trong giai đoạn công nghiệp hóa; 3) bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; đảm bảo quỹ tài chính về BĐKH; 4) kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015.

Hội nghị COP26 kết thúc, mang lại hy vọng lớn cho nhân loại để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5ºC và đạt Net Zero vào giữa thế kỷ này với những cam kết đầy hứa hẹn của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Tính tới nay, đã có 137 quốc gia đưa ra cam kết về Net Zero; 77 quốc gia, địa phương và tập đoàn tham gia ký Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, 45 quốc gia cam kết chuyển đổi sang đầu tư nông nghiệp xanh, bền vững, nhiều hãng xe ô tô tuyên bố ngừng sản xuất xe chạy bằng xăng dầu muộn nhất vào năm 2040; Mỹ và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về hợp tác chống BĐKH…

Hiệp ước này kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây được đánh giá là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận trong một kỳ hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc.

Chuyển dịch sang năng lượng sạch đã trở thành con đường bắt buộc với tất cả các quốc gia. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế về Lộ trình hướng tới Net Zero của ngành năng lượng, đến năm 2030, quy mô điện gió và mặt trời sẽ cần tăng gấp 4 lần, số xe điện bán ra sẽ tăng 18 lần, hiệu suất sử dụng năng lượng cần nâng cao nhiều lần so với năm 2020. Năng lượng tái tạo và giải pháp tích trữ vẫn tiếp tục có những đột phá mới về công nghệ. Sự hội tụ của các đột phá này sẽ giúp giá thành của năng lượng sạch trở nên cạnh tranh và thậm chí có thể trở thành nguồn năng lượng có giá rẻ nhất vào cuối thập kỷ này. Nguồn tài chính toàn cầu cũng đang dịch chuyển mạnh sang cho năng lượng sạch. Các quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia bước vào cuộc đua giành nhanh nhất, nhiều nhất có thể nguồn tài chính khí hậu quốc tế để đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông điện, công nghiệp sạch.

Hội nghị COP26 cũng đánh dấu lần đầu tiên vấn đề tổn thất và thiệt hại xuất hiện trong hiệp ước của một kỳ COP. Hiệp ước này thừa nhận BĐKH đã và sẽ tiếp tục gây tổn thất và thiệt hại. Khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp; bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu, giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của BĐKH.

2. Vai trò của Net Zero trong ứng phó BĐKH toàn cầu

2.1. Khái niệm Net Zero

Net Zero đạt được khi tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra được cân bằng lại bằng cách loại bỏ các loại khí này ra khỏi khí quyển thông qua quá trình loại bỏ carbon. Đầu tiên và quan trọng nhất là lượng khí thải do con người thải ra (chẳng hạn như khí thải từ các phương tiện và nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch) phải được giảm càng gần 0 càng tốt. Sau đó, các khí nhà kính còn lại cần được cân bằng với một lượng carbon tương đương bị loại bỏ, có thể thông qua các hoạt động như phục hồi rừng hoặc sử dụng công nghệ thu giữ không khí trực tiếp (DACS). Đạt Net Zero cũng giống như đạt “sự trung hòa về khí hậu”.

2.2. Lộ trình thực hiện Net Zero

Thông tin khoa học mới nhất cho thấy để đạt được mục tiêu Thỏa thuận Paris đòi hỏi Net Zero cần đạt được theo mốc thời gian sau:

Trường hợp giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở 1,5ºC, lượng Net Zero đối với khí CO2 cần đạt được trong khoảng thời gian từ năm 2044 - 2052 và tổng lượng phát thải khí nhà kính buộc phải duy trì ở mức 0 từ năm 2063 - 2068. Nếu đạt Net Zero sớm hơn các mốc này thì chắc chắn tránh được rủi ro nhiệt độ tăng quá 1,5ºC.

Trường hợp giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 2ºC, cần đạt Net Zero đối với lượng phát thải CO2 vào năm 2070 (với 66% khả năng giới hạn sự ấm lên ở 2ºC) đến năm 2085 (với 50-66% khả năng). Tổng lượng phát thải khí nhà kính cần đạt Net Zezo vào cuối thế kỷ hoặc sớm hơn.

Điều này không có nghĩa là tất cả các quốc gia cần đạt Net Zero cùng lúc nhưng cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5ºC phụ thuộc vào việc nguồn phát thải cao nhất đạt Net Zero sớm bao lâu. Các quốc gia giàu có hơn, phát thải cao hơn được đề xuất thực hiện Net Zero sớm hơn.

Điều quan trọng nữa là khung thời gian để đạt Net Zero khác nhau đối với khí CO2 và khí CO2 kết hợp với các loại khí nhà kính khác như metan, oxit nitơ và flo. Đối với khí thải không phải CO2, thời hạn Net Zero sẽ muộn hơn vì một số loại khí thải này khó loại bỏ hơn dù chúng làm nhiệt độ tăng cao nhanh và có khả năng đẩy nhiệt độ vượt qua ngưỡng 1,5ºC trong thời gian ngắn. Các quốc gia cần xác định rõ liệu mục tiêu Net Zero chỉ bao gồm CO2 hay tất cả các loại khí nhà kính.

2.3. Điều kiện để đạt Net Zero

Điều kiện tiên quyết là chính sách, công nghệ và hành vi cần phải thay đổi đồng bộ. Chẳng hạn với kịch bản tăng không quá 1,5ºC, năng lượng tái tạo dự kiến cần cung cấp 70-85% điện năng vào năm 2050. Vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu cũng rất quan trọng đối với ngành giao thông vận tải.

Ngoài ra, cải thiện hiệu quả sản xuất lương thực, cung cấp thực phẩm, ngăn phá rừng, phục hồi đất bạc màu và giảm thất thoát lương thực, chất thải cũng giảm đáng kể lượng phát thải.

Điều quan trọng là việc chuyển đổi cơ cấu và kinh tế để hạn chế sự nóng lên 1,5ºC phải được tiếp cận công bằng, nhất là với những người lao động gắn liền với các ngành công nghiệp carbon cao. Hiện nay, hầu hết các giải pháp công nghệ cần thiết đều sẵn có và ngày càng cạnh tranh về chi phí với các giải pháp thay thế carbon cao.

3. Các quốc gia thực hiện cam kết Net Zero

Nghiên cứu mới của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI, 2021) chỉ ra rằng, để tránh những tác động xấu nhất tới khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần giảm một nửa vào năm 2030 và đạt Net Zero vào giữa thế kỷ này. Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ “Net Zero” và cam kết thực hiện tại COP26.

Bhutan là nước đầu tiên đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2015 và hiện có hơn 50 quốc gia, chiếm hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu cùng cam kết Net Zero bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tại COP26, Việt Nam đưa ra cam kết đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cam kết này thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại BĐKH toàn cầu, được thế giới đánh giá rất cao.

Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Tại Anh, Chính phủ đã tuyên bố đạt Net Zero vào năm 2035 với mục tiêu giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035 so với mức năm 1990. Theo đó, tất cả năng lượng sẽ đến từ các nguồn tái tạo. Một số biện pháp đã được công bố từ trước gồm: Cấm bán xe hơi chạy bằng xăng hay dầu trước năm 2030; tăng công suất điện gió ngoài khơi lên gấp bốn lần trước 2030; tăng sử dụng năng lượng hạt nhân; đầu tư vào năng lượng hydrogen có carbon thấp. Nước Anh đưa ra lộ trình, đến năm 2028, 600.000 máy bơm khí nóng sẽ được lắp đặt mỗi năm (máy bơm không khí nóng sẽ mang hơi nóng xung quanh tòa nhà đến hệ thống sưởi trung tâm); trồng cây xanh trên 30.000 ha mỗi năm cho tới 2025.

Tại Mỹ, sau khi nhậm chức vào tháng 01/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để đưa Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris và đặt ra lộ trình ứng phó với vấn đề khí hậu ở trong và ngoài nước, đạt Net Zero trước năm 2050. Theo đó, Mỹ đưa ra cam kết vào năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50 đến 52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với mức cam kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tháng 7/2021, EU công bố một trong những kế hoạch tham vọng nhất thế giới nhằm giảm phát thải carbon và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, biến các mục tiêu xanh trở thành hành động cụ thể ngay trong thập kỷ này. Theo đó, Ủy ban châu Âu đã nêu ra chi tiết lộ trình giúp 27 quốc gia của khối chinh phục mục tiêu chung là giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính xuống 55% so với mức của năm 1990 vào năm 2030. Đây là một bước tiến hướng tới Net Zero vào năm 2050. Kế hoạch này đề xuất đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào phát thải; cấm ô tô chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2035; trồng 3 tỷ cây xanh vào năm 2030 như một phần của nỗ lực loại bỏ 310 triệu tấn carbon khỏi không khí.

Tại Đông Nam Á, tính đến tháng 3/2021, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Campuchia đã xây dựng mục tiêu “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC). Có thể thấy, các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng gia tăng nhận thức về tình trạng BĐKH toàn cầu. Điều này phản ánh trong các nỗ lực của các quốc gia trong việc đẩy nhanh mức giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và thích ứng khí hậu theo Thỏa thuận Paris. ASEAN ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng các sáng kiến phòng chống BĐKH trong nội khối như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nông nghiệp và an ninh lương thực, bảo vệ rừng và sử dụng đất, quản lý rủi ro thiên tai.

4. Cơ hội và thách thức trong thực hiện Net Zero của Việt Nam

4.1. Cam kết của Việt Nam

Tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH (có hiệu lực từ năm 2016), Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Trong NDC cập nhật năm 2020 đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch; Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.

Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

4.2. Cơ hội thực hiện Net Zero của Việt Nam

Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới Net Zero. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Với những cam kết mạnh mẽ và sự đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội phát triển kinh tế bền vững thông qua tăng trưởng ít phát thải, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là xu thế phát triển toàn cầu, đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển thế giới.

Có thể khẳng định, Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về "0" đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Đặc biệt, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo. Vì thế, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo, đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư và tín dụng của các tổ chức tín dụng - tài chính trên thế giới... đồng thời, tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi...

Ví dụ như, đầu tháng 12/2021, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc xây dựng một nhà máy mới 1 tỷ USD ở tỉnh Bình Dương - đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn. Không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư lớn từ châu Âu, dự án của LEGO còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 8 tỷ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại như năng lượng hydro tại Việt Nam.

4.3. Thách thức trong thực hiện Net Zero của Việt Nam

Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra tại Hội nghị COP26, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Để thực hiện việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng đến chấm dứt sử dụng than sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần nỗ lực lớn.

Theo đó, vấn đề năng lượng được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam, bởi hiện nay năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng - chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong NDC và mục tiêu Net Zero mới. Theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến năm 2050, 81% lượng phát thải đến từ năng lượng. Vậy năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, để đạt mục tiêu Net Zero, cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án than hiện tại. Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỷ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính.

Hiện nay, công suất điện than của nước ta đạt khoảng 21,3GW, đóng góp 50% tổng sản lượng điện. Con số này còn được tăng lên 40,9GW vào năm 2030 và lên tới 50,9GW vào năm 2035 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây được Bộ Công Thương xây dựng. Đặc biệt, với 15,8GW công suất nguồn điện ước tính chưa thu xếp được tài chính ở Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ là thách thức không nhỏ khi Việt Nam đã đưa ra mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 do đã có hơn 100 tổ chức tài chính đã thông báo rút khỏi các dự án khai thác than và nhà máy điện than để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.

5. Giải pháp thực hiện Net Zero của Việt Nam

5.1. Tăng thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo

Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Tính toán trên tất cả các phương án như đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; đốt rác trực tiếp để không thải ra CO2. Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả là phát triển năng lượng tái tạo, nguồn này phải chiếm từ 80-90% tổng công suất hệ thống thì Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo GWEC, nhu cầu về điện của Việt Nam có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ và các công nghệ khác. Đây cũng là hướng đi Việt Nam có thể hướng tới.

Cụ thể, đến năm 2030 có thể thay thế 5,8GW nguồn năng lượng tái tạo và đến năm 2045 tăng lên 5,6GW điện gió, 4,9GW điện mặt trời cùng 8,5GW điện khí (linh hoạt) để hỗ trợ cân bằng hệ thống, hạn chế cắt giảm công suất các nguồn tái tạo và đảm bảo nguồn cung ứng điện được ổn định.

Ngoài ra, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể được sử dụng cho việc phát triển nguồn tài nguyên điện tiết kiệm và đáng tin cậy trong những năm tới. Hiện nay, nguồn điện này chưa được triển khai tại Việt Nam. Chi phí điện gió đã giảm mạnh trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục trở nên cạnh tranh hơn khi cơ chế đấu thầu được triển khai. Sau giai đoạn khởi tạo ngành (4-5GW đầu tiên), điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể cạnh tranh về chi phí với điện than và khí.

Cần nhanh chóng mở rộng quy mô của điện sạch; ngừng cấp giấy phép mới, xây dựng mới, và hỗ trợ mới hay trực tiếp từ Chính phủ cho các dự án điện than; tăng cường nỗ lực trong nước và quốc tế để đảm bảo thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng.

Trước tiên phải điều chỉnh Dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng cam kết này. Đồng thời, chú trọng tới cơ chế tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh để hỗ trợ nguồn vốn cho thực hiện Net Zero ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến lược hành động quốc gia về ứng phó với BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng cũng sẽ nâng cấp mục tiêu theo Net Zero, đẩy sớm hơn thị trường carbon và các cơ chế chính sách về tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn…

Ngoài ra, một yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam, đó là việc phát triển năng lượng tái tạo đang nhận được sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ từ ngành tài chính toàn cầu, thông qua trái phiếu xanh, tài chính xanh, cũng như các cơ chế khác. Các tổ chức tài chính toàn cầu sẵn sàng đầu tư nhiều tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

5.2. Phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án giảm phát thải

Bên cạnh thách thức về vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, tín dụng xanh muốn có sự bứt phá hơn trong thời gian tới thì nhận thức về môi trường phải thật sự được nâng cao. Đối với riêng ngành Ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh; ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh…

Đóng góp lớn nhất của các ngân hàng chính là vai trò cung cấp nguồn vốn cho hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải, giúp các doanh nghiệp dịch chuyển dần khỏi các hoạt động phát thải nhiều carbon. Mặt khác, tín dụng xanh cũng đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững thông qua đầu tư vào các sáng kiến khí hậu để hỗ trợ những lĩnh vực tăng trưởng mới như năng lượng sạch và sản phẩm tối ưu hóa năng lượng. Đồng thời, ngành Ngân hàng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông chạy bằng điện, đường ray, kho dự trữ năng lượng, hấp thu và lưu giữ khí hydro và carbon.

Năm 2020, Việt Nam cũng chứng kiến 2 khoản tín dụng xanh với tổng giá trị 257 triệu USD: thứ nhất là khoản vay 71 triệu USD nằm trong gói tài chính 212,5 triệu USD do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cấp; thứ hai là khoản tín dụng xanh trị giá 186 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp cho một công ty tư nhân để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời 257 MW ở Phú Yên. Đây cũng là khoản tín dụng xanh đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Climate Bonds Initiative. Các tổ chức tài chính quốc tế như HSBC cũng tham gia lĩnh vực này từ năm 2019 với các khoản vay xanh dành cho cả khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, sản phẩm tiền gửi xanh cho doanh nghiệp và ngân hàng đang chuẩn bị cho các giao dịch xanh năm 2021 bao gồm những sản phẩm cho vay cả ngắn hạn lẫn dài hạn, bảo lãnh và hạn mức thương mại.

Khối ngân hàng trong nước cũng có nhiều các khoản vay cho phát triển xanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Hiện nay, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đang cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời khác tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến cuối năm 2021, MSB triển khai loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương tiềm năng với tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, là một phần trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo mà ngân hàng này công bố vào đầu năm 2021...

Để có thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như: ADB, World Bank, IMF và các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển năng lượng tái tạo quốc tế uy tín cả về vốn và trợ giúp kỹ thuật. Ngân hàng Nhà nước cân nhắc xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng dành cho năng lượng tái tạo như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo cao; điều chỉnh trọng số RWA đối với dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo thấp hơn so với tín dụng thương mại khi tính hệ số an toàn vốn.

Ngoài ra, bên cạnh việc cần những đơn vị đi tiên phong, những ngân hàng lớn dẫn đường, thì cũng cần có những chính sách cụ thể khuyến khích cho những đơn vị tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Bởi nếu không có hỗ trợ nhất định về lãi suất thì các khách hàng cũng chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước nên có gói hỗ trợ lãi suất với các dự án, chương trình tín dụng xanh, cũng như một số ưu đãi khác của Nhà nước như về chính sách, đất đai... Có như vậy thì các dự án này khi vay vốn mới có thể tiết giảm được chi phí, hoạt động tài chính hiệu quả hơn. Muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế hiệu quả, giảm phát thải thì phải được cụ thể hóa bằng biện pháp, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh.

6. Kết luận

Tuyên bố đạt Net Zero của Việt Nam đã phát đi tín hiệu tích cực nhằm thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, rất nhiều mục tiêu liên quan cần điều chỉnh tổng thể. Cần thiết được “bóc tách”, tính toán bằng “kịch bản Net Zero 2050” chi tiết...

Ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau, Việt Nam phải xây dựng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA, xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng dành cho năng lượng tái tạo, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2020).

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Kịch bản BĐKH của Việt Nam, cập nhật năm 2020.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 3/2021.

4. IPCC (2021), Báo cáo đánh giá lần thứ VI của IPCC về BĐKH (Climate change 2021). WMO&UNEP, 2021.

5. Nguyễn Quốc Việt (2021), Phát triển tính dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 3/2021.

6. Phạm Thị Hoàng Yến, Trần Thị Châu (2020), Đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ số 23 năm 2020.

7. Tim Evans (2021), Tài chính xanh và biến đổi khí hậu. Nhịp cầu Đầu tư,https://nhipcaudautu.vn/MegaStory/tai-chinh-xanh-vs-bien-doi-khi-hau-738.html

8. Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/toan-van-bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tai-hoi-nghi-cop26-676116.

9. Trần Thị Xuân Anh, Trần Thị Thu Hương (2021), Phát triển tín dụng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 8/2021.

10. Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương (2019), Chính sách phát triển tín dụng xanh và những vấn đề đặt ra trong các quy định pháp luật về cấp tín dụng. Tạp chí Ngân hàng, số 23/2019.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Ngân hàng

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới