Thứ năm, 28/03/2024 23:49 (GMT+7)

Giải quyết khủng hoảng chất lượng không khí từ Hoa Kỳ đến Việt Nam

PV -  Thứ ba, 26/01/2021 11:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 25/1 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm "Giải quyết vấn đề khủng hoảng Chất lượng Không khí: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam".

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt. Ước tính khoảng 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn thế giới liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà (WHO, 2018).

Trong số tất cả các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu.

Tại Việt Nam, thông tin về hiện trạng chất lượng và ô nhiễm không khí đang nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan quản lý, cộng đồng nói chung và truyền thông nhằm đưa ra các biện pháp quản lý, các hành động chung tay nhằm cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Giải quyết vấn đề khủng hoảng Chất lượng Không khí: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam".

Tuy nhiên, các phương pháp quan trắc chất lượng không khí hiện nay còn nhiều hạn chế: mật độ trạm quan trắc cố định còn thấp do chi phí lắp đặt và vận hành cao,  độ tin cậy chưa cao của mạng lưới cảm biến chi phí thấp mặc dù mật độ dày đặc  và tần suất quan trắc thấp của công nghệ ảnh vệ tinh. Các hạn chế này khiến việc theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí, đặc biệt tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2,5, trở nên khó khăn và chưa toàn diện.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: TS. Lý Bích Thủy (Giảng viên Viện Khoa học & Công nghệ môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Bà Lê Thanh Thủy (Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội), Ông Eric Wolvovsky (Chuyên gia tại Cục Quản lý Năng lượng Đại dương), Bà Brittany Thomas (Cán bộ môi trường của USAID/Văn phòng Môi trường và Năng lượng Việt Nam (OEE)), và Bà Đỗ Vân Nguyệt (Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng - Live & Learn).

Tọa đàm  nhằm cung cấp cho khán giả thông tin về những biện pháp Hoa Kỳ đã thực hiện để giải quyết chất lượng không khí khi không khí ở mức tồi tệ nhất, các chính sách và giải pháp tiềm năng của Việt Nam để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, tác động của việc giãn cách xã hội đối với chất lượng không khí của Hà Nội trong thời kỳ COVID-19 và các chương trình chất lượng không khí mới nhất của USAID.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết tình trạng ô nhiễm không khí của Việt Nam rất nghiêm trọng và cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết.

"Chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam thường ở mức không tốt cho sức khỏe và đây là vấn đề đáng lo ngại và tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông, mà một trong những nguyên nhân là do gió, thời tiết, đốt chất thải hoặc rơm rạ, khí thải từ phương tiện giao thông và sản xuất điện. Phái đoàn Mỹ đã thiết lập những hệ thống giám sát chất lượng không khí ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp các chỉ số chất lượng không khí cho nhân viên, công dân Mỹ ở Việt Nam cũng như tất cả ai quan tâm”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Lý Bích Thuỷ hiện là Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) cho biết: “ Ảnh hưởng thời tiết lên tới nồng độ bụi từng ngày là rất lớn. Nồng độ thường cao khi tốc độ gió thấp và khối khí di chuyển từ phía đông bắc hoặc đông đông nam. CO chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các nguồn địa phương như giao thông.

Bà Lý Bích Thuỷ hiện là Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST).

Qua nghiên cứu, nồng độ chất ô nhiễm sau khi loại bỏ ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết trong thời gian cách ly giảm so với trước cách ly. Nồng độ CO giảm 5-11% trong thời gian cách ly, nồng độ PM2.5 giảm 7-10% trong thời gian cách ly. Mức giảm của nồng độ sau loại bỏ yếu tố thời tiết chưa tương ứng với ước tính về mức giảm phát thải trong giao thông vào giai đoạn giãn cách cao của CO 60%, PM2.5; 49% và biến động sản lượng của nhiệt điện đốt than là 3%.

Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông tại Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết thành phố đã có những động thái tích cực nhằm đối phó với ô nhiễm không khí. Nổi bật là hai chỉ thị 15, ban hành năm 2019 và 2020, về việc loại bỏ bếp than tổ ong và hạn chế đốt rơm rạ, cùng chỉ thị 19 về các giải pháp giải quyết chất lượng không khí ở Hà Nội. Kết quả đạt được là Hà Nội đã giảm 91,61% bếp than tổ ong kể từ năm 2017 tới tháng 12/2020.

Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông tại Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội hiện chưa giảm. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hồi đầu tháng công bố hàng loạt nguyên nhân gây ô nhiễm như thời tiết, các cụm công nghiệp xung quanh phát triển manh, giao thông tăng cao, rác ùn ứ, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, trong đó có lát đá vỉa hè, sản xuất cuối năm gia tăng và Hà Nội cũng đang rất tích cực xây dựng kế hoạch để giảm thiểu ô nhiễm.

Bạn đang đọc bài viết Giải quyết khủng hoảng chất lượng không khí từ Hoa Kỳ đến Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.