Thứ sáu, 29/03/2024 22:00 (GMT+7)

Giảm đầu mối các Bộ vào năm 2030

Diệp Anh -  Thứ sáu, 16/07/2021 07:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mục tiêu của Chính phủ sẽ giảm đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện vào 2030.

Hiện nay, cơ cấu, tổ chức của Chính phủ gồm có 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 7 đơn vị trực thuộc. Năm 2021, tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.340. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập là hơn 106.830 biên chế; cơ quan thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện là 140.500. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.060 biên chế. Biên chế của các hội đặc thù trên cả nước là 680. Biên chế công chức dự phòng 550.

Theo Nghị quyết về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, được Chính phủ ban hành ngày 15-7, đặt mục tiêu phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đến năm 2025, Chính phủ khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị hành chính. Cả nước hoàn thành sắp xếp thu gọn các huyện, xã, thôn, tổ dân phố. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 10% cả nước; biên chế hưởng lương ngân sách giảm 10% so với năm 2021. Mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt 90%; mức độ hài lòng về y tế, giáo dục công lập đạt 85%.

Mục tiêu đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ; giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; giảm mạnh đầu mối tổ chức trung gian. Biên chế hưởng lương ngân sách giảm 10% so với năm 2025. Mức độ hài lòng của người dân với cơ quan hành chính đạt 95%; mức độ hài lòng về y tế, giáo dục công lập đạt 90%.

Một số chức năng, nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Các cấp được khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô đơn vị hành chính nếu đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý..

Năm 1997, một số tỉnh được tách ra, nâng tổng số 63 tỉnh thành như hiện nay.

Trước đây đã từng có thời kỳ Chính phủ có 36 bộ ngành (giai đoạn 1992-1997), sau đó qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định 22 bộ ngành từ khóa XII (2007-2011) đến nay. Trong quá trình đó, bộ máy Chính phủ có 26 bộ, ngành. Giữa năm 2007, một số bộ ngành được sắp xếp, sáp nhập theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giúp cho bộ máy Chính phủ giảm còn 22 bộ ngành.

Trong đó, Chính phủ từng sáp nhập Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bộ Văn hóa – Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các bộ có liên quan. Cụ thể, quản lý nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quản lý nhà nước về trẻ em sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù bộ máy hiện nay đã tinh gọn hơn tuy nhiên, bộ máy bên trong bộ, ngành còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “bộ trong bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.

Chính vì vậy việc sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục là câu chuyện được đặt ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 như Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII đã nêu. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ.

Theo đó, bộ máy Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhất quán và nâng cao hiệu quả mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ; nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Vấn đề này đã được các chuyên gia về tổ chức bộ máy nghiên cứu trong năm 2020 theo hướng rút gọn 22 bộ ngành xuống còn 20 bộ ngành bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.

Trụ sở Bộ Tài chính

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển đào tạo về Bộ Khoa học công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học công nghệ thành Bộ Khoa học công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – công nghệ và đào tạo.

Đồng thời, tách phần du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhập vào Bộ Công thương thành Bộ Công Thương và Du lịch. Chuyển quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Bộ Nội vụ sang Bộ Văn hóa thể thao thành Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.

Bạn đang đọc bài viết Giảm đầu mối các Bộ vào năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới