Giảm ùn tắc nhờ biển báo thông minh
Một tuyến đường tại Hà Nội đang thí điểm lắp đặt biển báo giao thông thông minh, nhằm giảm thiểu ùn tắc, mất ATGT. Hiệu quả bước đầu đem lại khá tích cực, được người dân quan tâm, ủng hộ.
Cảnh báo từ xa
Thời gian qua, dư luận xôn xao khi cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thường xuyên xảy ra sự cố khi các xe khách, xe tải... di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây mất ATGT, ùn tắc tại khu vực. Gần đây nhất vào sáng 11/12/2022, một ô tô tải chở hàng đi từ hướng Tây Sơn - Thái Hà, khi đi qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc bị vướng phần thùng xe vào khung hạn chế chiều cao, khiến cả một hướng cầu vượt bị ùn tắc.
Trước đó, vào hai ngày 13/6 và 19/6/2020, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh các xe ô tô Limousine BKS 29B - 207.43, xe ô tô tải khoảng 1,5 tấn BKS 29H - 358.29 và một chiếc xe 30 chỗ liên tục mắc kẹt tại đầu cầu vượt Thái Hà, phía Trường Đại học Thủy lợi. Hay trưa 11/6/2020, ô tô tải BKS 29C - 123.80 di chuyển từ hướng Ngã Tư Sở đi Tây Sơn, khi đến cầu vượt Thái Hà, dù có biển báo hạn chế chiều cao, lái xe vẫn cố tình điều khiển xe lên cầu. Hậu quả, xe tải này bị vướng thùng, kéo sập barie, mắc kẹt luôn tại đầu cầu phía cổng trường Đại học Thủy lợi.
Trước thực tế đó, Sở GTVT TP Hà Nội thí điểm lắp đặt biển báo thông minh nhằm đưa ra cảnh báo từ xa đối với phương tiện vượt khung giới hạn chiều
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình, đơn vị quản lý cũng cần lắp đặt biển báo to, hiệu ứng chạy đặc biệt hơn để lái xe có thể dễ dàng nhận biết từ xa hơn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên túc trực, phân luồng và hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông qua cầu. Đặc biệt, cần có những biện pháp mạnh hơn nữa như lắp đặt camera phạt nguội, xử lý nghiêm lái xe cố tình vi phạm.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
cao khi lên cầu. Không chỉ tại cầu vượt Thái Hà, nhằm giúp các phương tiện lựa chọn hướng di chuyển đúng, hạn chế ùn tắc tại Ngã Tư Sở, lối lên Vành đai 2 trên cao đoạn Trường Chinh - Ngã Tư Sở cũng được lắp đặt hệ thống biển báo thông minh nhằm kịp thời thông báo cho tài xế về tình hình ùn tắc.
Theo đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội, hệ thống biển báo thông minh này sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lý hình ảnh bằng camera. Mục đích để đo đếm lưu lượng phương tiện, phân loại phương tiện (xe tải, xe khách, ô tô con, xe máy), nhận diện biển số phương tiện (xe ô tô) và cảnh báo phương tiện quá khổ giới hạn lưu thông đi qua cầu.
Hệ thống camera thông minh hoạt động theo phương thức phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Qua đó, hệ thống sẽ trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử, được lắp đặt ngay phía lối lên, xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.
Theo Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội, trong tháng 1/2023, có 1.895.000 phương tiện đi qua cầu vượt Thái Hà, trong đó có 21.600 xe tải và xe khách được phát hiện và đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên vẫn có 7.900 phương tiện cố tình vi phạm, giảm 13% so với tháng 12/2022.
Hiệu quả rõ rệt
Việc lắp đặt biển báo thông minh đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thiếu tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng đội CSGT số 3 (Công an TP
Hà Nội) cho biết: “Việc lắp đặt hệ thống biển báo thông minh đã đem lại hiệu quả rõ rệt về công tác giảm thiểu phương tiện vi phạm đi lên cầu vượt Thái Hà. Tuy nhiên vẫn có một số ít phương tiện xe khách, xe tải vi phạm dẫn đến va chạm với khung giới hạn chiều cao”.
Đối với biển báo thông minh được lắp đặt tại đường Vành đai 2, Thiếu tá Đặng Hồng Giang cũng cho rằng, đang mang lại hiệu quả tích cực và nên được nhân rộng mô hình này tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội. “Qua biển báo, người dân hoàn toàn có thể chủ động biết được tình hình giao thông phía trước đang diễn ra như nào để có thể lựa chọn cho mình hướng di chuyển thuận lợi” - Thiếu tá Đặng Hồng Giang cho biết thêm.
Theo Thiếu tá Đặng Hồng Giang, đơn vị quản lý cũng cần có một số điều chỉnh để biển báo thông minh đạt hiệu quả hơn nữa như: Lắp đặt hệ thống loa cảnh báo với lượng âm thanh phù hợp, biển thông báo lắp to rõ ràng và thời gian cảnh báo kéo dài hơn nữa…
Anh Lê Văn Hùng, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Từ khi cầu vượt Thái Hà được lắp đặt, việc di chuyển thuận tiện hơn rất nhiều. Trước đây, cây cầu liên tục xảy ra va chạm giữa phương tiện và khung giới hạn chiều cao. Nhiều vụ tai nạn khiến tuyến đường ùn tắc hàng giờ đồng hồ”. Theo anh Hùng, thời gian gần đây, tình trạng xe khách, xe tải vi phạm đi lên cầu xảy ra va chạm giảm rõ rệt. Các phương tiện di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều.
Anh Lê Văn Trung, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi hằng ngày phải di chuyển qua đường Vành đai 2 trên cao để đi làm. Từ ngày có biển báo thông minh, tôi chủ động di chuyển dưới đường Trường Chinh, việc di chuyển thuận lợi hơn rất nhiều”.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc lắp đặt biển báo thông minh vào phân luồng, tổ chức giao thông đem lại hiệu quả rất rõ rệt. Qua số liệu cho thấy, tình trạng phương tiện vi phạm giảm đáng kể.
Theo Phạm Công/Kinh tế đô thị