Thứ năm, 25/04/2024 11:37 (GMT+7)

Giãn cách xã hội: Doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy đi đường vô tội vạ

MTĐT -  Thứ sáu, 30/07/2021 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu chỉ ra đường nếu thực sự cần thiết và phải có giấy xác nhận, tuy nhiên, tình hình giao thông đông đúc ở nhiều tuyến đường

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu chỉ ra đường nếu thực sự cần thiết và phải có giấy xác nhận, tuy nhiên, tình hình giao thông đông đúc ở nhiều tuyến đường cho thấy còn nhiều bất cập. Không ít công ty, DN cấp giấy xác nhận một cách tùy tiện, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cấp cả cho người học việc

Tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên đường Đê La Thành giao cắt Giảng Võ, số lượng lớn phương tiện ồ ạt đổ ra đường vào khoảng 18 giờ khiến công tác kiểm tra của lực lượng chức năng tại đây có phần vất vả. Ngoại trừ một vài người dân đi lại với lý do mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, còn lại đều là cán bộ, nhân viên làm việc ở các DN có trụ sở tại Hà Nội có giấy thông hành được lãnh đạo công ty cấp.

Giấy đi đường cũng xuất hiện tại mọi điểm kiểm soát dịch, nơi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Khi được yêu cầu, hàng ngàn tờ xác nhận được các công ty, đơn vị đóng dấu, tạo điều kiện cho nhân viên lưu thông với lý do phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh được xuất trình, muôn hình vạn trạng, không mẫu nào giống mẫu nào.

Do số lượng lớn người và phương tiện dồn tại một điểm, tình trạng ùn tắc cục bộ diễn ra nên lực lượng chức kiểm soát tại nhiều chốt chỉ thực hiện kiểm tra rút gọn rồi sớm giải tỏa giao thông. Đáng nói, có những công ty cấp giấy xác nhận cho cả nhân viên học việc, hay để trống thông tin mặc dù nội dung nêu lý do là “Do yêu cầu giải quyết công việc cấp bách”.

Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến như: Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc của Công ty TNHH Phát triển phần mềm Toshiba cấp cho một nhân viên thử việc; Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, mặc dù nội dung thể hiện công ty là đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu nhưng lãnh đạo công ty lại đóng dấu và chữ ký treo, riêng phần thông tin của nhân viên được cấp giấy là để trống.

DN cấp giấy xác nhận cho nhân viên học việc đi đường với lý do cấp bách



Nhiều ý kiến cho rằng, có sự vô trách nhiệm trong công tác chung về phòng, chống dịch của không ít lãnh đạo DN. Yêu cầu về giấy xác nhận đi đường vốn được đề ra để đảm bảo hoạt động của công ty, DN không bị gián đoạn trong thời gian giãn cách. Nhưng cấp giấy mà không kiểm soát, đôi khi là để chống chế với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ theo chỉ đạo của TP, điều này tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền và Nhân dân Hà Nội.

Làm rõ trách nhiệm người xác nhận

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND và kết luận chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội vừa ban hành mẫu giấy xác nhận sử dụng cho đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, TP yêu cầu chỉ cấp, sử dụng giấy đi đường trong các trường hợp cụ thể như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật.

Đối với người lao động trong TP làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng thiết yếu chỉ được tham gia giao thông khi đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý chặt chẽ người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Phải lập kế hoạch hoạt động, kèm theo danh sách người lao động được cấp Giấy đi đường.

Đặc biệt, theo chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội nêu rõ, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc cấp Giấy đi đường, chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây ra lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hạn chế số lượng người dân ra đường sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.


Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Phan Trường Thành cho biết: "Việc TP áp dụng quy định chặt chẽ về nội dung trong Giấy đi đường là hợp lý và kịp thời. Trong 6 ngày kể từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, tình trạng người và phương tiện tham gia giao thông vẫn cao, thậm chí ùn tắc ở một số chốt kiểm soát đường ngang, ngõ tắt tạo ra rất nhiều lo lắng về sự thiếu đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch".

Việc áp dụng mẫu giấy chung, quy trách nhiệm trực tiếp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát mục đích lưu thông, đi làm nhiệm vụ của người được cấp giấy. Tuy nhiên, Thạc sỹ Phan Trường Thành nhấn mạnh, lực lượng chức năng tại các chốt cần nắm bắt rõ tinh thần chỉ đạo của TP, kiểm soát kỹ các giấy đi đường được xuất trình để hạn chế tiêu cực và xử phạt răn đe khi phát hiện vi phạm.

Theo Vũ Khoa-Minh Tường/Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Giãn cách xã hội: Doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy đi đường vô tội vạ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới