Thứ năm, 18/04/2024 17:44 (GMT+7)

Giáo dục địa phương - nhìn từ Phú Quốc

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ sáu, 21/09/2018 08:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình GD phổ thông mới có một điểm nhấn rất quan trọng, đó là đưa nội dung GD địa phương vào chương trình học cho HS THCS và THPT.

Từ chủ trương giáo dục địa phương…
Đây là chủ trương không mới. Vì từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục địa phương và áp dụng cho đến nay. Có điều là, sau một thời gian thực hiện, cùng với việc “tự phát” ở một số địa phương vượt “khung” quy định và tầm “kiểm soát” của Bộ đã đặt lại vấn đề về tính hiệu quả.

Theo chủ trương, để thực hiện nội dung giáo dục địa phương, các Sở GD-ĐT phải chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá để xếp loại HS cuối học kỳ và cuối năm học. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì thẩm quyền xây dựng kế hoạch giáo dục địa phương là của UBND các tỉnh, thành. Muốn thực hiện tốt, các sở phải chuẩn bị tài liệu dạy học, trình UBND tỉnh, TP kế hoạch thực hiện giáo dục địa phương; chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định để ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Cần tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương thuộc các môn học, như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, công nghệ, thể dục (THCS và THPT) và môn mỹ thuật, âm nhạc (THCS). Chẳng hạn, môn thể dục có thể lồng ghép giới thiệu về các môn thể thao truyền thống tại địa phương mà trường phổ thông sở tại.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông mới cụ thể như sau: Ở tiểu học, nội dung giáo dục địa phương tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Từ lớp 6 đến lớp 12 thì mỗi một lớp học, năm học là 35 tiết dành cho nội dung giáo dục của địa phương, tổng số tiết là 245.

Trong giờ học về lịch sử địa phương của thầy và trò một trường PTTH (Internet)

Sở dĩ phải dành nhiều thời lượng hơn cho nội dung giáo dục địa phương vì theo GS Thuyết, mỗi địa phương có nhu cầu khác nhau để đào tạo công dân của mình. Ví dụ, TP.HCM có chiến lược TP thông minh, vậy sẽ phải xây dựng chương trình giáo dục để đào tạo ra những công dân để sống và làm việc trong TP thông minh thì phải được tự quyết điều đó. Hoặc như ở Hà Nội, muốn dạy văn hóa Tràng An; ở Tây Nguyên thì muốn dạy cho HS về văn hóa Tây Nguyên, về cây công nghiệp, từ trồng trọt, chế biến, kinh doanh, tiếp thị như thế nào... Tất cả những nội dung đó cần để cho địa phương tự quyết kế hoạch giáo dục.

Đến điểm nhìn từ Phú Quốc
Vừa rồi, theo cơ quan, tôi có chuyến đi mấy ngày ở Phú Quốc. Đoàn đến tham quan nhiều nơi, như trại nuôi cấy trai lấy ngọc, cơ sở sản xuất nước mắm, trang trại sản xuất rượu sim, điểm trồng và bán tiêu... Nhưng ấn tượng nhất trong chuyến đi với tôi là đi chợ đêm Dinh Cậu. Đây được xem là "điểm nhấn" hấp dẫn trong các “tour” cho du khách thập phương. Chỉ dài khoảng hơn 100 mét, nhưng chợ đêm này có đầy đủ các hải sản đặc trưng của vùng biển xứ phương Nam với rất nhiều món ăn bắt mắt và quyến rũ. Nhiều gian bán hàng lưu niệm vô cùng phong phú, đèn sáng rực suốt đêm.

Trong đó, gây sự tò mò thú vị nhiều nhất cho khách tham quan là tại đây có một gian hàng bán lạc (đậu phụng) rang. Thú vị là ở chỗ chủ gian hàng không phải người địa phương, mà là người nước ngoài. Theo tìm hiểu của tôi thì họ là những người Pháp. Lẽ thường, khi ra chợ đêm này, ai cũng nghĩ ngay đến một món hải sản ngon nào đó do chính người địa phương chế biến. Thế thì có "lạc lõng" không khi điểm vào đó có một gian hàng người Tây, không phải món ăn Tây, mà rất thuần Việt: lạc rang! Thế mà gian hàng này vẫn hấp dẫn du khách. Chỉ trong mấy phút, tôi đã chứng kiến rất nhiều người dừng lại gian hàng này. Họ thưởng thức "lạc rang 10 vị", chụp hình lưu niệm với các chủ quán "đặc biệt". Tôi đem điều thú vị này chia sẻ với bạn tôi, một cô giáo dạy học tại đây, thì được cô cho biết: "Ở đây còn một ông Tây nữa, tuổi còn rất trẻ, làm bánh mì ngọt, thường bỏ vào mâm rồi mang ra bán ở chợ Dương Đông...!".

Câu chuyện về các ông Tây ở tận miền đất xa xôi nào đến Phú Quốc để lập nghiệp ở trên mở ra cho ta nhiều suy ngẫm. Đó là nghĩ về vấn đề lập nghiệp của học sinh và tận dụng lợi thế của địa phương. Không biết có bao nhiêu em HS trên huyện đảo này sau khi rời ghế nhà trường xác định một nghề dù bình dị nhưng dễ hái ra tiền ngay trên "vùng đất hứa" của mình? Những thí sinh còn lại, sẽ có nhiều em trúng tuyển vào cao đẳng, đại học. Nhưng không chắc sẽ có bao nhiêu người nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp, sẽ hồi hương lập nghiệp dựa trên thế mạnh của quê mình?

Ngồi trên thuyền ra biển câu cá ở Bãi Sao (một bãi biển được xếp loại hoang dã bậc nhất ở huyện đảo này), tôi thầm thắc mắc tại sao lại ít có người dân của địa phương làm kinh doanh cho các dịch vụ du lịch nơi đây mà chỉ toàn người vùng khác tới?

Chia tay Phú Quốc, trong đầu chập chờn nhiều nghĩ ngợi. Từ Phú Quốc mà nghĩ đến các nơi khác. Nghĩ về đào tạo nguồn nhân lực, hướng nghiệp, việc làm gắn liền với thế mạnh của địa phương cho HS hiện nay. Lòng mơ hồ buồn vì mới mấy hôm trước đây thôi, đọc được con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cứ tăng dần tăng dần lên. Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong tôi: Phải chăng con số thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ là con số ảo, nếu chúng ta thật sự có những giải pháp tích cực từ bài toán giáo dục địa phương?!

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục địa phương - nhìn từ Phú Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.