Thứ năm, 25/04/2024 06:33 (GMT+7)

Giấu “nhẹm” nợ xấu, Vietinbank được phép giữ lợi nhuận tăng vốn

MTĐT -  Thứ năm, 09/01/2020 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vietinbank báo lợi nhuận khủng gần 11.500 tỉ đồng, nhà băng này sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn, mặc dù trong quý 3 năm 2019, tổng nợ xấu lên đến 8.800 tỷ đồng.

Tăng vốn là vấn đề khẩn thiết đối với Vietinbank

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam - Vietinbank (mã: CTG), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, trong đó, Vietinbank sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn.

Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện sửa đổi Nghị định để báo cáo Chính phủ tăng vốn, phía Vietinbank cũng cần báo cáo Bộ Tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh.

Phải nói rằng đây là thông tin đáng mừng được lãnh đạo và cổ đông Vietinbank chờ đợi suốt nhiều năm qua trong bối cảnh ngân hàng chịu áp lực tăng vốn lớn. Kế hoạch tăng vốn đã được trình lên ĐHCĐ thường niên thông qua từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Vietinbank hàng năm vẫn ghi nhận lợi nhuận nghìn tỉ, lợi nhuận chưa phân phối rất lớn, song do Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank... phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để nộp về ngân sách Nhà nước, khiến kế hoạch tăng vốn bị trì hoãn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: Vietinbank. 

Năm 2018, phương án tăng vốn chưa được phê duyệt được cho là lý do khiến quy mô tăng trưởng của VietinBank thu hẹp. Cụ thể, dư nợ tín dụng chỉ tăng 6,1% so với năm trước, không đạt mức kế hoạch (8% - 9%), lợi nhuận hợp nhất đạt 6.730 tỉ đồng, giảm gần 27% so với năm trước.

Theo báo cáo của Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ, năm 2019 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng là 7,2% so với cuối năm 2018; các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động đạt được ở mức cao.

Cụ thể, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2019 đã tăng 43% so với năm 2018; tỉ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 120%, tăng mạnh so với tỉ lệ 93% của năm 2018.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2019 của Vietinbank đã tăng 43% so với năm 2018.

Lãnh đạo Vietinbank cho rằng, việc tăng vốn là vấn đề rất khẩn thiết tại thời điểm hiện tại. Mặc dù được phê duyệt phương án tăng vốn từ lợi nhuận để lại thì cũng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vốn thực tế của ngân hàng.

Bên cạnh đó, Vietinbank sẽ không thể tăng vốn qua con đường phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài do tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65% vốn điều lệ, trong khi cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần chạm trần sở hữu tối đa cho phép, dư địa tăng vốn của VietinBank hiện có phần "khiêm tốn" hơn so với các ngân hàng khác.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của Vietinbank còn hơn 18.752 tỉ đồng. Ngoài ra, quỹ của các tổ chức tín dụng và thặng dư vốn cổ phần có hơn 17.000 tỉ đồng. Với việc có thể được dùng nguồn lợi nhuận năm 2017-2018 để phát hành tăng vốn, thì Vietinbank cũng chỉ tăng thêm được 50% so với vốn điều lệ hiện tại.

Chất lượng nợ xấu đáng báo động

Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhận kết quả kinh doanh của VietinBank tăng tích cực trong năm 2019 nhưng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính của VietinBank từ quản trị điều hành, kiểm soát tốt chất lượng và hiệu quả tín dụng, không tạo ra tăng trưởng quá nóng, triển khai đề án tái cơ cấu.

VietinBank cần phải nhanh chóng thoái các khoản đầu tư ngoài ngành chưa thực hiện được trong năm qua, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng nợ bán cho VAMC còn lớn, Thống đốc giao nhiệm vụ, năm 2020 VietinBank phải giảm ít nhất 30% nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC.

Chất lượng nợ xấu của VietinBank thời điểm cuối quý 3/2019. (Nguồn: BCTC VietinBank, Trái phiếu VAMC tính đến 30/6/2019). 

Theo báo cáo quý III/2019, quy mô nợ xấu của Vietinbank tăng đột biến lên tới 14.065 tỉ đồng. Nợ xấu tăng rất mạnh từ 9.011 tỉ đồng vào cuối năm 2017 lên 10.296 tỉ đồng (quý 1/2018), tiếp tục leo lên mức 11.227 tỉ đồng vào cuối quý 2/2018. Có thể thấy chưa đầy 2 năm, Vietinbank đã phát sinh thêm tới hơn 6.000 tỉ đồng nợ xấu và có tới 8.800 tỉ đồng nợ xấu có nguy cơ mất vốn (tính đến cuối quý 3/2019).

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.682 tỷ đồng, giảm 21% so với thời điểm 31/12/2018, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đạt 3.552 tỷ đồng, tăng 70%, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) dù giảm 7% nhưng vẫn ở mức cao với 8.831 tỷ đồng. Theo đó, tỉ lệ trích lập dự phòng nợ xấu của Vietinbank đang là 118%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của Vietinbank đang ở mức 1,6%.

Nợ có khả năng mất vốn của Vietinbank vẫn ở mức cao trong quý III/2019. 

Nợ xấu phình to là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh, cản trở việc mở rộng tín dụng, cải thiện các chỉ số tài chính của ngân hàng... để xử lý, Vietinbank đã phải xử lý khẩn cấp bằng việc bán nợ xấu sang VAMC, tuy nhiên đây cũng chỉ là một biện pháp tình thế.

Các báo cáo tài chính cho thấy, khối nợ xấu rất lớn của Vietinbank vẫn đang nằm chủ yếu ở Công ty VAMC (thông qua nghiệp vụ bán nợ, nhận lại bằng trái phiếu VAMC) suốt nhiều năm qua chưa xử lý được, khiến ngân hàng này đều đặn trích lập dự phòng rủi ro, chờ có biện pháp xử lý khả dĩ hơn.

Đến cuối quý 2/2019 Vietinbank đã ghi nhận số trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước lên tới 40.159 tỉ đồng, với tổng số dự phòng chỉ hơn 552 tỉ đồng. Chưa rõ khi nào ngân hàng này có thể tất toán được khối nợ xấu lên tới hàng tỉ USD đang "gửi" ở VAMC.

Đối với khoản nợ xấu này, Thống đốc giao nhiệm vụ, năm 2020 VietinBank phải giảm ít nhất 30% nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC.

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2019 tăng tích cực, tuy nhiên, xử lý nợ xấu vẫn là nhiệm vụ cấp bách mà Vietinbank cần phải chú trọng. Những cải thiện tích cực này sẽ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. 

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Giấu “nhẹm” nợ xấu, Vietinbank được phép giữ lợi nhuận tăng vốn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành