Thứ năm, 25/04/2024 06:36 (GMT+7)

Giúp các làng nghề Hà Nội vượt khó do Covid-19

MTĐT -  Thứ bảy, 18/09/2021 08:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các làng nghề đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thừc, thiếu nguồn nhân lực, nguyên liệu sản xuất...

Để duy trì hoạt động của làng nghề, thành phố và các địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh trụ vững trong khó khăn, sẵn sàng đón cơ hội mới khi dịch Covid-19 được khống chế.[1]

Khó khăn chồng chất

Xã Chuyên Mỹ được ví như “thủ phủ làng nghề” của huyện Phú Xuyên với 7/7 thôn có nghề truyền thống như đồ gỗ, sơn mài, khảm trai... Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Vũ Quốc Thương cho biết, trên địa bàn xã có 1.350 cơ sở sản xuất lớn. Song, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện tại có hơn 700 cơ sở sản xuất khảm trai, đồ gỗ phải ngừng hoạt động, hơn 500 cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu hoạt động cầm chừng.

Tương tự, làng nghề gốm sứ Bát Tràng ,huyện Gia Lâm với hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh vốn sôi động bậc nhất thành phố cũng rơi vào tình trạng “đóng băng”. Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 2, xã Bát Tràng phải hủy 3 hợp đồng trị giá gần 300 triệu đồng đã ký trước đó, vì toàn bộ lao động tay nghề cao ở tỉnh Hưng Yên không thể đến làm việc do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội...

Làng nghề thêu ở xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) cũng phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Theo Trưởng thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến) Phạm Văn Mến, thôn có 572 hộ dân thì tới 90% làm nghề thêu với hơn 100 cơ sở thêu lớn. Tác động bởi dịch Covid-19, các đối tác truyền thống ngừng nhập hàng, lại không có đơn hàng mới nên đa số các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa. Thêm nữa là sản phẩm tồn kho, trong khi các cơ sở vẫn phải trả lãi suất ngân hàng...

Địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu mua nguyên liệu gặp khó khăn, chi phí tăng cao, trong khi sản phẩm của làng nghề không vận chuyển đi tiêu thụ được nên sản xuất bị đình trệ... 

tm-img-alt
UBND TP.Hà Nội đã công nhận nghề thêu phục chế ở làng Đông Cứu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Ảnh: Lan Nhi

Trợ lực để vượt qua thách thức

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, làng nghề của Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương, do đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành để hỗ trợ các làng nghề vượt qua đại dịch. Trong đó, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp làng nghề. Mặt khác, các làng nghề cần chủ động thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh... để thích nghi với điều kiện thực tại, tìm kiếm cơ hội mới. Cùng với đó là thúc đẩy thương mại điện tử, thay đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 và duy trì các nguồn lực cho làng nghề lấy đà phục hồi, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, như: Ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lao động hoạt động thương mại tại các làng nghề; tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu vào làng nghề, xe container của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ...

Về phía các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề, chủ cơ sở thêu Đốc Phà, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đã điều chỉnh lại công tác quản lý, tổ chức nhân sự, quy trình sản xuất... để nâng cao hiệu quả hoạt động - gồm cả nghề thêu và hoạt động du lịch dịch vụ, ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế...”.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí thông tin, ngành Nông nghiệp Thủ đô thời gian qua đã ban hành một số chính sách hỗ trợ làng nghề. Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 60 lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho 2.400 lao động, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề; 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu mã, marketing, kinh nghiệm xuất khẩu...; đồng thời hỗ trợ các làng nghề vay vốn thông qua các nguồn quỹ ưu đãi. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu làng nghề...

tm-img-alt
Làng nghề mây tre giang đan Phú Nghĩa

Cùng cảnh ngộ, Chủ tịch Hội Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Trung cho biết nguyên liệu mây, tre của làng nghề chủ yếu nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc... Gần đây, nhiều địa phương với hoạt động giải pháp trợ giúp của thành phố và các địa phương cũng như nỗ lực tự thân của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, mỗi làng nghề Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đón nhận những cơ hội phát triển mới.

tm-img-alt
Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại Phú Nghĩa. Ảnh: Trần Việt

Hỗ trợ 15 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến [2]

(HNM) – Để tăng cựờng công tác quản lý chế biến, thương mại, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai kế hoạch hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát 40 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, lựa chọn hỗ trợ 15 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Đặc biệt, để bảo đảm nguồn cung ứng nông sản cho Hà Nội trong điều kiện giãn cách xã hội, Sở phối hợp với chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản các tỉnh trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, trao đổi, cung cấp thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, kết nối tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh.

Quốc Oai đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản [3]

Từ nay tới cuối năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo trên địa bàn huyện Quốc Oai còn dư khoảng 3.210 tấn gạo; 40 tấn thịt lợn; 250 tấn thịt trâu, bò; 270 tấn thịt gia cầm; 400 tấn thủy sản; 142 triệu quả trứng. Để bảo đảm ổn định sản xuất, huyện đã xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo đó, huyện Quốc Oai đã kết nối với Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở Công Thương đưa nông sản tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng lưu động; kêu gọi các quận tham gia tiêu thụ... UBND huyện lập chuyên mục kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản và hàng hóa trên Cổng thông tin điện tử của huyện... Hiện nay, huyện tiếp tục rà soát tình hình nông sản ở các địa phương để kết nối tiêu thụ

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Vì vậy, huyện chủ động thuê xe vận chuyển nông sản và đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp giấy lưu thông để vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân.

Tài liệu tham khảo:

1. HNM 1/9/2021 Bạch Thạch “Giúp các làng nghề Hà Nội vượt khó”.

2. Đỗ Minh “Hỗ trợ 15 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến”. 

3. Quỳnh Ngọc“Quốc Oai đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản”

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở Khoa học, CN và Môi trường Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Giúp các làng nghề Hà Nội vượt khó do Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành