Thứ ba, 19/03/2024 18:48 (GMT+7)

Gỡ khó cho các chủ thể sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 07/12/2021 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP duy trì, phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng còn không ít chủ thể phải dừng sản xuất do không phát triển được thị trường.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội (cơ quan chủ trì Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, cùng với việc xem xét các tài liệu, chứng từ, hồ sơ sản phẩm lưu trữ, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP đã kiểm tra thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã về việc tuân thủ các quy định sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các tiêu chí khác liên quan đến đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số sản phẩm sau khi được công nhận đều duy trì và phát triển tốt hơn.

Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hiện sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú (sản phẩm OCOP 4 sao) có đầy đủ hồ sơ minh chứng chất lượng sản phẩm như: Giấy chứng nhận hữu cơ, phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng; có hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR... Nhờ đó đã tạo được uy tín với người tiêu dùng. Tổng doanh thu sản phẩm OCOP từ đầu năm 2021 đến hết tháng 10 năm 2021 của hợp tác xã là 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng cho thấy, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP vẫn còn một số thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Nhãn mác trên sản phẩm của một số đơn vị thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch so với đăng ký; cơ sở sản xuất thiếu biển hiệu; thiếu giấy chứng nhận, hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng hoặc công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất cần được chú trọng hơn...

Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP duy trì, phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng còn không ít chủ thể phải dừng sản xuất do không phát triển được thị trường. Ví dụ như: Sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe hương quê” của Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam (huyện Đan Phượng); sản phẩm “Đậu tương hữu cơ” của Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Đông Phú (huyện Chương Mỹ); sản phẩm “Trà chanh vàng” của hộ kinh doanh Lê Đình Tuân (huyện Thanh Trì)... đã phải dừng sản xuất.

Cùng với đó, dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho các chủ thể OCOP trong việc tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã  Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Hoàng Long cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một thời gian dài các bếp ăn tập thể, hàng quán phải đóng cửa. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thời điểm phải dừng sản xuất.

Htrợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm

Chủ thể của 2 sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Khang Thịnh (xã Song Phưọng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Tiến Quân cho biết: “Quá trình sản xuất, kinh doanh, đơn vị gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ kết nối với các siêu thị và sàn thương mại điện tử để tạo thểm “đầu ra” cho sản phẩm”. Còn theo anh Lê Đình Tuấn (huyện Thanh Trì) - chủ thể của 11 sản phẩm OCOP, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực, cơ sở mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt nhận định, một trong những mục tiêu của công tác hậu kiểm các sản phẩm OCOP đã được thành phố Hà Nội công nhận là để giúp các chủ thể OCOP tiếp tục khắc phục hạn chế, hoàn thiện sản phẩm một cách hoàn hảo hơn.

Liên quan đến nguồn vốn phục hồi sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội có rất nhiều kênh cho vay vốn ưu đãi đối với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đơn cử, người dân có thể vay vốn từ Quỹ Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân thành phố Hà Nội), Quỹ của Liên minh Hợp tác xã thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội... Để tiếp cận các nguồn vốn này, chủ thể phải đăng ký qua UBND các quận, huyện, thị xã và đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện vay vốn.

Về việc tháo gỡ khó khăn, tạo “đầu ra” cho sản phẩm, ông Nguyễn Văn Chí thông tin thểm, trong tháng 12/2021, thành phố sẽ tổ chức 4 sụ kiện tuần hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng Thủ đô. Tại các sự kiện này, Ban Tổ chức đều mời các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tới kết nối với người sản xuất sản phẩm OCOP, mở ra các cơ hội hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, để sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt hiệu quả cao trong thực tế thì tinh thần tự giác, trách nhiệm của các chủ thể trong chấp hành, thực thi các quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP là yếu tố mang tính quyết định. Các sản phẩm OCOP phải là niềm tự hào của mỗi chủ thể và của địa phương.

40 sản phẩm của Chương Mỹ tham gia đánh giá, phân hạngOCOP năm 2021

Thành viên Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và của huyện Chương Mỹ vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 cho 40 sản phẩm của 13 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021 của huyện đa dạng như: Rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của chủ thể Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn; bưởi Diễn của 3 chủ thể: Hơn Phương Tiến), Hợp tác xã nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (xã Trung Hòa); sản phẩm trứng gà của Hợp tác xã Đô Phát (xã Trường Yên)...

Trên cơ sở đánh giá tại hội nghị, những sản phẩm đạt tiêu chí theo quy định tiếp tục được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội tổng hợp báo cáo trình UBND thành phố quyết định kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố để cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 theo quy định.

Đy mạnh tiêu thụ nông sản của Thạch Thất theo chuỗi liên kết

Nhằm nâng cao đời sống người dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện Thạch Thất xây dựng, phát triển được 6 mô hình sản xuất theo chuỗi, như: Mô hình sản xuất 10 ha rau an toàn và mô hình trồng 15 ha khoai tây vụ xuân làm giống của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con lợn thương phẩm ở xã Bình Yên; mô hình chuỗi sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu... Các mô hình liên kết đều cho thu nhập 350-445 triệu đồng/ha/năm.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Thạch Thất tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch. Ngoài ra, huyện hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cho vùng sản xuất rau, quả an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Tạo vị thế xứng đáng

Tương tự, nhiều tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; đồng thời hỗ trợ các chủ thể duy trì chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, sau khi được xếp hạng “sao”, nhiều chủ thể OCOP đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm như đã công bố hoặc không duy trì được sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm bán ra thị trường không có bộ nhận diện theo quy định của Chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Do vậy, có thể nhận định, công tác “hậu kiểm” chính là khâu “then chốt” trong việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Thông qua các hoạt động thanh tra, giám sát, cơ quan chức năng không chỉ phát hiện, xử lỷ kịp thời những vi phạm quy định của pháp luật mà còn hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc hoàn thiện sản phẩm; xây dựng, củng cố thương hiệu...; qua đó nâng cao giá trị, cũng như uy tín của sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, xếp hạng... cơ quan chức năng của Hà Nội và các địa phương cần chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết phải coi hậu kiểm các sản phẩm OCOP là công việc thường xuyên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương; qua đó, chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường kỳ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi các sản phẩm xếp hạng “sao” nhưng không duy trì được chất lượng theo quy chuẩn. Cùng với đó là hỗ trợ các chủ thể triển khai đồng bộ giải pháp quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn đã công bố, bảo đảm uy tín của sản phẩm OCOP đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Cùng với tăng cường hướng dẫn các chủ thể đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ... là đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP. Bởi khi các chủ thể tham gia vào hệ thống dữ liệu, cơ quan chức năng có thể giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm mới; đồng thời tiếp nhận phản hồi của khách hàng...

Và vấn đề quan trọng nhất là các chủ thể phải ý thức được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn để có kế hoạch đầu tư hệ thống giám sát hàng hóa, từ nguyên liệu đến thành phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ “đầu ra”, dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP trước khi lưu thông trên thị trường, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt là chú trọng việc công bố cho các nhà phân phối, người tiêu dùng khi có thay đổi về mẫu mã sản phẩm, chất lượng hàng hóa... để tạo sự tin cậy giữa các bên liên quan.

Sự nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quyết tâm của cơ quan quản lý trong công tác “hậu kiểm” sẽ đem lại những giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Và thực tế cho thấy, chỉ khi khẳng định được chất lượng và thương hiệu, sản phẩm OCOP mới có được niềm tin, giành được vị thế xứng đáng trên một thị trường mở, giàu tính cạnh tranh như hiện nay.

Thanh Oai khai thác lợi thế phát triển kinh tế nông thôn

Thanh Oai là huyện nông nghiệp phát triển với đa dạng sản phẩm. Toàn huyện có 51 làng đã được công nhận là làng nghề và làng có nghề. Đây được coi là thế mạnh của Thanh Oai khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thanh Oai xác định khai thác lợi thế phát triển sản phẩm OCOP là nguồn lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Những năm qua, dù chịu tác động lớn từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, song Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân ước) vẫn duy trì sản xuất hiệu quả, không bị tác động từ dịch bệnh. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết, bằng việc phát triển chăn nuôi theo quy trình khép kín, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu “Chuỗi thực phmA-Z”. Hằng ngày, chuỗi cung ứng của hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. “Thương hiệu Chuỗi thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. Hợp tác xã đang nỗ lực để đưa sản phẩm này được công nhận 5 sao cấp quốc gia” - ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.

Tương tự, đến nay, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) đang đẩy mạnh tiêu thụ nhờ có sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7. Hợp tác xã đang duỵ trì 400 ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250 ha lúa nếp cái hoa vàng. Nhờ được chứng nhận OCOP, những năm qua, hợp tác xã đã liên kết, ký kết với một số công ty để tiêu thụ ổn định sản phẩm cho xã viên, nông dân.

Về triển khai Chương trình OCOP của huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn đánh giá: Là huyện có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, Thanh Oai coi trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn liền chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ. Phát triển sản phẩm OCOP địa phương là cơ sở quan trọng thực hiện các tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu. Đến nay, huyện có 33 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao, một số sản phẩm đang xin tăng hạng 5 sao. Từ nay đến cuối năm 2021, huyện phấn đấu xếp hạng thêm 30 sản phẩm, tập trung cho sản phẩm làng nghề truyền thống.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, Thanh Oai đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể đăng ký, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đang tập trung cho việc xếp hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP năm 2021. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Ngoài ra, Thanh Oai vận động các cơ sở tham gia Hội chợ OCOP tại thành phố Hà Nội; tập huấn về Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, tổ chức các gian hàng trưng bày…

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Mai “Gỡ khó cho các chủ thể OCOP”. HNM 06/12/2021.
  2. Dũng – Quỳnh “Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của Thạch Thất theo chuỗi liên kết”.
  3. Thế Văn “Tạo vị thế xứng đáng”.
  4. Đỗ Minh “Thanh Oai khai thác lợi thế phát triển kinh tế nông thôn”.
Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó cho các chủ thể sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.