Thứ bảy, 20/04/2024 08:45 (GMT+7)

Gỡ vướng trong xử lý nước thải

MTĐT -  Thứ sáu, 16/09/2022 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để khắc phục tình trạng nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành, gây lãng phí, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Qua đợt giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều trạm xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành, gây lãng phí. Để khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Gỡ vướng trong xử lý nước thải
Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội kiểm tra thực địa Trạm xử lý nước thải Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Chậm vận hành gây lãng phí

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276.000m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Tuy nhiên, giám sát của HĐND thành phố cho thấy, nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được xây dựng nhưng không đấu nối và chưa đi vào hoạt động. Đơn cử như Nhà máy xử lý nước xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải và nhà điều hành quản lý, nhưng vẫn chưa thể vận hành vì thiếu một số hạng mục…

Hay như Trạm xử lý nước thải tại Khu đô thị Việt Hưng, trạm xử lý nước thải duy nhất trong các khu đô thị ở quận Long Biên, đã xây dựng hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí. Bên cạnh đó, Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã được đầu tư từ năm 2008 nhưng chưa vận hành, hiện các thiết bị đã cũ, hỏng.

Trong khi đó, theo Sở Công Thương Hà Nội, đến tháng 8-2022, thành phố mới có 30/80 cụm công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 cụm đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến năm nay hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Qua giám sát của HĐND thành phố gần đây cho thấy, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang chậm so với kế hoạch. Một số cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc đấu nối xả thải với hệ thống này. Cùng với đó, việc thu phí nước thải cũng gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của doanh nghiệp, người dân...

Gỡ vướng trong xử lý nước thải
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát tại Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội).

Đề xuất các giải pháp

Trước những tồn tại trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, do cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng. Cùng với đó là có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm xử lý nước thải khi nguồn thu chưa bảo đảm cân đối với nguồn kinh phí quản lý, vận hành.

Với các cụm công nghiệp diện tích nhỏ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải cần có giải pháp đấu nối nước thải với các cụm công nghiệp khác đang triển khai gần khu vực và đã có hệ thống xử lý nước thải để tránh lãng phí tài chính trong vận hành trạm. Đối với cụm công nghiệp không còn quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải thì đề nghị bổ sung quy hoạch để triển khai.

Sở Công Thương cũng đề nghị thành phố tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường với doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của cụm công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, để thực hiện tốt công tác xử lý nước thải, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mức giá thu phí xử lý nước thải đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp để bảo đảm duy trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, đề xuất thành phố đặt hàng các đề tài khoa học xử lý nước thải ngay tại hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề truyền thống. Từ đó, người dân có thể ứng dụng được và chi phí sẽ thấp hơn so với đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Đặng Việt Trung cho biết, đầu tư lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đòi hỏi nguồn lực rất lớn, ngân sách thành phố chưa đủ đáp ứng. Vì thế, sau gần 10 năm, nhiều dự án chưa được đầu tư, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về xử lý nước thải.

Ông Đặng Việt Trung thông tin thêm, thời gian tới, ngoài đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư, thành phố cũng xem xét bố trí vốn hằng năm cho 7 dự án trong danh mục dự án khởi công mới. Hiện 7/11 dự án đã được UBND thành phố có quyết định giao các sở: Xây dựng, NN&PTNT chủ trì, phối hợp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ vướng trong xử lý nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...