Thứ sáu, 29/03/2024 22:12 (GMT+7)

Góc khuất của nghề móc cống: Gặp gì cũng vớt, nuốt không nổi cơm

MTĐT -  Thứ tư, 09/03/2022 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thu nhập không cao, thân thể lúc nào cũng ‘hôi hám’ nhưng nhiều người vẫn chọn công việc dọn cống như một nghề nghiệp mưu sinh gắn bó cả cuộc đời...

Ai không hiểu, sẽ chê bai sự lựa chọn của họ, bởi ngoài kia còn có biết bao công việc tốt đẹp và sạch sẽ hơn. Nhưng hãy tưởng tượng mà xem, nếu xã hội này thiếu đi những ngành nghề như thế, thì môi trường sống sẽ ô nhiễm đến cỡ nào?

Tốt nghiệp Đại học theo đường công nhân

Anh Lương Hoàng Thiện (31 tuổi, Chi nhánh Thoát nước số 2) đã làm được 6 năm cho biết, anh từng tốt nghiệp đại học ngành xây dựng. Suốt thời gian học đại học anh Thiện luôn nghĩ rằng khi ra trường anh sẽ làm một công việc phù hợp với năng lực.

hình ảnh
Anh Thiện đến với nghề như một sự tình cờ. (Ảnh: Thanh Niên)

“Chưa bao giờ tôi nghĩ học xong đại học lại ra làm công nhân, công nhân học hết cấp 3 cũng làm được mà. Nhưng ra trường môi trường không như tôi nghĩ, tôi đi xin việc ai cũng đòi hỏi kinh nghiệm mà vừa ra trường thì kinh nghiệm đâu ra. Vậy là tôi xin qua đây, chế độ chăm sóc sức khỏe ổn, khám tổng quát định kỳ, thu nhập không dư nhưng đủ sống”, anh Thiện cho hay.

Từ một chàng trai ghét mùi chuột, gián nhưng từ ngày làm công việc này, anh Thiện phải quen với việc khi chui xuống cống, một ổ gián tới trăm con chạy lúc nhúc rồi bò vào trong quần áo hay chuột cắn chân… Kể cả xác động vật chết, anh phải làm quen với tất cả, dù trước đó chỉ cần nghe nhắc đến là anh đã rùng mình.

Lần đầu xuống cống, anh Thiện bị sưng hết người vì dị ứng, rồi mãi cũng thành quen, cơ thể tự thích ứng, chỉ có việc mùi của cống trên cơ thể thì vẫn không thể nào khử hết được. Anh Thiện trải lòng: “Nghề nào cũng là nghề, ai cũng có quyền không lựa chọn công việc này, nhưng đây là công việc giúp ích cho xã hội nên dù có cực chút, có hôi chút nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ sau mỗi ca làm”.

hình ảnh
(Ảnh: Thanh Niên)

Tối ngủ, vợ hỏi sao hôi thế?

Anh Châu Anh Huy, mới vào nghề được 1 năm cho biết, trước khi chọn vào làm công nhân thoát nước đô thị anh cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều. “Vì nhắc tới công việc này, ai cũng biết là dơ bẩn, ô nhiễm, đủ thứ rác thải. Nhưng vì cuộc sống gia đình nên tôi phải chấp nhận”.

Đứng dưới cống hôi, nồng nặc mùi là vậy nhưng anh Huy cũng không mang khẩu trang vì cảm thấy vướng víu khi làm việc. Anh Huy nói nhớ nhất là ngày đầu tiên nhảy xuống cống, anh gần như bị sốc vì thấy quá nhiều kim tiêm, xác động vật bốc mùi.

Xong công việc về nhà anh tắm, chà thật kỹ nhưng mãi vẫn thấy không hết được mùi hăng hăng của cống. “Tối đến đi ngủ, vợ tôi hỏi sao mùi gì hôi hôi nhỉ, tôi nói mùi của cống đó mà. Vợ hỏi công việc thế nào thì tôi cũng nói giảm nói tránh chứ không dám kể ra dưới cống thế nào, có gì dưới đó vì sợ vợ lại thương”, anh Huy tâm sự.

Theo lời anh Huy, lần đầu giẫm phải thanh sắt chảy máu chân, anh hoảng quá nên ngay lập tức đi khám bác sĩ, vậy rồi nhiều lần thành quen, giẫm phải thủy tinh hay kim tiêm anh cũng xoa xoa cho tự lành rồi thôi. Bởi với anh đây là chuyện như cơm bữa.

hình ảnh
(Ảnh: Thanh Niên)

Có lần, con của anh tình cờ thấy anh đang làm việc, đã hỏi sao ba làm nghề này. Anh lại nhẹ nhàng nói cho con hiểu, đây là công việc giúp ích cho xã hội và mang lại thu nhập chân chính nên các con nên tự hào về công việc của ba. Và gia đình cũng là động lực để mỗi lần phải dầm mình dưới nước cống bốc mùi, anh cảm thấy trân quý những gì mình làm được.

Cha truyền con nối

Không kể mưa nắng, ông Nguyễn Phú Hộ, 53 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM, cùng con trai dầm mình hàng giờ dưới cống để vớt rác, bùn đất. Ông Hộ làm nghề hơn 30 năm nay, còn con trai đã 12 năm.

"Rác thải hay bùn vẫn chưa phải là kinh khủng nhất. Sợ nhất là móc cống ở gần những công ty, nhà xưởng, nước thải ra toàn hoá chất vừa rất hôi lại cực kỳ độc hại. Tay chân dính vô thứ nước đó thì ngứa ngáy, phồng rộp cả ngày", anh Sơn nói.

Nói về lý do theo nghề của cha, anh Sơn cho biết: "Học xong cấp 3, tôi không thi đại học mà cũng chưa biết làm gì. Thấy cha gợi ý đi làm công nhân thoát nước nên theo thử cho biết rồi gắn bó đến bây giờ. Công việc tuy vất vả, dơ bẩn thật nhưng thu nhập khá ổn định (khoảng 10 triệu đồng một tháng), cha con làm cùng nhau cũng tiện nữa".

hình ảnh
Hai cha con ông Hộ gắn bó với nghề đã nhiều năm (Ảnh: VNE)

Ông Hộ cho biết, ớn nhất vẫn là những kim tiêm không có nắp. Hơn 30 năm theo nghề, có vài lần ông bị đâm trúng, phải đi chích ngừa. "Bùn còn đỡ chứ cống nào gần chợ là đủ loại rác thực phẩm thối rữa hôi hám, toàn dòi bọ kinh khủng lắm mà vẫn phải nín thở để vớt lên. Hồi đầu mới đi làm, chúng tôi ám ảnh đến nỗi không nuốt nổi cơm luôn", hai cha con tâm sự.

"Ngày nào cũng vậy, chúng tôi phải mang theo dầu gội, xà bông và mấy bộ đồ để mặc. Nghề này một ngày phải tắm giặt mấy lần nếu không thì ngứa không chịu nổi", ông Hộ chia sẻ.

"Có lẽ không còn công việc nào dơ hơn móc cống nhưng nghề chọn người rồi nên cố sức làm để nuôi gia đình. Dù sao chúng tôi cũng sẽ làm hết mình để giữ thành phố sạch đẹp, chỉ mong mọi người bớt xả rác bừa bãi là được", anh Sơn nói.

Trong rất nhiều sự lựa chọn mà con người phải trải qua, có 5 lựa chọn sẽ quyết định cả cuộc đời: Chọn lẽ để sống, chọn thầy để học, chọn việc để làm, chọn người để lấy, chọn bạn để chơi. Trong đó, chọn lẽ để sống là quan trọng nhất.

hình ảnh
(Ảnh: Thanh Niên/ VNE)

Có người nói, nói đã làm công nhân sao không kiếm nghề nào đỡ vất vả một chút, ít nhất chẳng cần dãi nắng dầm sương, đứng trong nhà máy cũng được. Bởi thời đại bây giờ, thu nhập dưới chục triệu thì không cần phải xả thân hết mình.

Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Và nếu không có những người như họ, lấy đâu ra sự sạch đẹp cho môi trường, cho thành phố, cho cả đất nước? Vậy mà đau lòng thay, miệng đời vẫn còn nhiều lắm những định kiến. Người ta chê họ hôi hám, công việc thấp hèn, ít tiếp xúc và tránh ‘giao du’.

Tuy nhiên, ‘sợ’ nhất là những kẻ xả rác bừa bãi, những con người vô tư vứt chất thải ra đường, để rồi khi mưa xuống, tất cả đổ dồn về cống. Nó không những gây gập ứ, làm nghẽn giao thông mà còn khiến cho nhiều công nhân vệ sinh phải đau đầu, khổ sở.

Ngẫm lại mới thấy, ý thức là điều không thể mua được bằng tiền. Người làm công nhân nghèo khó nhưng luôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường, còn những kẻ ăn ngon mặc đẹp đi xe sang lại chính là những kẻ thẳng tay quăng rác vô trách nhiệm.

hình ảnh
(Ảnh: Thanh Niên)

Sau cùng, chỉ mong lắm người dân mình biết nâng cao ý thức, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn một đất nước sạch đẹp, văn minh và hãy thương cho sự vất vả của những công nhân dọn cống bởi không có họ, chúng ta là người nhận hậu quả đầu tiên./.

Bạn đang đọc bài viết Góc khuất của nghề móc cống: Gặp gì cũng vớt, nuốt không nổi cơm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Thanh niên

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới