Hà Lan: Phát triển thiết bị bay không người lái nhỏ như côn trùng
Các nhà khoa học Hà Lan đang nỗ lực để phát triển một “đàn” thiết bị bay không chỉ nhận thức được sự tồn tại của nhau mà còn có khả năng phối hợp với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.
Các nhà khoa học Hà Lan vừa ra mắt phòng thí nghiệm đầu tiên của nước này có nhiệm vụ nghiên cứu cách các thiết bị bay không người lái tự động, có kích thước thu nhỏ bằng các loài côn trùng để thực hiện các nhiệm vụ như tìm kiếm vết rò rỉ khí gas trong các nhà máy hay tham gia tìm kiếm và cứu hộ.
Với việc đưa vào vận hành Phòng thí nghiệm Swarming, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Delft (TU Delft) đặt mục tiêu tạo ra khoảng 100 thiết bị bay không người lái nhỏ bé để đưa lên không trung thực hiện các nhiệm vụ 24/24h. Điều này bao gồm việc các thiết bị bay không người lái có thể tự hạ cánh trên các bộ sạc điện và cất cánh trở lại để tiếp tục bay mà không cần có sự tham gia của con người.
Theo ông Guido de Croon, Giám đốc Phòng thí nghiệm Swarming của TU Delft, cho biết các nhà khoa học đang nỗ lực để phát triển một “đàn” thiết bị bay không chỉ nhận thức được sự tồn tại của nhau mà còn có khả năng phối hợp với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.
Các nhiệm vụ mà nhóm nghiên cứu kỳ vọng những thiết bị bay không người lái nhỏ bé, có trọng lượng tương đương một quả bóng golf hoặc một quả trứng, có thể thực hiện là "đánh hơi" rò rỉ khí gas trong nhà máy. Theo đó, một nhóm thiết bị bay không người lái được trang bị cảm biến để phát hiện khí, sẽ có thể bay tự động quanh nhà máy cho đến khi 1 máy bay không người lái phát hiện ra dấu vết của khí rò rỉ. Sau đó, thiết bị này sẽ theo dõi "mùi" của khí rò rỉ và "gọi" các thiết bị bay không người lái khác cùng hỗ trợ tìm kiếm nhờ các cảm biến trên các thiết bị bay. Cũng theo cách này, các thiết bị bay không người lái này có thể được sử dụng để phát hiện các vụ cháy rừng hoặc hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên các khu vực rộng lớn.
Các nhà khoa học sử dụng các nghiên cứu về các đàn ong, đàn kiến hoặc các đàn chim để lập trình cho “đàn” thiết bị bay không người lái hoạt động theo cách tương tự. Ông De Croon cho biết nhóm nhà khoa học này muốn phát triển những robot có những khả năng tương tự như những đàn kiến, dù không thông minh khi hoạt động đơn lẻ những khi tụ tập theo đàn sẽ mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thừa nhận có một số thách thức. Đầu tiên đó là việc nghiên cứu và hình thành những hành vi bầy đàn vốn là những hệ thống phức tạp. Ông De Croon cho biết thật sự rất khó để dự đoán với những quy tắc hành xử như thế nào trong các bầy đàn. Kích thước nhỏ của robot cũng gây khó khăn cho việc tính toán số lượng các thiết bị công nghệ như cảm biến và năng lực máy tính có thể ứng dụng trên những thiết bị bay không người lái nhỏ bé.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ giúp robot có thể cảm nhận được sự hiện diện nhau mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Phòng thí nghiệm Swarming, hợp tác với một công ty khởi nghiệp của các cựu sinh viên TU Delft, có tên là Emergent, đưa khoảng 40 thiết bị bay không người lái nhỏ tham gia vào nghiên cứu. Lennart Bult, đồng sáng lập của Emergent, cho biết mục tiêu cuối cùng là đưa khoảng 100 thiết bị bay không người lái lên không trung trong 5 năm tới.
An Đông (T/h)