Hà Nam: Xử lý nghiêm loạt công trình không phép trong các khu công nghiệp
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam vừa phát hiện một số dự án xây dựng khi chưa được cấp phép xây dựng tại một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Theo Ban Quản lý KCN tỉnh Hà Nam, nhằm hạn chế những vi phạm, Ban sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, bám sát thực tế hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.
Phát hiện nhiều công trình xây dựng không phép tại các KCN
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 9 KCN với hơn 600 doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 350 đơn vị. Với việc phê duyệt quy hoạch tỉnh, thời gian tới Hà Nam sẽ có thêm khoảng 10 KCN với quy mô tổng diện tích khoảng 2.111ha. Điều này đòi hỏi công tác quản lý, giám sát và cấp phép xây dựng tại các KCN là vô cùng quan trọng.
Theo tìm hiểu được biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam qua tiến hành kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm tại một số KCN tỉnh. Cụ thể, ngày 14/5, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thị xã Duy Tiên, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra tại KCN hỗ trợ Đồng Văn III, phát hiện Công ty TNHH Đầu tư SMC Việt Nam đang tổ chức thi công phần móng nhà xưởng rộng vài trăm mét vuông trên diện tích hơn 22.000m2 đất doanh nghiệp này thuê của KCN hỗ trợ Đồng Văn III không có giấy phép xây dựng. Đây là dự án sản xuất, gia công các đồ điện dân dụng, thiết bị điện mà Nhà máy SMC Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN này.
Cũng tại KCN hỗ trợ Đồng Văn III, Công ty TNHH Công nghệ Global Lighting xây dựng phần móng nhà xưởng F1 rộng gần 1.000m2 trên diện tích hơn 50.000m2 đất thuê của KCN này nhưng không có giấy phép xây dựng. Dự án đầu tư nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun đèn nền của Nhà đầu tư Global Lighting Technologies Inc (Đài Loan) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2023. Dự án sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun đèn nền với quy mô 970.000 sản phẩm/năm, khi đi vào hoạt động có doanh thu khoảng 11 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách khoảng 1,3 triệu USD/năm.
Xử lý nghiêm, yêu cầu khắc phục vi phạm
Sau khi kiểm tra và lập biên bản các công trình vi phạm, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đề nghị chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm trên. Yêu cầu chủ đầu tư phải tạm dừng xây dựng. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải xuất trình được được giấy phép xây dựng, nếu không sẽ phải tháo dỡ các hạng mục xây dựng không phép này.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Thành Luân, Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý KCN tỉnh Hà Nam cho biết: Về công tác quản lý, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện một số trường hợp vi phạm, Ban cũng yêu cầu xử lý nghiêm.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này, ông Luân chia sẻ: “Đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho các nhà xưởng, việc thẩm định hồ sơ dự án doanh nghiệp trình lên cũng cần nhiều thời gian, đối với các dự án quy mô lớn cần phải thông qua Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, các dự án còn phải hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy trước khi cấp phép xây dựng. Sau khi hoàn thành hết các thủ tục này, Ban mới thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án”.
Để giảm thiểu, ngăn chặn các trường hợp vi phạm, ông Luân cũng cho biết: “Ban sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời tích cực kiểm tra, rà soát tình hình thực tế nhằm đảm bảo trật tự xây dựng tại các KCN trên địa bàn tỉnh”.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiên sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang (tổng vốn đầu tư 475 tỷ đồng) vào KCN Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ (tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng) vào KCN Kim Bảng I khi đáp ứng đủ các điều kiện theo như quy định của pháp luật.
Trong phương án phát triển các khu chức năng, tỉnh Hà Nam cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao Hà Nam với quy mô khoảng 663ha (huyện Lý Nhân).
Tỉnh này cũng sẽ nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ, hiệu quả hoạt động của 8 KCN đã thành lập gồm: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Hòa Mạc, Châu Sơn, Thanh Liêm, Thái Hà giai đoạn 1 với tổng diện tích 2.561ha.
Đồng thời, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 22 KCN đã có chủ trương đầu tư (KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông đường cao tốc và KCN Thái Hà giai đoạn II).
Đến năm 2030, tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiên thành lập mới, mở rộng và phát triển các KCN có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gồm các KCN: Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I, Thành Bình II, Bình Lục, Thái Hà III…
Theo Báo Xây dựng