Thứ sáu, 29/03/2024 16:06 (GMT+7)

Hà Nội ảnh hưởng như thế nào bởi đứt gãy sông Hồng?

MTĐT -  Thứ năm, 28/11/2019 14:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, do ảnh hưởng những trận động đất ở Lào và Cao Bằng, nhiều chung cư cao tầng ở Hà Nội cũng chịu những cơn rung lắc nhẹ.

Theo các chuyên gia, mặc dù nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, kéo dài từ Vân Nam, Trung Quốc chạy dọc thung lũng sông Hồng đến vịnh Bắc Bộ, nhưng Hà Nội lại rất ít chịu ảnh hưởng của động đất.

Theo một nghiên cứu của Viện Địa chất (thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN), dọc theo đới đứt gãy này, trên địa phận Trung Quốc, ghi nhận được một số trận động đất lớn lên đến 7,9 độ richter trong khoảng thời gian từ năm 780 đến 1976.

Theo Zing, một nghiên cứu của TS Nguyễn Đăng Túc, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KHCNVN) cho biết, đới đứt gãy sông Hồng bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo dài đến vịnh Bắc Bộ với chiều dài khoảng 1.560 km.

Trên lãnh thổ Việt Nam, đới này tách thành đới đứt gãy Sông Chảy và đới đứt gãy dọc thung lũng sông Hồng.

Đới sông Hồng hoạt động tích cực, chuyển dịch phải, gây ra động đất, nứt - trượt lở đất đá, lũ bùn đá, xói lở bờ sông, bờ biển, tạo ra các suối nước nóng, nước khoáng, gây các dị thường nồng độ radon, thủy ngân, địa nhiệt.

Vùng chịu ảnh hưởng của đới sông Hồng bao gồm những vùng dân cư rộng lớn, đông đúc, nhiều khu vực có vai trò quan trọng như các công trình thuỷ điện Thác Bà (Hoà Bình), các khu công nghiệp ở Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, hệ thống đê điều của đồng bằng Bắc Bộ, các mỏ khoáng sản, dầu khí, than nâu ở miền núi, trũng Hà Nội và vịnh Bắc Bộ.

Tại Việt Nam, đới gây nứt đất mạnh nhất ở Bất Bạt (Ba Vì), Phủ Lý (Hà Nam), Tân Hội (Đan Phượng), thôn Thượng (Tam Dương), Liên Mạc, Viên Nam (Mê Linh), Sen Chiểu, Linh Chiểu, Vân Cốc (Phúc Thọ), Kim Động (Hưng Yên). Tuy nhiên, các nhà khoa học không phát hiện các hoạt động ở khu vực nội thành Hà Nội.

TS Nguyễn Đăng Túc, trong nghiên cứu của mình có dẫn ý kiến một số chuyên gia địa chất quốc tế, cho rằng đới sông Hồng đang ở thời kỳ nghỉ ở giữa 2 trận động đất lớn, khoảng 1.800 năm đến vài nghìn năm.

Cũng có ý kiến cho rằng, có thể đới sông Hồng đã "chết" theo quan điểm phát sinh động đất mạnh, nhưng vẫn sống khi tiếp tục phát sinh nứt đất. Việc giải toả năng lượng thì không đủ lớn để gây động đất.

Theo TS Nguyễn Đăng Túc, hoạt động kiến tạo của đới sông Hồng đang yếu dần rồi dừng hẳn hay đang tích lũy năng lượng, rồi mạnh lên vẫn là câu hỏi lớn. Nhưng với biểu hiện hoạt động hiện đại, nó vẫn hoạt động, là tác nhân gây ra tai biến địa chất môi trường. Vì vậy, con người vân luôn cần có các biện pháp đề phòng trước sự khó lường của đới đứt gãy đa ngủ yên 1.000 năm này.

Đứt gãy sông Hồng không phải là đới đứt gãy lớn

PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, đứt gãy sông Hồng, sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, kéo dài đến Việt Nam. Đây không phải là đới đứt gãy lớn. Theo tính toán của các nhà khoa học, lớn nhất cũng chỉ khoảng 6 độ richter trở lại. Với cường độ này thì các trận động đất không gây ra thiệt hại lớn.

Trong lịch sử không có động đất mạnh gây thiệt hại, lại đang trong chu kỳ “ngủ”, nên đến nay chưa có kịch bản động đất cho Hà Nội. Tuy nhiên từ những năm 1980, các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng đã tính toán, phân vùng động đất cho Hà Nội. Sau này hoạt động tính toán phân vùng động đất vẫn được thực hiện để phục vụ xây dựng các công trình cao tầng.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, khi tự thiết kế và xây dựng nhà ở, người dân nên chú ý, nếu mở cửa sổ, cửa đi quá lớn so với kích thước mảng tường khi xây dựng sẽ làm yếu khả năng chịu lực của mảng tường. Không nên làm kiểu lệch tầng. Nhà hình chữ L, chữ U thường bị phá hoại khi có động đất do tập trung ứng suất ở các góc. Hoặc có một điều rất đáng lưu ý là hiện nay nhiều gia đình thường cắt bỏ dầm trần ở những phòng cần trang trí khiến cho khung bê tông có độ cứng không đồng đều, khả năng chịu lực kém.

Nói về việc các chung cư ở Hà Nội có khả năng chịu những dư trấn của động đất, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, người dân Hà Nội có thể yên tâm bởi vì các công trình xây dựng gần đây đều đã tính tới động đất khi thiết kế, thi công.

Từ năm 1991, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu hoàn chỉnh bản đồ phân vùng nhỏ động đất của Hà Nội. Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được nâng thành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình. “Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế hư hỏng”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội ảnh hưởng như thế nào bởi đứt gãy sông Hồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.