Thứ năm, 28/03/2024 16:40 (GMT+7)

Hà Nội bao giờ mới thoát cảnh “hễ mưa là ngập”?

MTĐT -  Thứ ba, 18/08/2020 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 17/8 trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra trận mưa lớn. Hàng chục tuyến phố tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà trưng bỗng biến thành "sông".

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Lê Vũ Quảng Sương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, chiều nay trên địa bàn thành phố xảy ra các cơn mưa lớn, lượng mưa đo được lên đến hơn 100 mm. Do lượng mưa tấp cập diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng.

Trong báo cáo nhanh về tình hình mưa ngập chiều tối 17/8, Cty Thoát Nước Hà Nội cho biết, mưa lớn, tập trung từ 15h50 phút - 16h50 phút (đợt 1). Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng lượng mưa đo được tại nhiều khu vực lên đến từ 40-80mm, có nơi trên 100 mm. Lượng mưa này tập trung tại các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Theo báo cáo nhanh, tình trạng trên đã làm một số tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành xảy ra ra úng ngập, trong đó có các tuyến phố như: Bùi Xương Trạch (SN49 đến SN93), Hoàng Tích Trí; Trần Thánh Tông, Lê Duẩn (trước SN145), đường Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến UBND phường Hoàng Văn Thụ);

Trần Cung (cây xăng A38); ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng; Thụy Khuê (trường Chu Văn An - dốc Lapho); Thợ Nhuộm (giữa phố); Phùng Hưng - Bát Đàn - Đường Thành - Nhà Hỏa; Đinh Liệt; Cao Bá Quát (cổng công ty môi trường Đô thị); Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt.

Cũng theo báo cáo nhanh, tiếp đến, tới thời điểm 17h30 trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa đợt 2, cường độ mưa lớn, làm xuất hiện thêm điểm ngập úng: Đường Thành - Hàng Nón, Nguyễn Trường Tộ - Phan Huy Ích, Quang Trung - Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái. Đến 19h00còn một số điểm đọng nước như: Liên Trì, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt.

Do lượng mưa tấp cập diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng. Ảnh: Thế Lợi

Về lượng mưa được đo được cho cả buổi chiều nay, báo cáo nhanh của Cty Thoát Nước cho biết, Hoàn Kiếm: 107 mm, Ba Đình 88,3 mm, Hai Bà Trưng 92,3 mm, Đống Đa 78,2 mm.

Tại buổi giao ban báo chí chiều 16/6 vừa qua, ông Hoàng Cao Thắng – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm ngập úng. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

Cứ vào mùa mưa hằng năm, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại chìm trong biển nước.  Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, biệt là hệ thống thoát nước, vốn đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, đã không đáp ứng nổi.

Đô thị hóa cũng dẫn đến việc cứng hóa các mặt phủ, dẫn đến lượng nước thay vì ngấm vào đất thì tập trung lại và dồn hết vào vùng trũng, rất dễ tràn các ống thoát nước và gây ngập úng cục bộ.

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp chống ngập. Cụ thể như dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ đã hoàn thành nhưng cũng chỉ đáp ứng, giải quyết được khoảng 20% nhu cầu thoát nước của Hà Nội.

Trao đổi với báo Lao động, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - ông Võ Tiến Hùng cho biết, hiện với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống nước gặp sự cố. Tuy nhiên, với các trận mưa có cường độ từ 50 - 100mm/2h, Hà Nội sẽ xuất hiện 12 điểm ngập úng.

Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Thủ đô, ngay từ đầu quý I/2020, dù chưa có kết quả đấu thầu công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, đơn vị đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động cơi nống cống xả nhằm hạn chế ngập úng.

“Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các đơn vị khác cũng triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước. Đồng thời, điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ. Thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa”, ông Hùng cho hay.

Từng trao đổi với báo Kinh tế đô thị, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, nghi ngờ hệ thống cống rãnh thoát nước hiện nay của TP Hà Nội đang không có được hiệu suất cao nhất. Thậm chí là đang có rất nhiều điểm tắc nghẽn, ùn ứ, trũng đọng nước, rác thải trong các hệ thống cống rãnh này. Chính vì thế đã đến lúc phải kiểm tra lại toàn bộ, kể các các hố thu nước lẫn các cống mương tiêu thoát nước.

Theo ông, vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp chống ngập úng ở TP Hà Nội hiện nay là phải tập trung kiểm soát lại và làm chủ được tình trạng của hệ thống tiêu nước hiện có, thông qua các cống rãnh, kênh mương tiêu nước để tập trung ra các sông ngòi dẫn nước ra các trạm bơm cưỡng bức. Đây phải là công việc ưu tiên số một.

Trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề quy hoạch có nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, tốc độ đô thị hóa thì diễn ra chóng mặt, để tìm ra một giải pháp thật sự hữu hiệu giải quyết triệt để ngay và luôn vấn đề ngập úng ở Hà Nội không hề đơn giản. Do đó, chúng ta cần tập trung xử lý từng vấn đề một và ưu tiên hiện nay, chính là kiểm tra hệ thống thoát nước hiện có. Tìm ra những điểm tắc để tháo gỡ, làm sao để hệ thống kênh mương thoát nước được thông toàn tuyến.

Nhật Hạ (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội bao giờ mới thoát cảnh “hễ mưa là ngập”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới