Thứ bảy, 20/04/2024 01:14 (GMT+7)

Hà Nội cần thu hồi dự án chậm trễ của Công ty Diệu Phương Đường

Vũ Khoa -  Thứ năm, 02/01/2020 14:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã có không ít trường hợp các chủ đầu tư tự “vẽ” dự án để “ôm đất” mà thực tế năng lực thi công, khả năng tài chính không thể thực hiện được. Sau đó là tự ý thay đổi mục đích sử dụng nhằm thu lợi.

Chậm triển khai trong nhiều năm

Theo quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP.Hà Nội, 5.311m2 đất tại xã Văn Bình (Thường Tín, TP.Hà Nội) được thu hồi để cho Công ty TNHH Diệu Phương Đường (Diệu Phương Đường) thuê thực hiện dự án đầu tư xây dựng Xưởng bào chế dược phẩm đông y Diệu Phương Đường, thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày cấp GCN đầu tư (28/3/2012).

Trong đó có 4.881m2 được giới hạn để xây dựng công trình Xưởng bào chế dược phẩm đông y; 430m2 là đất hành lang giao thông và hạ tầng khu vực. Để thực hiện hoạt động quản lý đất đai, quá trình dự án triển khai, UBND TP.Hà Nội yêu cầu UBND huyện Thường Tín; UBND xã Văn Bình thường xuyên kiểm tra việc sử dụng, xây dựng công trình của Diệu Phương Đường, kịp thoài phát hiện, xử lý những vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND TP.

Điều 4 trong quyết định này nêu rõ, sau 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà Công ty TNHH Diệu Phương Đường không đưa đất vào sử dụng, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong Dự án thì sẽ bị UBND TP thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Mặc dù trách nhiệm về quản lý sử dụng đất được nêu rõ trong quyết định trên, nhưng dường như đang có sự tắc trách của chính quyền địa phương, ở đây cụ thể là UBND xã Văn Bình và UBND huyện Thường Tín khi hiện trạng dự án đến nay vẫn gần như ở con số 0, ngoài ra, có dấu hiệu hoạt động sai mục đích của chủ đầu tư dự án.

Theo khảo sát của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, kể từ khi quyết định 3079 được ban hành cho tới nay đã là 7 năm, nhưng gần như không có hạng mục nào được xây dựng lên. Xung quanh dự án chỉ được che chắn bởi tường bao. Thay vì xưởng bào chế, mặt bằng dự án hiện tại đang bị biến thành bãi gửi xe với rất nhiều xe các loại đậu, đỗ dài ngày.

Tấm biển tại khu dự án của Diệu Phương Đường.

Chủ đầu tư tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất dự án

Ông Nguyễn Doãn Ánh – Cán bộ địa chính UBND xã Văn Bình khi cung cấp cho PV Quyết định 3079 cho biết, với chức năng của xã, rất khó để kiểm tra hoạt động bên trong phần đất dự án của Diệu Hương Đường, do đó, việc xác định chủ đầu tư này có triển khai sử dụng đất xây xưởng bào chế vào mục đích khác hay không là rất khó. Bên cạnh đó, ông Ánh cũng khẳng định ngoài Quyết định 3079 của UBND TP. Hà Nội thì UBND xã không lưu giữ bất kỳ thông tin nào về dự án.

Nhằm rộng đường dư luận, cũng như tìm hiểu rõ nguyên nhân dự án này chậm triển khai, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với Giám đốc Công ty TNHH Diệu Phương Đường là bà Nghiêm Thị Loan. Trong cuộc trao đổi, bà Loan thừa nhận hiện đang sử dụng đất dự án làm bến bãi.

Dự án không được triển khai và đang bị sử dụng sai mục đích.

“Ban đầu chúng tôi nghiên cứu và xin giấy phép thực hiện dự án xưởng bào chế đông y. Nhưng trong quá trình triển khai, do nền đất dự án quá yếu, đơn vị thi công không thực hiện nạo vét sạch bùn dẫn đến mặt bằng thường xuyên lún, sụt, không thể xây dựng được”, bà Loan nói.

PV đặt câu hỏi, “Vậy thực trạng dự án, quá trình sử dụng đất có được Diệu Hương Đường thông báo đến cơ quan chức năng?”. Bà Loan khẳng định đã có báo cáo về Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội. Ngoài ra, Diệu Hương Đường cũng đang tổ chức nghiên cứu thực hiện kho tàng, bến bãi, nếu khả thi sẽ trình thành phố phương án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Để làm rõ thông tin này, PV đề nghị bà Loan cung cấp văn bản thông báo và phản hồi của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên cho đến hiện tại, người đứng đầu Công ty TNHH Diệu Phương Đường chỉ cung cấp một Giấy chứng nhận đầu tư được UBND TP. Hà Nội ban hành trong đó có nội dung thay đổi lần thứ nhất ngày 7/5/2014.

Nội dung thay đổi đáng chú ý nhất trong GCN này chỉ là việc điều chỉnh tiến độ dự án. Cụ thể, giai đoạn I (từ quý 3/2012 đến hết quý 4/2015) san lấp mặt bằng, xây dựng HTKT và trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu. Giai đoạn II (từ quý I/2016 đến hết quý I/2017) xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị đưa vào sử dụng. Các nội dung khác không thay đổi, vẫn thực hiện theo GCN lần đầu ngày 28/3/2012.

Qua đó, những tài liệu mà bà Loan cung cấp không đáp ứng được câu hỏi về việc chủ đầu tư cố tình thay đổi mục đích sử dụng đất dự án. Điều này cho thấy thông tin dự án chậm tiến độ trong thời gian dài là có cơ sở. Mà xét theo quyết định 3079 thì trong thời gian 24 tháng so với tiến độ ghi trong Dự án thì sẽ bị UBND TP thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi căn cứ theo GCN điều chỉnh tiến độ dự án thì thời điểm hiện tại, đã quá 24 tháng nhưng dự án vẫn không được triển khai, do đó, phần đất UBND TP.Hà Nội giao cho Diệu Phương Đường đã thuộc diện buộc phải thu hồi.

Tại kỳ họp thứ mười một, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, ngày 4/12.ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cho biết, theo báo cáo, đến nay, trong tổng số 383 dự án dự án sử dụng đất chậm triển khai, chủ yếu vốn ngoài ngân sách, TP đã đã thu hồi 28 dự án không triển khai với tổng diện tích hơn 1.700 ha.

Với 24 dự án với tổng diện tích 35,8ha chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng được TP đưa vào xem xét gia hạn 24 tháng, sau thời gian trên nếu không được thực hiện sẽ bị thu hồi theo quy định.

Bên cạnh đó, 83 dự án với tổng diện tích 273ha đã rà soát và đưa ra khỏi danh sách bởi sau khi phối hợp đôn đốc các chủ đầu tư dự án đã đưa vào triển khai; 39 dự án với tổng diện tích 34ha chậm triển khai có vi phạm pháp luật về đất đai đã yêu cầu tổ chức khắc phục; 44 dự án đang quá trình thực hiện vướng về công tác GPMB đã tập trung đôn đốc tháo gỡ; 54 dự án với tổng diện tích 1.305ha TP đã có quyết định giao đất nhưng chậm GPMB, TP đã rà soát và tháo gỡ.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội cần thu hồi dự án chậm trễ của Công ty Diệu Phương Đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...